Qua tìm hiểu mới hay phương thuốc này được coi là gia truyền và thiêng liêng của đồng bào Pa Cô nơi miền non cao Quảng Trị này. Tuy nhiên, thực hư về công dụng của nó thì vẫn còn là câu chuyện dài cần được các cơ quan chức năng kiểm chứng.
Bí kíp của các già làng
Đi đến các xã Húc Nghì, Tà Long, Tà Rụt, A Bung, A Ngo, A Vao thuộc huyện Đakrông (Quảng Trị) rất dễ bắt gặp hình ảnh các em nhỏ ở đây đeo những sợi dây chuyền rất lạ không phải để làm trang sức mà là để... chữa bệnh. Những em bé đeo sợi dây này ở cổ thường có cơ thể ốm yếu, xanh xao hơn những trẻ khác. Với nhiều người dân địa phương thì đây là một bài thuốc quý và thiêng liêng của đại ngàn Trường Sơn mà không phải ai cũng có cái duyên để được đeo nó.
Chị Căn Hoe ở thôn Tân Đi 3, xã A Vao cho biết: “Đồng bào chúng tôi ở đây cách xa thị trấn, xa trạm y tế nên khi con cái bị bệnh chỉ biết nhờ các già làng, các thầy mo làm thuốc chữa bệnh thôi. Tuần trước, đứa con trai út nhà tôi nằm ngủ thường hay mê sảng, rên la nên tôi đã nhờ già làng lên rừng xin Giàng cây thuốc về đeo vào cổ thế là nó hết bệnh thôi”. Khẳng định của người phụ nữ trung tuổi này khiến chúng tôi không khỏi tò mò về công năng đặc biệt của những chiếc vòng cổ từ cây rừng và quyết tâm đi tìm câu trả lời.
Già làng Vỗ Lực giảng giải về tác dụng của cây A Yô.
Để hiểu hơn về dây thuốc này, tôi tìm gặp ông Kray Sức, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt và là người chuyên tìm hiểu về văn hóa, tập tục của đồng bào Pa Cô, ông cho hay: “Bà con nơi đây thường có nhiều bài thuốc rất hữu hiệu, có thể chữa được các loại bệnh từ đơn giản đến phức tạp. Tuy nhiên, về hiệu quả của nó thì còn tùy theo từng loại bệnh, tùy thuốc và tùy thầy”. Cũng theo ông, đồng bào Pa Cô nơi đây từ xa xưa đã tìm được 4 loại cây để làm vòng cổ chữa bệnh cho trẻ nhỏ.
Theo kinh nghiệm sử dụng, người ta chia chúng ra thành 4 cấp độ khác nhau. Ở mức độ thấp nhất là cây A Yô, nó được dùng cho những trẻ em hay bị giật mình, mơ thấy lửa, choáng, rên la vào ban đêm. Với những trẻ nhỏ hay bị đau bụng, họ sẽ kiếm cây Choor để về làm vòng đeo ở cổ. Ở mức độ cao, người Pa Cô sẽ dùng cây Ty Chôy (với trẻ có biểu hiện chết ngất, toàn thân tím tái) và cây Ta Căng (trẻ bị uốn ván) để trị bệnh. Tất cả các loại cây này sau khi kiếm từ rừng về sẽ được thái nhỏ dài tầm 1 cm, phơi khô rồi buộc chặt vào một sợi dây (có thể là dây dù, dây cát...), miễn sao nó có thể cố định lát thuốc vào cổ của trẻ nhỏ là được.
Để đến với ngọn nguồn của câu chuyện, nắm rõ hơn về những phương thuốc này, tôi tìm gặp người được đồng bào Pa Cô quanh vùng kính trọng và xem như người giữ thuốc của Giàng, già làng Vỗ Lực ở bản Tân Đi 3. Lúc đầu Vỗ Lực cũng không muốn nói ra cái “bí kíp” của mình với người ngoài, nhưng sau hồi lâu trò chuyện, già cũng chịu kể về hành trình lấy thuốc: “Đi kiếm cây này thường chỉ người già làng mới biết cũng như làm mới linh nghiệm. Khi hái cây không thể cứ hái như cách bình thường, mà phải nhắm mắt lại, nín thở và tưởng tượng ra hình ảnh của người bệnh, rồi vừa làm như thế vừa nhổ cây lên. Đó như sự cầu xin thần linh che chở, giúp đỡ cho người mình muốn chữa bệnh”. Vị già làng đáng kính này cũng nhấn mạnh thêm rằng, đây là phương thuốc chỉ dành cho các em nhỏ dưới 10 tuổi.
Người Pa Cô thường sống ở những nơi sườn núi cheo leo, đường sá đi lại còn khó khăn nên việc tiếp xúc với những tiến bộ khoa học kỹ thuật vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Vậy nên đối với họ, việc đến bệnh viện, trạm xá để khám chữa bệnh không quen bằng việc lui tới nhà các thầy mo, thầy cúng để đuổi ma và xin Giàng che chở. Gặp chị Căn Dân, có con là Hồ Thị Trang có dấu hiệu của cảm cúm nên chị đã nhờ già làng Vỗ Lực vào rừng kiếm cây thuốc về đeo ở cổ cho bé. Theo chị, hiện tượng này đã xảy ra 4 ngày nay và chị tin rằng đeo sợi dây thuốc vào cổ bé sẽ hết bệnh. Trong khi mẹ tin tưởng vào những phương thuốc... “trời cho” như thế thì bé Trang vẫn bị sổ mũi và sốt, chịu cái bệnh đáng lí ra chỉ cần ra trạm y tế và uống ít thuốc tân dược là sẽ thuyên giảm nhanh chóng.
Nhiều trẻ nhỏ ở đây được bố mẹ đeo cho dây thuốc này.
Và những nguy hiểm rình rập
Đấy là một trường hợp gặp phải bệnh nhẹ như cảm sốt, bệnh thường có chuyển biến xấu chậm và ít có nguy cơ dẫn đến tử vong. Riêng với những bệnh lý nặng hơn như thấy đau bụng, các thầy thuốc lại lấy cây Choor để đeo vào cổ là điều khó có thể tin tưởng được. Bởi lẽ, trong biểu hiện đau bụng của con người, nó có thể bắt đầu từ rất nhiều nguyên nhân như: Bị thổ tả, đau đại tràng, ruột thừa, dạ dày.... Trong khi mỗi loại bệnh lại phải có cách điều trị khác nhau thì người dân lại tìm cùng một loại cây đeo vào cổ để... trị bệnh thì thật khó có thể mong chờ vào việc chữa khỏi bệnh. Cũng như vậy, bệnh uốn ván ở trẻ em là một bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, nếu bệnh này không được đưa đi chữa trị kịp thời rất có thể sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Tuy nhiên, với quan niệm phương thuốc chữa bệnh của mình, đồng bào Pa Cô đã vô tình khiến tính mạng con trẻ trở nên nguy kịch khi không phát hiện kịp thời.
Nói về việc bà con sử dụng thuốc này để chữa bệnh, ông Trịnh Đức Thiện, trưởng trạm y tế xã A Vao, huyện Đakrông cho biết: “Trước đây, đã có nhiều trường hợp bà con khi mắc các bệnh như thấy đau bụng là nghĩ Giàng bắt tội, với trẻ nhỏ họ sẽ dùng các loại cây trên rừng về đeo vào cổ để chữa trị, người lớn thì đến thầy mo để cúng đuổi ma. Bởi vậy, đôi khi lúc bệnh tình trở nên nguy cấp họ mới đưa đến bệnh viện, có khi y học cũng không thể cứu chữa được bởi bệnh chuyển biến quá xấu. Nhưng từ khi có anh em y tế về tận thôn bản tuyên truyền, vận động bà con thì việc này đã có phần giảm đi. Có bệnh, đồng bào đã dần dần biết tìm đến trạm xá hay bệnh viện để khám chứ không còn tin vào những phương thuốc kiểu... niềm tin nữa”.
Trên thực tế, hiện tại chưa có công trình nào nghiên cứu cụ thể những công dụng cũng như tính năng của các cây thuốc như A Yô, Chorr, Ty Chôy hay Ta Cang nên chưa ai có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng khả năng trị bệnh của nó ra sao. Con người đôi khi cần một điểm tựa để mình có thể vươn lên trong cuộc sống, cần một niềm tin để có sức mạnh vượt qua những khó khăn mà mình gặp phải. Tuy vậy, niềm tin lại muôn hình, vạn trạng, bởi vậy, niềm tin phải biết đặt đúng chỗ.
Vĩ thanh Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nơi đây cần có những biện pháp tuyên truyền cho đồng bào Pa Cô hiểu rõ sức khỏe là vốn quý, việc chăm sóc sức khỏe thường xuyên và đúng cách mới thật sự cần thiết. Vẫn biết, bà con thôn bản có rất nhiều bài thuốc dân gian rất tốt, rất quý, song không phải những loại thuốc này có thể chữa được bách bệnh. Việc hướng cho bà con thôn bản biết kết hợp hài hòa giữa những phương thuốc gia truyền đồng thời tin vào hiệu quả của thành tựu y học sẽ giúp người dân không còn những cái chết thương tâm, tức tưởi nữa. |
Hồ Ngọc – Thùy Linh