Thực hư Anh quốc hữu hóa nhà máy sản xuất thép cuối cùng thuộc sở hữu của Trung Quốc

Thứ 4, 16/04/2025 14:52

Chính phủ Anh vừa can thiệp vào hoạt động của nhà máy thép Scunthorpe ở hạt Lincolnshire thuộc sở hữu của Trung Quốc. Điều này làm dấy lên thông tin nước này quốc hữu hóa nhà máy thép cuối cùng do Trung Quốc sở hữu ở Anh. Vậy thực hư câu chuyện ra sao?

img

Nếu nhà máy bị đóng cửa, Anh sẽ là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 không còn khả năng tự sản xuất thép nguyên sinh. Ảnh: Reuters.

Vì sao nhà máy thép Scunthorpe quan trọng?

Nhà máy thép Scunthorpe thuộc công ty British Steel hiện sử dụng khoảng 2.700 lao động, chiếm ba phần tư tổng số nhân viên. Đây là cơ sở cuối cùng tại Anh còn sản xuất thép nguyên sinh – loại thép được luyện trực tiếp từ quặng sắt, thường dùng cho các dự án xây dựng lớn như nhà cao tầng hay hệ thống đường sắt.

Khác với thép tái chế vốn chứa nhiều tạp chất, thép nguyên sinh có chất lượng cao hơn. Nếu cơ sở này ngừng hoạt động, Anh sẽ trở thành quốc gia duy nhất trong nhóm G7 không còn khả năng tự sản xuất thép nguyên sinh – điều được chính phủ đánh giá là “rủi ro đối với an ninh kinh tế quốc gia”.

Vì sao công ty thép Anh lại do Trung Quốc sở hữu?

Vào năm 2016, tập đoàn Tata Steel của Anh bán lại mảng kinh doanh thua lỗ chuyên sản xuất “sản phẩm dài” như thanh ray đường sắt hay kết cấu thép cho xây dựng. Công ty đầu tư Greybull Capital mua lại với giá tượng trưng 1 bảng Anh và đổi tên thành British Steel.

Tuy nhiên, chỉ ba năm sau, British Steel phá sản và được tiếp quản bởi cơ quan phá sản của chính phủ. Năm 2020, công ty này được bán lại cho tập đoàn luyện kim Jingye của Trung Quốc. 

Nhà máy Scunthorpe có bốn lò cao mang tên các nữ hoàng Anh – Bess, Mary, Anne và Victoria – nhưng chỉ có hai lò Bess và Anne còn hoạt động. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu cần thiết như than cốc và viên quặng sắt đang cạn dần.

Cuối tháng 3/2025, Jingye cho biết nhà máy đang lỗ khoảng 700.000 bảng Anh mỗi ngày và đã tiến hành tham vấn về việc đóng cửa các lò cao.

Mâu thuẫn giữa chính phủ Anh và công ty Trung Quốc

img

Công ty Trung Quốc mua lại nhà máy sản xuất thép ở Anh vào năm 2020 nhưng nay có ý định ngừng luyện thép hoàn toàn vì thua lỗ. Ảnh: Reuters.

Kể từ đó, chính phủ Anh bắt đầu can thiệp vào hoạt động tại nhà máy Scunthorpe khi tập đoàn Jingye (Trung Quốc) tỏ ý muốn chuyển sang gia công thép thay vì sản xuất.

Tuần trước, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Jonathan Reynolds nói: “Tập đoàn Jingye không có ý định mua đủ nguyên liệu để duy trì hoạt động của các lò cao, và họ cũng từ chối thanh toán những đơn hàng nguyên liệu đã đặt”. Ông nhấn mạnh, nếu không có hành động khẩn cấp, “công ty sẽ đơn phương và không thể đảo ngược việc đóng cửa vĩnh viễn hoạt động luyện thép tại Anh”.

Theo giới quan sát, lý do tập đoàn Jingye muốn dừng nốt hai lò cao còn hoạt động tại Scunthorpe không chỉ xuất phát từ lý do thua lỗ, mà còn nằm trong chiến lược kinh doanh dài hạn. Thay vì tiếp tục sản xuất thép nguyên sinh tại Anh – vốn tiêu tốn nhiều nguyên liệu và năng lượng, Jingye có thể chuyển sang nhập thép từ Trung Quốc, sau đó đưa về nhà máy tại Anh để gia công thành sản phẩm hoàn chỉnh. 

Cách làm này giúp tập đoàn tiết kiệm chi phí, tận dụng lợi thế về giá và quy mô tại Trung Quốc, đồng thời vẫn giữ được sự hiện diện tại thị trường châu Âu. Ngoài ra, nếu dừng hoạt động luyện thép tại Anh, Jingye cũng tránh được áp lực đầu tư lớn vào công nghệ luyện thép thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn mới của chính phủ Anh. 

Tuy nhiên, chiến lược này làm dấy lên lo ngại rằng Anh sẽ đánh mất năng lực tự chủ trong lĩnh vực thép, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nước ngoài và đối mặt với nguy cơ mất hàng nghìn việc làm trong nước.

Sau khi can thiệp, chính phủ Anh cho biết một lô hàng nguyên liệu sẽ được dỡ xuống cảng Immingham và chở đến Scunthorpe vào thứ Ba. Ngoài ra, một chuyến hàng khác từ Úc cũng đang trên đường đến Anh để hai lò cao tiếp tục hoạt động.

Anh đã quốc hữu hóa British Steel hay chưa?

img

Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định chính phủ cam kết cung cấp hỗ trợ để nhà máy Scunthorpe tiếp tục hoạt động. Ảnh: BBC/Getty Images.

Luật khẩn cấp được Quốc hội thông qua vào cuối tuần trước cho phép chính phủ Anh đặt hàng nguyên liệu cho lò cao, điều hành nhân viên và ban lãnh đạo công ty. Thậm chí, nếu cần thiết, chính quyền có thể đưa lực lượng an ninh tiến vào nhà máy với lý do bảo vệ tài sản.

Tuy nhiên, cho đến ngày 16/4, tập đoàn Jingye vẫn là chủ sở hữu hợp pháp của British Steel. Điều này có nghĩa là chính phủ chưa thực sự quốc hữu hóa công ty – tức là chưa giành quyền sở hữu và kiểm soát hoàn toàn, theo BBC.

Dù vậy, Bộ trưởng Reynolds hôm 15/4 thừa nhận “khả năng quốc hữu hóa” là kịch bản có thể xảy ra, vì hiện tại không có nhà đầu tư tư nhân nào quan tâm đến việc mua lại nhà máy.

Nếu British Steel bị quốc hữu hóa, ngân sách quốc gia sẽ phải chi trả để duy trì hoạt động. Ông Reynolds cho biết công ty đang lỗ ròng khoảng 233 triệu bảng mỗi năm, nhưng nếu để các lò cao ngừng hoạt động, chi phí cho ngân sách có thể còn cao hơn.

Ngay sau khi chính phủ Anh can thiệp, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh lên tiếng: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao diễn biến sự việc”. Phía Trung Quốc cũng thừa nhận: “Thực tế khách quan là các công ty thép tại Anh đã gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây”.

Đăng Nguyễn - BBC. Sky News

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.