Cấp phép biểu diễn đêm nhạc nhưng chưa cấp phép cho ca khúc?
Mới đây, theo thông báo gửi đến truyền thông, danh ca Chế Linh cho biết, các ca khúc biểu diễn trong liveshow sắp tới vào ngày 28/10 của ông đã được cấp phép. Các sáng tác được cấp phép của Chế Linh đã gắn liền với tên tuổi ông từ thời ông còn trẻ như: Nỗi buồn sa mạc, Thương hận, Một lần hiện diện, Nụ cười chua cay… Đây là những sáng tác của chính ông với bút danh Tú Nhi. Ca sĩ Chế Linh chia sẻ, bản thân ông đã mong chờ từng ngày được cấp phép các sáng tác này tại Việt Nam. Việc được cấp phép biểu diễn các ca khúc trên là tin vui đối với Chế Linh và cả ê - kíp làm chương trình liveshow.
Danh ca Chế Linh tâm sự, ông vô cùng hạnh phúc và hồi hộp khi trong liveshow lần này, lần đầu tiên sẽ trình diễn trên sân khấu những ca khúc này cho khán giả Việt Nam. Đây là sự kiện tiếp tục ghi dấu một dấu ấn của Chế Linh trên sân khấu biểu diễn Việt Nam. Nam danh ca tin tưởng, khán giả sẽ tiếp tục ủng hộ mình nhiệt tình trên con đường nghệ thuật. Niềm hạnh phúc này đã được Chế Linh chia sẻ qua buổi livestream duyên dáng giữa Chế Linh và MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên vừa qua, và được hàng vạn khán giả ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình.
Tuy nhiên, trái với sự vui mừng của ca sĩ Chế Linh, thì đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, tất cả những ca khúc mà Chế Linh sẽ hát trong live show ngày 28/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình chưa được… cấp phép. Thậm chí, trên trang quản lý online của Cục NTBD cũng không có bài hát nào trong chương trình của danh ca Chế Linh được cấp phép biểu diễn.
Ông Nguyễn Thu Đông - Trưởng phòng Quản lý băng đĩa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) cũng xác nhận Cục Nghệ thuật Biểu diễn chưa hề cấp phép cho biểu diễn hay lưu hành những ca khúc kể trên của danh ca Chế Linh. "Tất cả các bài hát được cấp phép phổ biến chúng tôi đều công khai trên cổng thông tin của Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Bộ VH,TT&DL. Những bài hát nói trên chúng tôi chưa thấy có hồ sơ nào gửi lên Cục Nghệ thuật Biểu diễn cả. Theo quy định của Nghị định 79/2012 thì tất cả các bài hát được sáng tác trước 1975 và những bài hát do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác muốn được cấp phép phổ biến phải thông qua Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Và nếu xin cấp phép thì những bài hát nào có thể cấp phép được chúng tôi giải quyết rất nhanh gọn", ông Đông nói.
Trong một diễn biến khác thì song song với thông tin ca sĩ Chế Linh cho rằng, các bài hát trong chương trình sắp tới của ông đã được cấp phép thì cũng có một văn bản mang số 3230/SVH&TT - QLNT do ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội ký ngày 20/9/2016 chấp thuận cho chương trình liveshow Gọng ca vàng hải ngoại Chế Linh biểu diễn ngày 28/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình nhưng lại không có nội dung đề cập đến chuyện cấp phép biểu diễn cho các ca khúc trong chương trình.
Nhà sản xuất âm nhạc Xuân Phương cho biết: “Việc cấp phép biểu diễn đêm nhạc không liên quan gì đến việc cấp phép biểu diễn các ca khúc trong đêm nhạc ấy. Nếu không có văn bản chấp thuận cấp giấy phép cho các ca khúc trong chương trình mà đơn vị tổ chức gửi thông cáo, PR rầm rộ như thời gian qua là vi phạm pháp luật…”.
Liệu đêm nhạc có phải dừng lại?
Trong khi các ca khúc biểu diễn trong chương trình sắp tới chưa được cấp phép, nhưng phía ca sĩ Chế Linh đã gửi thông tin “rầm rộ” để quảng cáo về chương trình. Theo đó, đêm nhạc này sẽ có MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên tham gia cùng các nghệ sĩ tại Hà Nội như: Sơn Tuyền, Anh Thơ, Ngọc Ánh, Phương Dung, Quang Linh, Hoài Lâm, Giáng Tiên… đều là những tên tuổi hoặc là gắn bó với sự nghiệp ca hát của ông. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, nếu không xin được văn bản cấp phép các ca khúc sẽ biểu diễn trong chương trình, liệu đêm nhạc sắp tới của ca sĩ Chế Linh có phải dừng lại?
Nhà sản xuất âm nhạc Xuân Phương chia sẻ thêm: “Từ trước đến nay, các chương trình biểu diễn nhạc Bolero, nhạc xưa đều phải xin giấy phép biểu diễn, đây là quy định của pháp luật. Nếu hiểu việc cấp phép biểu diễn đêm nhạc và cấp phép biểu diễn ca khúc là một là sai. Nhạc Bolero có đặc thù riêng, đó là những ca khúc được sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam và trước năm 1954 tại miền Bắc. Việc thẩm định nội dung bài hát rồi cấp phép biểu diễn là đúng, vì lời bài hát cùng cần phải phù hợp với thuần phong mỹ tục và nét đẹp văn hoá của Việt Nam. Nếu không làm đúng quy định thì đêm nhạc của Chế Linh có bị dừng lại cũng là chuyện bình thường…”.
Theo ông Đông, ông có xem văn bản của Sở VH-TT Hà Nội gửi cho đơn vị tổ chức được đăng tải trên báo chí và thấy trong văn bản không hề ghi đã cấp phép cho các ca khúc Chế Linh sáng tác trước 1975. Như vậy có nghĩa là đơn vị tổ chức không phép biểu diễn những ca khúc này trong chương trình và cũng tuyệt nhiên không được quảng cáo trên truyền thông. Nếu làm điều này nghĩa là đơn vị tổ chức đã vi phạm quy định của pháp luật và sẽ phải bị xử lý theo đúng quy định.
“Theo quy trình, khi các đơn vị tổ chức nghệ thuật muốn xin cấp phép cho những ca khúc mới đều phải gửi hồ sơ lên Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Cục Nghệ thuật phải thành lập Hội đồng thẩm định rồi khi có ý kiến của Hội đồng thẩm định, Cục mới ra văn bản có thể cấp phép hay không chứ không phải Cục muốn cấp phép cho ca khúc nào thì cấp. Với tình trạng này, Cục sẽ phối hợp với bên Thanh tra Bộ VH,TT&DL để đưa ra hình thức xử lý đối với đơn vị tổ chức” - ông Đông chia sẻ.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi, liệu có việc làm khó dễ trong công tác cấp phép biểu diễn các ca khúc nhạc Bolero không, ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục NTBD cho hay: “Không có chuyện Cục NTBD gây khó dễ khi cấp phép bài hát Bolero. Nếu những bài hát ấy nằm trong danh sách bài hát được phép phổ biến thì chúng tôi sẵn sàng cho biểu diễn. Nhiều người hiểu lầm là Cục NTBD khắt khe, làm khó đơn vị biểu diễn nghệ thuật, ca sỹ hát nhạc xưa có thể vì việc cấp phép này chưa được nhiều, chưa thường xuyên…".
Chúng tôi sẽ liên lạc với phía đơn vị tổ chức và danh ca Chế Linh để thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.
Lạc Thành