Truyền tích hai mó nước thần
Hai mó nước này nằm ngay dưới chân núi thuộc vùng đệm của rừng Cúc Phương, xung quanh là đồng ruộng rộng lớn. Sở dĩ người dân ở đây gọi với cái tên hai mó nước thần vì cứ vào những dịp tháng tư, tháng năm nước ở dưới lòng đất tự nhiên đùn lên ngập hết cả cánh đồng đang trồng ngô, trồng sắn xung quanh. Mặc dù mó nước nằm chơ vơ giữa cánh đồng nhưng nước lúc nào cũng trong veo, mát lịm. Người dân cũng chỉ dám đứng ở xa nhìn chứ không ai dám tắm hoặc lội xuống khu vực gần đó.
Nhắc đến hai mó nước này, cụ Đinh Đức Huê (76 tuổi), tộc trưởng trong dòng họ Đinh bảo: “Hai mó nước này thiêng lắm, dòng họ đinh chú tôi đã lập miếu thờ từ ngàn năm nay vì nó còn gắn với một câu chuyện có thật”.
Ông Đinh Đức Huê kể chuyện với PV.
Cụ Huê lại bảo: “Cũng vừa mới năm ngoái đây thôi, anh Đinh Văn Thời, người trong làng đã lấy trộm một cây sanh to ở cạnh miếu bán. Sau khi bán cây sanh đó được vài hôm thì anh Thời đột nhiên chết mà không rõ căn nguyên bệnh tật. Dòng họ cho rằng vì anh Thời hám lợi nên mới bị bà quở chết. Và từ cái chết ấy sự linh thiêng của ngôi miếu càng trở nên đáng sợ hơn”.
Cụ Huê vốn là thương binh, tay trái bị cụt nhưng đầu óc vẫn rất minh mẫn và trí nhớ tốt. Rít hơi thuốc lào, cụ chậm rãi kể: Theo lời các cụ thế hệ trước, dòng tộc nhà tôi là người Mường từ Hòa Bình di chuyển xuống dưới này để khai hoang mở rộng đất đai. Làng bản bấy giờ là các ngôi nhà sàn nằm san sát dưới chân núi rừng Cúc Phương bây giờ. Dòng họ dựng một ngôi nhà sàn nằm gần ngay hai mó nước. Lúc ấy trong nhà có một cô con gái út tên là Đinh Thị Kim rất đẹp, trai trong bản ai cũng yêu thầm trộm nhớ và muốn lấy cô làm vợ.
Thế rồi vào một buổi sáng tinh sương, cô gái trẻ ấy ngồi dệt vải trên sàn nhà, thế nhưng chiếc thoi dệt vải đưa đi đưa lại một lúc bỗng nhiên tuột tay rơi xuống gầm sàn. Cô Kim bước theo bậc thang xuống dưới gầm nhà để nhặt lên, bất ngờ một con gà trống trắng ở đâu chạy tới tha chiếc thoi dệt vải cùng cuộn chỉ trắng chạy thẳng về hướng hai mó nước. Thấy vậy cô cứ thế rượt theo con gà. Đến nơi, trời bỗng tối sầm lại, một cơn cuồng phong ở đâu ập tới cuốn hút cô gái xuống mó nước thần biệt tích.
Cụ Huê kể tiếp: “Gia đình lúc ấy cứ nghĩ con gái bỏ nhà ra đi, cũng có người cho rằng cô gái ra mó nước tắm nên bị hút xuống dưới. Người mẹ đau đớn nên hàng ngày ra mó nước khóc lóc gọi con về. Bà mẹ khóc than cạn cả nước mắt mà vẫn không thấy tung tích con ở đâu, về sau bà sinh bệnh ốm nằm liệt giường rồi cũng qua đời trong năm ấy”.
Hai mó nước cùng miếu thờ mà truyền thuyết bà Kim đã bị hút xuống.
Thế nhưng đúng cái hôm bà mẹ qua đời, đột nhiên sấm sét, mây đen ở đâu bay về vây kín làng, hai mó nước lạ kỳ bỗng nhiên phóng nước bắn lên trời tạo thành một cơn cuồng phong, nước ngập hết cả cánh đồng. Đến tối hôm ấy cô Kim cùng một chàng trai tuấn tú bỗng dưng quay về chịu tang mẹ. Thế nhưng cả hai người vừa bước chân vào sàn nhà thì chàng trai ấy lập tức biến thành một con rồng bò đến cỗ quan tài, nước mắt rồng cứ thế rỉ ra chảy xuống sàn nhà. Đến sáng hôm sau thì con rồng kia biến mất và dòng nước cũng lắng hẳn.
Gia đình thấy cô gái trở về nên trong dòng họ ai cũng mừng. Được đúng một tuần từ khi con gái quay về chịu tang mẹ, bỗng nhiên sóng gió bão bùng ở đâu lại ập tới lần nữa bắt cô gái đi.
Biết được sự linh thiêng của hai mó nước, về sau dòng họ Đinh dựng một ngôi miếu án ngữ ngay cạnh. Hàng năm cứ vào dịp lễ tết, mùng một hoặc ngày rằm là dòng họ lại ra đó cúng bái, đánh chuông gọi cô gái hiện về... Ông Huê cũng cho hay: “Theo thông lệ cứ vào ngày mùng một đầu tháng 4 hàng năm khi dòng nước mới ở mó đùn lên là cả dòng họ lại tụ tập ra miếu làm giỗ cho bà Kim”.
Theo lời bà Đinh Thị Liên (76 tuổi) vợ ông Huê kể: “Cứ đến mùa tháng tư, tháng năm, nước ở hai mó lại đùn lên, các loại cá cứ hàng đàn theo dòng nước lội vào ruộng, người dân thấy vậy liền bắt về ăn. Họ tâm niệm khi ăn cá này vào thì sẽ gặp may mắn, làm ăn sẽ khấm khá. Vì họ cho rằng vua thủy tề bắt cô Kim làm vợ nên những con cá ấy chính là vật của vua ban cho để tỏ lòng thành cùng dân làng”.
Ông Đinh Văn Mão, Trưởng thôn kể lại câu chuyện hai mó nước của dòng họ Đinh.
Và bài thuốc chỉ truyền cho con dâu cả
Một điều kỳ lại xảy ra trong dòng họ Đinh nổi tiếng với bài thuốc nam chữa bệnh nhưng chỉ có con dâu cả bốc thuốc mới khỏi. Theo như ông Huê nói: “Kể từ khi bà Kim bị vua thủy tề bắt xuống mó nước làm vợ. Trong một đêm nằm ngủ, cô con dâu cả trong dòng họ mơ thấy bà Kim trở về báo mộng mách phương pháp để hái các lá thuốc trong rừng chữa bệnh nan y. Và từ ấy cho đến bây giờ, tôi cũng không nhớ nổi là dòng họ Đinh trải qua bao nhiêu đời con dâu cả làm nghề thuốc đông y chữa bệnh”. Đến nay con dâu cả của gia đình ông Huê đang kế thừa bài thuốc của mẹ chồng.
Những bài thuốc đông y được truyền lại là những loại cây thuốc quý phải hái tận trên núi đá trong rừng Cúc Phương. Những cây thuốc này được con dâu ông Huê mang về thái nhỏ phơi khô, rồi chia ra từng loại để chữa nhiều chứng bệnh khác nhau. Bà Liên bảo: “Trong dòng họ Đinh không phải cô con dâu nào cũng làm được thầy thuốc, mà chỉ truyền lại cho con dâu cả, nếu truyền không đúng người thì người ấy sẽ bị ốm đau. Tôi về làm vợ ông Huê đã mấy chục năm rồi, vì tuổi già nên giờ tôi lại truyền sang cho con dâu cả”.
Theo lời bà Liên, phương pháp chữa bệnh bằng thuốc nam của gia tộc có thể chữa được 18 thứ bệnh. Bài thuốc chữa khỏi cho nhiều người nhất là: Bệnh đau dạ dày, bệnh trĩ, bệnh gan...
Hiện tại, trong nhà ông Huê có hai bát hương, một là thờ riêng bà Kim, bát hương còn lại là thờ tổ tiên. Mỗi lần đi chữa bệnh, cô con dâu đều phải thắp nhang cầu khấn để bà Kim ở dưới mó biết để “phù hộ độ trì” cho người bệnh nhanh khỏi.
Để tìm hiểu thêm về những câu chuyện liêu trai về hai mó nước này, chúng tôi đã tìm đến nhà trưởng thôn Đinh Văn Mão. Ông Mão cho biết: “Xóm 2 Thành Trung là một vùng đất thiêng của xã. Sự linh thiêng của mó nước trước đây đã hút mất bà Kim. Tuy tôi cũng chỉ nghe các cụ kể lại nhưng ai cũng bảo là có thật. Vì thế đến bây giờ, dòng họ Đinh hàng năm cứ đến mùng một ngày rằm là lại ra miếu thắp nhang cầu khấn. Còn về những bài thuốc đông y gia truyền thì bao đời nay dòng họ đó chỉ có dâu cả mới bốc thuốc chữa khỏi bệnh được”.
Bài thuốc gia truyền là có thật Ông Trương Văn Gương, Chủ tịch UBND xã Thành Yên cho rằng: “Truyền thuyết ly kỳ về bà Kim ở trong dòng họ Đinh bị hút xuống là có thật vì ở cạnh miếu vẫn còn hai cái mó nước. Có rất nhiều câu chuyện ma mị xung quanh nó nhưng tôi nghĩ qua nhiều đời truyền lại nên có phần thêu dệt thêm. Còn những bài thuốc đông y gia truyền của dòng họ Đinh thì đã chữa bệnh được cho rất nhiều người. Hiện cô Đinh Thị Uyên, con dâu cả của cụ Huê đang là Chủ tịch hội Đông y xã Thành Yên”. |
Minh Phượng - Cao Tuân