Theo Daily Mail, nhiếp ảnh gia người Indonesia Gunarto Song đã chụp được bức ảnh tia sáng xanh kỳ lạ xuất hiện trên miệng núi lửa Merapi vào ngày 28/5.
Tia sáng màu xanh lá cây trông giống như một tia laser bắn ra từ miệng núi lửa Merapi. Gunarto đã chia sẻ bức ảnh thú vị này lên trang Instagram cá nhân kèm chú thích: "Một thiên thạch đã rơi vào đỉnh núi Merapi?". Bài đăng nhanh chóng thu hút hơn 28.000 lượt "Thích" và nhiều ý kiến phản hồi.
Scott C Waring, nhà lý thuyết âm mưu nổi tiếng thì cho rằng: "Đó có thể là một UFO của người ngoài hành tinh bay qua đảo Java hoặc là một thiên thạch đi lạc từ trận mưa Eta Aquarid vào tháng 5".
Theo Waring, vệt màu xanh lục là do một phi thuyền của người ngoài hành tinh bay vào hoặc ra khỏi núi lửa. Ông còn cho rằng đây là khu vực ẩn náu của họ.
Được biết ông Waring từng chia sẻ rất nhiều clip và hình ảnh đáng nghi được cho là những sinh vật ngoài Trái đất. Năm ngoái, ông tuyên bố một UFO đã bị bắt gặp khi bay ra khỏi núi lửa Stromboli của Sicily. Một lần khác, ông tuyên bố đã tìm thấy một con tàu vũ trụ bay ra khỏi núi lửa El Popo của Mexico. Waring cho rằng "các núi lửa trên thế giới đều có liên quan đến những sự kiện về người ngoài hành tinh. Việc UFO ra vào miệng núi lửa có nghĩa là nó phải dẫn đến một nơi nào đó". Một trong những lý do con người thường nghi ngờ rằng những sinh vật ngoài Trái đất sử dụng vị trí này bởi vì chưa một ai có thể vào bên trong núi lửa để khám phá. Tất nhiên, không có bằng chứng đáng tin cậy nào chứng minh cho những tuyên bố của Waring.
Trong khi đó, Viện Hàng không và Không gian Quốc gia Indonesia (LAPAN) cho biết: "Có thể tia sáng xanh kỳ lạ đến từ 2 trận mưa sao băng Eta Aquarid và Arietid diễn ra vào cùng thời điểm đó. Tia sáng có màu xanh lá cây dường như là sao băng rơi xuống xung quanh núi Merapi và bị chi phối bởi nguyên tố Magie".
Cũng theo Daily Mail, một phần của tiểu hành tinh hoặc sao chổi còn được gọi là thiên thạch. Khi xâm nhập bầu khí quyển, nó biến thành một quả cầu lửa hoặc sao băng. Những mảnh rơi xuống Trái đất vẫn có tên là thiên thạch.
Chia sẻ với CNN Indonesia, Gunarto nói rằng anh thiết lập tốc độ màn trập của máy ảnh ở mức 4 giây nên tạo thành vệt sáng kéo dài. Nhưng thực tế nó có hình tròn, di chuyển rất nhanh và rơi xuống.
Núi Merapi nằm trên ranh giới của tỉnh Trung Java và khu vực đặc biệt Yogyakarta. Đây là một trong những ngọn núi lửa hoạt động thường xuyên nhất trên thế giới. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ về phòng chống thảm họa địa chất của Indonesia ngày 17/6 vừa qua cho biết ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất của nước này Merapi đã phun ra những luồng khí nóng vào lúc 7h10 sáng (giờ địa phương) với cột khí nóng lan xa tới 2.000 m về phía Tây Nam và đợt phun trào này diễn ra trong 191 giây.
Minh Hoa (t/h)