Những câu chuyện lạ lùng quanh giới tính của Lê Văn Duyệt
Sách Đại Nam liệt truyện chép về Lê Văn Duyệt như sau: "Lê Văn Duyệt có tổ tiên là người Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Cha là Toại dời đến tỉnh Định Tường, sinh được 4 con trai. Duyệt là con trưởng sinh ra không bộ phận sinh dục, mình thể ngắn nhỏ, tinh hãn, có tài lực".
Như vậy, theo ghi chép trong sách này thì bẩm sinh, Lê Văn Duyệt đã là người khuyết tật bộ phận sinh dục. Trong dân gian những người này được gọi là giám sinh (để phân biệt với giám lặt - chỉ những người tự hoạn để được vào cung) và theo quy định của thời phong kiến ngày ấy, những gia đình có con như vậy phải báo ngay với quan chức làng, để làng báo cáo lên trên. Những đứa trẻ này sẽ được ghi tên vào sổ theo dõi cho đến lúc cai sữa hoặc đến độ tuổi nhất định (dưới 10 tuổi) thì sẽ được đón vào cung nuôi nấng theo nghi lễ trong cung. Khi trưởng thành, đứa trẻ đó sẽ được đưa vào nội cung để làm thái giám.
Tượng thờ Lê Văn Duyệt ở TP.Hồ Chí Minh. Nguồn internet.
Sách "Kể chuyện các thái giám trong lịch sử Việt Nam" của tác giả Phạm Trường Khang thì chép rằng, khi mới sinh ra Duyệt, người cha ngắm nhìn con và cảm thấy có phần không vui. Duyệt trông khác hẳn những đứa trẻ khác. Hình thể nhỏ nhắn và không có ngọc hành (tức tinh hoàn). Tuy nhiên, Duyệt vẫn là một đứa trẻ khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Dẫu vậy, người cha vẫn không vui vì người con trưởng không được lành lặn như người thường.
Lúc bấy giờ ở Định Tường có một thầy Tàu nổi tiếng xem tướng số, khi gặp Lê Văn Duyệt thì cười mà nói rằng: "Người này tuy cơ thể bất bình thường, nhưng sau này vẫn có đủ vợ lẽ, nàng hầu, công danh hiển hách, cha mẹ được nhờ".
Sau này, quả nhiên, ông lập nên những chiến công lẫy lừng, chúa quý mến ban cho một cung nữ làm nàng hầu, lại chọn người cháu trai làm người nối dõi. Xét với lời thầy địa lý Tàu quả không sai.
Cả hai thuyết trên đều chép Lê Văn Duyệt không có tinh hoàn, tuy nhiên, theo lời đồn dân gian còn lưu truyền đến ngày nay thì có sự phân biệt khá rõ hai phần của cơ quan sinh dục. Không biết thuyết nào đúng, sai nhưng chính sử chép chắc chắn rằng: "Năm 1780 Thế Tổ (vua Gia Long nhà Nguyễn) lên ngôi chúa ở Gia Định, Duyệt năm ấy 17 tuổi được tuyển dụng làm thái giám. Việc nội đình, Duyệt làm rất giỏi, được bổ làm Thuộc nội cai đội". Đến đây có thể khẳng định chắc chắn rằng, Lê Văn Duyệt là người bị khuyết bộ phận sinh dục (chưa xác định được khuyết phần nào) và mang bản chất của một người ái nam ái nữ.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Thị Chân Quỳnh, khi viết về Lê Văn Duyệt có dẫn lại lời của Crawfurd - thương nhân người Anh - ghi trong Nhật ký hành trình của Crawfurd trong một lần đến Gia Định vào ngày 2/9/1822 - như sau: "Viên Governor of Saigon (có lẽ chỉ chức Tổng trấn Sài Gòn) già là một hoạn quan, nhưng nếu không biết trước thì không thể đoán ra. Cằm ông ta không có râu và giọng nói yếu ớt, tuy chát tai như đàn bà nhưng chưa tới mức khiến người ta phải nghi ngờ. Ông ta có vẻ không quan tâm mấy tới y phục, chỉ mặc một áo lụa trắng trơn và đội một chiếc khăn nhiễu rộng bản cũng màu trắng". Cứ như thông tin chép ở trên thì viên Tổng trấn đó chính là Lê Văn Duyệt.
Như vậy là không chỉ có những tư liệu lịch sử của Việt Nam mà ngay cả những người châu Âu đến Sài Gòn vào thế kỷ XIX, làm ăn buôn bán đều chép chuyện gặp gỡ Lê Văn Duyệt khá cụ thể. Điều này cho phép chúng ta hình dung đầy đủ hơn về nhân vật lịch sử nổi tiếng này.
Vốn xuất thân trong hàng yêm hoạn, nhưng ông đã thể hiện được khí phách, hùng trí của một bậc anh hùng dọc ngang trời đất. Điều này quả thực là rất hiếm có trong lịch sử.
Lăng mộ Lê Văn Duyệt tại TP.Hồ Chí Minh ngày nay.
Bi kịch của một Tổng trấn
Nghi án bị vua Minh Mạng trả thù Tương truyền rằng, khi vua Gia Long ốm nặng, có triệu Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng vào trao di chiếu truyền ngôi. Tuy nhiên, Lê Văn Duyệt lại ủng hộ việc lập dòng trưởng (lúc này thái tử Nguyễn Phúc Cảnh mất sớm nên ông muốn tôn con thái tử Cảnh lên ngôi) chứ không ủng hộ việc lập hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng sau này) vốn là dòng thứ. Có thể vua Minh Mạng vẫn "để bụng" chuyện này nên nhân dịp trả thù ông. Thực hư chuyện này chưa được sử sách phân minh. |
Từ nhỏ, Lê Văn Duyệt đã chứng tỏ mình là người có bản lĩnh và ý chí phi thường. Sách Đại Nam liệt truyện chép rằng: "Năm ông 14 - 15 tuổi thường tự than thở rằng, sinh ở đời loạn, không hay dựng cờ trống đại tướng, chép công danh vào sách sử không phải là đại phu vậy". Việc gặp gỡ và phò tá Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long nhà Nguyễn) của ông như là một định mệnh.
Cũng từ đó, cuộc đời binh nghiệp của ông thăng tiến rất nhanh và ông nhanh chóng trở thành một vị tướng chủ lực, quan trọng nhất dưới thời vua Gia Long. Có thể thấy rằng, ông là người chống quân Tây Sơn quyết liệt và là gương mặt nổi bật trong lĩnh vực này. Gần như tất cả những trận chiến lớn chống quân Tây Sơn, ông đều tham gia chỉ huy. Chiến công được coi là lớn nhất của ông là trận đánh chiếm cửa biển Thị Nại. Đó là vào tháng Giêng năm 1801, ông cùng chúa Nguyễn và các tướng là Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương, Võ Di Nguy đánh chiếm cửa biển Thị Nại khi đó đang giao tranh dữ dội với quân Tây Sơn. Trong trận đó, ông đốt phá gần hết binh thuyền Tây Sơn khiến cho quân Tây Sơn thua nặng, thực lực bị giảm đi nghiêm trọng. Trận ấy được ông khen là "võ công đệ nhất" của nhà Nguyễn.
Sau khi vua Gia Long lên ngôi, Lê Văn Duyệt tiếp tục được cử đi dẹp những tàn quân và cũng lập rất nhiều chiến công. Năm 1812, ông được cử làm Tổng trấn Gia Định lần thứ nhất. Đến năm 1820, dưới thời vua Minh Mạng, ông được cử làm Tổng trấn Gia Định lần thứ hai.
Lê Văn Duyệt đã chứng tỏ, ngoài tài năng trong quân sự, ông còn là nhà chính trị sắc sảo, có tư duy làm kinh tế tiến bộ. Chính các nhà buôn châu Âu đã ghi chép lại việc này. Thương nhân Crawfurd đã ghi lại cảm xúc của mình trong Nhật ký hành trình ngày 2/9/1822, như sau: "Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị Tổng trấn của họ. Con người này ít học, nhưng lạ lùng thay, ông có được cái nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, thuộc làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, ông muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông".
Ông chết, năm 1832, vua Minh Mạng tặng hàm Thái bảo, cho 3000 quan tiền, lại cho tế một đàn nhằm ghi nhận công trạng của ông đối với triều đình.
Được vua quý mến là thế, lập bao chiến công là thế, vậy mà sau khi qua đời được ba năm, Lê Văn Duyệt bị mắc vào một án oan khó có thể gột rửa. Trước đây, Lê Văn Duyệt khi kinh lược đất Thanh - Nghệ có thu nạp một thổ mục tên là Nguyễn Hữu Khôi làm môn đệ và nhận làm con nuôi. Sau, người này đổi ra làm Lê Văn Khôi. Khi ông mất, Lê Văn Khôi lập mưu làm phản, lại lấy ông làm "phao" chống lưng. Quân triều đình dẹp ba năm không được, vua Minh Mạng họp quần thần, quy cho Lê Văn Duyệt tội ấp ủ, chứa chấp bọn phản tặc để giờ thành tai họa.
Sau khi Lê Văn Khôi bị bắt, các quần thần họp nhau lại vạch ra sáu tội bội nghịch của Lê Văn Khôi và đề nghị xử trảm. Năm 1838, thực hiện án phạt, những người con nuôi của ông đều bị xử trảm, còn những người thân thích, có liên quan đều bị phát viễn sung quân. Trên mộ của ông bị đặt một bia đá khắc chữ "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ" (Nghĩa là: Đây là nơi tên hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu phạt). Mãi đến năm Tự Đức thứ 2 (1849), án oan của ông mới được rửa sạch và tới năm 1868, ông được cho phục nguyên chức cũ.
Phạm Thiệu