Tương truyền, một số đồng bào dân tộc sinh sống ở Cao Bằng, Tuyên Quang… vẫn còn lưu giữ tục lệ "bỏ độc". Mỗi khi có khách đến nhà, nếu đúng dịp cần "giết người" hoặc vị khách ấy bị ghét bỏ, họ sẵn sàng bỏ độc dược vào thức ăn nhằm lấy đi tính mạng của người khách đó.
Cho đến nay, thuốc độc được dùng để bỏ độc vẫn còn là bí mật, chỉ lưu truyền trong gia đình. Tương truyền đó là loại cây mọc sâu trong rừng rậm, ở những nơi tăm tối, ẩm thấp. Khi lấy loại cây này về, người luyện thuốc độc biến nó thành chất lỏng không màu, không mùi và không vị nhưng lại vô cùng độc. Thông thường, người bị hạ độc chủ yếu qua con đường ăn uống. Sau khi bị trúng độc, cơ thể người vẫn khoẻ mạnh bình thường. Tuy nhiên, khi rời khỏi nhà chủ được một vài ngày, người bị hạ độc mới bắt đầu cảm thấy bủn rủn, đau đớn, cuối cùng thổ huyết mà chết. Người bị trúng độc chết sớm hay muộn tuỳ thuộc vào lượng độc được bỏ.
Theo lời kể của A Pá (người dân tộc Tày, Cao Bằng), truyền thuyết về việc bỏ độc cho đến nay vẫn tồn tại. Từ bé, anh đã được nghe kể nhiều chuyện người nơi khác đến bản anh vô cùng khoẻ mạnh nhưng vài hôm sau đổ bệnh mà chết. "Cách đây mấy tháng, một người ở bản anh trở về nhà trong tình trạng người như mượn của người khác, nằm liệt giường mất mấy hôm thì chết. Hoá ra trên đường trở về, người này bị bỏ độc. Chúng tôi chỉ biết điều này khi cơ thể của ông ta đen sì, tím ngắt sau khi tắt thở". Cùng theo lời A Pá, việc bỏ độc không dừng lại ở thức ăn, nước uống mà ở cả những loại hoa quả ven đường.
Lý giải về tục lệ kỳ quái, dã man này, nhiều người cho rằng tục lệ này có từ thời xa xưa, xuất phát từ tục hiến tế. Theo đó, mỗi năm phải hiến tế một người nếu không các thành viên trong gia đình sẽ chết. Tổ tiên theo, con cháu sẽ phải theo đến cùng nếu không sẽ rơi vào hoạ diệt vong. Thế nên, dù biết giết người là tội ác tày trời, nhưng nhiều người vẫn theo vì mê tín dị đoan, sợ ma bắt người thân… Tuy chỉ những chuyện theo kiểu đồn thổi, chưa được kiểm chứng nhưng cũng khiến không ít người bán tín, bán nghi…
Bình Minh