Gần đây, vụ việc một thiếu nữ ở Hà Giang bị "bắt về làm vợ" vẫn đang là đề tài bàn tán không ngừng nghỉ ít giờ qua thì mới đây, cư dân mạng lại truyền tay nhau một đoạn clip khác ghi lại hình ảnh một cô gái trẻ bị nhóm thanh niên kéo lê trên đường nghi là "bắt vợ" ở Sa Pa.
Trong đoạn clip một đám nam thanh niên đứng thành vòng tròn xung quanh, kéo lê một cô gái giữa đường. Người túm chân, người túm tay cô gái để lôi đi mặc cho cô gái gào khóc, giãy giụa để phản kháng lại. Thậm chí cô gái còn bám chặt lấy người đi cùng, nhưng do sức lực có hạn nên cô đã nhanh chóng bị nhóm thanh niên tách ra và đưa đi.
Đáng nói hơn cả là thái độ những người xung quanh. Người thì đứng nhìn vô cảm, người thì lấy điện thoại ra quay lại cảnh tượng này, không một ai đến để giúp đỡ cô gái.
Theo thông tin xác minh của PV báo Giao thông, cô gái bị "kéo vợ" là H.T.M. (sinh năm 2006, trú tại tổ 2 phường Sa Pả, thị xã Sa Pa), nam thanh niên "kéo vợ" là G.A.T. (sinh năm 2002, trú tại tổ 1 phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa).
Sự việc xảy ra ngày mùng 4 Tết. Đến mùng 5 Tết, bố mẹ M. đã sang nhà trai để xin về với lý do chưa đủ tuổi kết hôn. Nhà trai cũng đã đồng ý và M. đã về nhà bố mẹ đẻ.
Liên quan đến sự việc trên, báo điện tử Sức khỏe và Đời sống đưa tin, chiều 10/2, bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa cho biết, ngay sau khi nắm được clip lan truyền trên mạng xã hội về việc cô gái bị nhóm thanh niên "bắt về làm vợ" xảy ra trên địa bàn, đơn vị đã khẩn trương phối hợp cùng các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc. Qua xác minh đã xác nhận sự việc trên là có thật.
Bà Vượng cho biết thêm, vào đầu xuân hàng năm theo phong tục của người dân H'Mông thì các chàng trai có tục đi "bắt vợ". Tuy nhiên, việc "bắt vợ" chỉ là thủ tục còn trước đó giữa người nam và người nữ đã có sự tìm hiểu và thích nhau từ trước và việc bắt chỉ là lấy lệ.
Sự việc cô gái bị bắt mới đây do người nữ chưa đồng ý để người nam bắt đi nên xảy ra việc giằng co như trong clip.
"Đã nhiều năm qua, chính quyền cơ sở và các cơ quan của các thôn, bản thông qua các chương trình họp, tuyên truyền vận động và các quy ước, hương ước đều có việc phòng chống việc tảo hôn, thủ tục lạc hậu.
Sau khi sự việc xảy ra thị xã Sa Pa đang hướng đến việc giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình đặc biệt ở khối các trường THPT và THCS là nhóm liên quan tới sự việc có thủ tục bắt vợ để họ nâng cao nhận thức.
Đặc biệt là các bạn nữ biết và có công cụ tự bảo vệ mình khi bị bắt ép về làm vợ và các bạn trai cũng không nên có các hành động ép buộc người khác về làm vợ. Còn trong trường hợp người nam, nữ đã đủ tuổi kết hôn và có tình cảm với nhau thì việc kéo về làm vợ để lấy lệ thì hoàn toàn bình thường...", bà Vượng nói.
Quốc Tiệp (t/h)