Cả làng hạn hán, giếng vẫn tràn nước
Giếng làng Đanh vừa trong vừa mát
Đường làng Đanh lắm cát dễ đi
Người trong xã, bà con làng trên xóm dưới rồi cả những người ở các tỉnh xa có dịp về xóm Đanh, xã Thành Công (huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), được nghe thơ và những câu chuyện quanh giếng cổ của làng đều nhất quyết mục sở thị bằng được "giếng Thạch Sanh".
Nằm tại một phần đường đi liên thôn, đoạn ngã ba xóm Đanh, chiếc giếng rộng chừng 60cm, sâu 2m như chắn hết lối đi, tang giếng bằng đá ong, mặt trong của thành giếng phủ một lớp rêu dày màu xanh đen.
Trước đây giếng rộng bằng hai chiếc nia, qua một vài lần hợp tác xã sửa sang thành giếng được xây nhỏ lại bằng gạch, dưới đáy của giếng được án ngữ một tảng đá ong phẳng.
Tuy nhiên, mỗi khi thợ xuống dọn giếng lại có cảm giác tảng đá ong dưới đáy bùng nhùng như nổi giữa một khoảng trống. Đáy giếng được làm theo lối vòm, càng xuống phía dưới càng rộng ra.
Với chiếc gàu cầm tay cụ Hà Văn Lợi (68 tuổi, xóm Đanh, xã Thành Công) múc gàu nước mát, chậm rãi kể: "Từ thời ông bà cụ kỵ tôi đã xuất hiện cái giếng này, cũng chẳng biết chính xác nó có từ năm nào, chỉ thấy các cụ bảo giếng từ thời Thượng cổ.
Ngày đó, hễ ai đi làm đồng về lại phải dừng chao chân, có người thì tắm gội, gánh nước về nấu ăn. Nước giếng đó còn dùng nấu cỗ trong các dịp hội hè của làng. Trai gái thời trẻ lấy cái cớ đi gánh nước, đi tắm gội để hẹn hò, nên duyên".
Một giếng cổ được phát hiện ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội)
Cũng theo cụ Lợi, bao đời nay, người dân trong làng vẫn đặt cho giếng cái tên "giếng Thạch sanh" bởi căn nguyên giếng chẳng bao giờ cạn. Mới đây, do giếng lâu không được dọn, lại nằm gần đường bị rơm rạ rơi lác đác mặt giếng, các cụ cao niên thuê người đến dọn giếng.
Thế nhưng, khi đám thợ lội xuống thì ai cũng lạnh run người, không dọn được. Giếng chỉ sâu 2m nhưng đám thợ cho máy bơm hoạt động mấy ngày đêm vẫn không thấy đáy. Có lần, các cụ cho máy chạy đúng 5 ngày thì giếng mới cạn trơ đáy nhưng được chừng 5 phút sau, nước lại đầy ăm ắp.
Chưa hết, cách đây hơn 20 năm, cả xã Thành Công lâm vào cảnh hạn hán nặng, đồng ruộng nứt nẻ. Nơi đây vốn là miền núi, gặp hạn lại càng tồi tệ hơn, nhiều gia đình phải thuê thợ đến khoan giếng sâu 60-70m mới có nước chảy ra nhỏ giọt. Thật kỳ lạ là riêng giếng làng vẫn đầy nước, nó là nguồn cứu sống cả dân làng Đanh năm đó.
Anh Hà Văn Đoàn, con trai cụ Lợi kể: "Thời trẻ, đám trai làng thường ra giếng tắm, hồi đó giếng sâu hơn bây giờ nhưng lạ thay, chị em phụ nữ mang quần áo ra giặt, lỡ làm rơi cây kim mắc trên áo xuống giếng nhưng đứng trên bờ vẫn có thể nhìn thấy rõ mồn một. Lúc ấy, chúng tôi ai cũng chột dạ, sau cho người xuống mò thì đúng là kim may vá. Giếng cũng gắn với nhiều thú vui trẻ con, hễ đi qua, cả đám trẻ chăn trâu lại đua nhau chụm đầu và hét toáng lên, âm thanh vang vọng rồi lạc đi".
Theo nhiều tích cũ được cóp nhặt từ các cụ già trong làng, thời xưa, khu vực giếng này là nơi chôn vàng. Hiện tại, miệng giếng xây nhỏ cho gọn nhưng thực chất đáy giếng lại được thông với nhau, ngăn cách nhau bởi những tảng đá ong và cả hai gốc lim cổ thụ.
Ông Tạ Văn Quảng bên giếng cổ
Ai oán giếng "hành" người
Người dân trong làng vẫn bảo, cái giếng ấy cứu người thật nhưng cũng hành người ra trò. Vì giếng ở vị trí chắn ngang đường đi, lại nằm cạnh cửa quán, bà Dương Thị Thanh (nhà cạnh giếng) bèn cho người dùng bê tông lấp miệng giếng với lý do an toàn cho mấy đứa cháu. Mấy ngày sau, bà phát bệnh nặng, con cháu chạy chữa mãi cũng không qua khỏi, bà mất cách đây 3 tháng.
Cùng thời gian đó, cậu con trai của bà cũng đột nhiên ốm thập tử nhất sinh và bỗng thành người điên dại. Gia đình có nhờ thầy xem rồi lập tức dỡ bỏ khối bê tông, khơi thông miệng giếng, anh con trai nhờ đó cũng khỏi bệnh mà chẳng cần thuốc thang. Chị Lê Thị Hải, hàng xóm của bà Thanh cho biết, chúng tôi không phải người mê tín nhưng sự việc trùng hợp quá, tránh phạm đến giếng vẫn tốt hơn.
Vừa lật dở quyển sổ màu úa của ông cụ thân sinh để lại khi mất, bên trong đặc những chữ tàu nhòe mực, ông Tạ Văn Quảng (xóm Đanh) kể: "Khi còn sống, cụ nhà tôi có thói quen cóp nhặt câu chuyện liên quan đến chiếc giếng và cây đa đá của làng, cụ còn cẩn thận ghi chép lại bằng chữ Hán vào cuốn sổ tay. Trước đây, nước chảy lênh láng ra đường bất kể ngày đêm nhưng cũng chẳng ai dám di chuyển cái giếng mà chỉ xây cao cổ giếng cho gọn.
Cách đây 5 năm, già nửa số nhân khẩu trong làng bỗng nhiên bị đau mắt nặng, trạm y tế của xã quá tải nhưng cũng không giải quyết dứt điểm tình trạng này. Nghiệm lại những lần cả làng gặp hạn, dân trong làng kiểm tra xem có làm gì phạm đến long mạch thì phát hiện giếng làng bị phủ bởi một lớp rơm rạ mỏng. Nước giếng vẩn đục, những túi nilon, hộp nhựa nổi lềnh bềnh mặt giếng. Ngay lập tức, giếng được dọn sạch, lớp nước bẩn được hút hết ra ngoài. Sau khi công việc dọn giếng hoàn tất, chỉ hai ngày sau đó, hiện tượng đau mắt chấm dứt hẳn.
Ngày trẻ, tối nào cụ Lợi cũng diện mỗi chiếc quần đùi ra giếng làng để tắm. Cụ bảo: "Những buổi tối, nhìn xuống giếng tôi lại thấy có 3 cô gái đẹp tựa nàng tiên vận đồ trắng muốt. Ai muốn có may mắn ấy thì phải ra giếng vào đúng 9h tối ngày rằm hoặc 16 âm lịch hàng tháng".
Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Trọng Tuyên, Phó chủ tịch xã Thành Công cho biết, dân làng Đanh luôn ý thức được tầm quan trọng của những giá trị văn hóa của làng, chiếc giếng được giữ gìn, bảo tồn để vừa làm đẹp làng quê vừa giáo dục truyền thống cho con cháu.
Những đêm giao thừa, dân làng Đanh vẫn giữ tập tục gồng gánh xô chậu tập trung tại giếng làng để gánh nước nấu bữa cơm cúng, họ tin rằng điều này sẽ đem lại may mắn, an lành cho một năm mới, của cải sẽ vào như nước, tràn trề như giếng làng bấy lâu nay.
"Trước đây, cả 5 thôn ăn bằng nước giếng đó, bây giờ giếng khoan nhiều nên ít dùng hơn. Dân làng vẫn truyền nhau chuyện lấp giếng khiến cả làng bị ốm, đau mắt nhưng theo tôi, điều này là do dịch bệnh chứ không hẳn vì yếu tố tâm linh, thần thánh nào cả.
Còn việc các giếng có thật sự giấu vàng hay không theo tôi vẫn chỉ là lời đồn đoán, mấy trăm năm cùng với bao nhiêu lần dọn giếng mà chưa ai nhặt được tận tay cục vàng nào cả. Do giếng nằm chắn đường đi, phía xã và người dân cũng phân vân về vấn đề lấp hay di chuyển tới sát đình làng, gốc đa", ông Tuyên băn khoăn.
Long mạch làng là có thật Theo PGS.TS Lê Quý Đức, Viện Văn hóa Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, trường hợp người dân lấp long mạch của làng rồi lăn ra ốm đau, mù lòa, câm điếc không phải không có, tuy nhiên rất khó giải thích một cách duy vật. Trong cuộc sống, trong văn hóa phong tục vùng miền tồn tại song hành cả những điều thuộc về tâm linh và không tâm linh. Hãy để cây đa, giếng nước, sân đình tồn tại như một giá trị văn hóa, linh thiêng trong tâm thức. |
Yến Dương