"Ma nữ tắm tiên" trên sông
Theo những người dân thôn Đại An, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, Nam Định kể lại, vào một đêm đông gió bấc, khi dân làng đi mò cua bắt ốc đã vô tình phát hiện một thiếu nữ trần như nhộng vừa tắm vừa cười khanh khách dưới dòng sông. Họ cho rằng đó là "con ma nữ" đang tắm nên ai cũng hốt hoảng bỏ chạy về nhà. Hôm sau, tin đồn "ma nữ" trên bến sông truyền đi khắp nơi, buổi tối chẳng còn ai trong làng dám lai vãng ra bến sông này.
Người chị gái đang chăm sóc cô em mắc bệnh lạ
Lo ngại tin đồn này sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh, đời sống của người dân địa phương, chính quyền huyện đã nhờ một đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn điều tra để vạch mặt "con ma nữ", giải mã lời đồn thổi. Các chiến sỹ phối hợp với dân quân tự vệ địa phương bí mật tiếp cận bến sông trong đêm vắng. Trời càng về khuya, những cơn gió lạnh từ phía sông thổi vào, ai cũng cảm nhận được cái lạnh căm căm, những hạt mưa càng làm cho cái rét thêm buốt giá. Ông Thành là dân quân tham gia vây bắt "con ma nữ" ngày đó kể lại: "Khoảng 10h tối, một thiếu nữ xuất hiện. Xác định được mục tiêu, các chiến sỹ căng mắt theo dõi, quyết không để đối tượng trốn thoát".
Mới đầu, các anh cũng tưởng rằng "ma nữ" là có thật. Tiến lại gần bờ sông, ma nữ trút bỏ xiêm y rồi lặng lẽ xuống sông ngâm mình trong làn nước buốt giá. Trước tiếng hô hét của người tiểu đội trưởng: "Ai, làm gì giờ này ở đây?", kèm theo đó là tiếng lên đạn lách cách của các chiến hướng về bến sông. Đáp lại những hành động đó, "ma nữ" vẫn thản nhiên tắm mà chẳng hề quan tâm đến xung quanh. Bất ngờ, qua ánh đèn pin, người trong làng là dân quân nhận ra đó là cô Phạm Thị Việt. Họ đưa cô lên bờ và dẫn giải về đơn vị để làm rõ những điều nghi vấn. Khi cha cô Việt đến đơn vị để kể lại sự tình rằng con gái mình có biểu hiện lạ từ vùng cao về, đơn vị mới cho gia đình đón chị Việt về. Từ đó, tin đồn về ma nữ xuất hiện trong đêm không còn, trả lại sự yên bình cho bến sông.
Theo sự chỉ dẫn của những người địa phương, chúng tôi tìm đến ngôi nhà cấp bốn nhỏ bé nằm cách bến sông để gặp người đàn bà có biệt danh là "ma nữ" đó. Ngôi nhà nhỏ cửa vẫn cài cài then. Chúng tôi lên tiếng gọi thì có tiếng một người đàn bà thưa. Thấy khách đến chơi, bà Phạm Thị Tâm (chị gái bà Việt) đã ngoài 70 tuổi ra mở cửa cho chúng tôi vào nhà rồi đóng sầm cửa lại. Bà Tâm cho biết: "Cháu thông cảm. Cứ mở cửa ra là em tôi lại chạy ra bến sông ngâm nước". Chúng tôi chợt nhận ra đó là một người đàn bà đã ngoài 70 tuổi, ngồi thui thủi trong nhà, chẳng nói, chẳng rằng.
Bà Tâm cho hay: "Có những đêm, tôi tỉnh giấc nhìn sang giường nhưng chẳng thấy em Việt đâu. Tôi hốt hoảng và hô hào cả nhà đổ xô đi tìm. Khi đến bến sông trong làng, cả nhà chết lặng khi thấy Việt trần như nhộng đang lặn ngụp dưới nước. Lúc đầu, tôi cứ tưởng hai vợ chồng có mâu thuẫn nên cô ấy mới nhảy xuống sông tự vẫn. Gia đình khuyên nhủ rồi vội vàng đưa Việt về nhà. Trái với sự lo lắng và khuyên nhủ của mọi người những ngày sau đó, Việt tiếp tục lặp lại hành động kỳ quặc như vậy đã khiến gia đình tôi rất đau lòng và xấu hổ với hàng xóm láng giềng".
Cửa ngôi nhà lúc nào cũng cài then thin thít
Bị bỏ bùa cướp chồng?
Thời gian đầu, những người dân trong làng còn dị nghị, chê cười, nhưng về sau họ cũng thông cảm với gia đình bà Tâm. Người tốt bày cách chữa trị để giúp cô sớm trở lại bình thường. Tuy chữa chạy khắp nơi nhưng bệnh tình của cô Việt vẫn không biến chuyển, kể cả việc mời những "thầy pháp" cao tay xua đuổi "con ma".
Không chỉ ban đêm mà ngay cả ban ngày, cô Việt vẫn cứ tự nhiên cởi bỏ quần áo rồi xuống sông tắm. Có người cho rằng: "Cô Việt đi Hà Giang đã bị bỏ bùa vịt để cướp chồng. Loại bùa này khiến cơ thể người bị bỏ bùa trở nên khô khát và lúc nào cũng cảm thấy như thiếu nước, chỉ cần nhìn thấy nước là sẽ lao xuống. Muốn chữa khỏi thì người nhà phải lên tận nơi, tìm tận nhà "thầy bùa" nhờ phá mới mong khỏi". Thương con gái, bố mẹ cô Việt từng lặn lội lên tận Hà Giang để tìm cách hóa giải. Đến Hà Giang, người dân địa phương cho biết, ai bị bỏ bùa vịt thì sẽ không thể hóa giải, phải sống như vậy suốt đời. Ông bà đành thất vọng ra về.
Được biết, gia đình đã đưa cô Việt đi chữa trị khắp các bệnh viện tâm thần nhưng tất cả đều “bó tay”. Bố mẹ đau buồn vì cô con gái nên lần lượt qua đời. Còn gia cảnh của các anh chị cũng khó khăn, họ phải đi làm suốt ngày để kiếm sống nên không có người chăm sóc người em bệnh tật. Có thời gian cô Việt đi lang thang sang tận vùng An Lạc (Thái Bình), rồi bị đánh nhừ tử. Sau này họ mới biết cô bị bệnh, có người đã đưa cô về tận nhà giao cho gia đình. Từ đó, cô Việt luôn bị nhốt trong nhà.
Bà Tâm cho hay, gia đình bà có bốn anh chị em (hai trai, hai gái). Năm 18 tuổi, cô Việt đã nổi tiếng xinh đẹp khắp vùng nên được một anh cán bộ huyện đem lòng yêu mến. Tình yêu đôi bạn trẻ đã được hai bên gia đình tác hợp nên duyên vợ chồng. Sau một năm, họ sinh được cậu con trai đầu lòng. Cả gia đình ai cũng mừng cho cô khi đã "chọn mặt gửi vàng" và gia đình chồng cũng mát mặt khi có cô con dâu đẹp người, đẹp nết.
Khi gia đình đôi bạn trẻ đang sống hạnh phúc thì địa phương có chủ trương đưa người dân miền xuôi đi xây dựng kinh tế mới ở các vùng miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng... Những gia đình là cán bộ phải gương mẫu và xung phong đi đầu trong phong trào. Năm 1961, gia đình cô Việt lên Hà Giang theo chương trình này.
Sau một thời gian dài không thấy con viết thư về, gia đình cũng hơi lo lắng, nhưng công việc nhà bận rộn nên họ cũng chẳng có thời gian lên thăm con cái. Bỗng một hôm, cả gia đình dìu dắt nhau về. Người chồng dắt người vợ sang thẳng nhà bố vợ. Thấy con có vẻ khác thường, vẻ mặt bần thần, không chào hỏi ai, mới đầu thì cứ tưởng con rể đi đường xa mệt mỏi nên bố mẹ vợ đã bảo họ đi nghỉ ngơi rồi ăn cơm. Người chồng bỗng nhiên cất tiếng nói: "Ông bà để vợ con ở đây mấy hôm, con về bên nội lo công chuyện mấy ngày về rồi mới đón cô ấy đi cùng".
Một thời gian dài mà chẳng thấy người chồng về đón vợ, đằng ngoại sang hỏi đằng nội mới hay tin người chồng cũng chẳng thấy về bên đó. Sau này họ mới biết, người chồng vì cuộc sống khó khăn nên đã bỏ đi lấy người vợ khác. Từ đó, chẳng thấy người chồng về thăm quê, thăm người thân. Sau những tháng ngày dài đằng đẵng chờ chồng, bỗng nhiên cô Việt phát điên.
Ông Lê Văn Xe - trưởng thôn Đại An cho biết: "Hai chị em bà Tâm và bà Việt có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Việt bị căn bệnh lạ hơn nửa thế kỷ vẫn không thể chữa khỏi. Không biết có phải bà bị bỏ bùa hay không, nhưng thường xuống ao, xuống sông dầm mình dù đó là ngày hè nóng bức hay mùa đông giá lạnh. Đáng thương cho hoàn cảnh của bà, đã ngoài 70 tuổi rồi mà còn bị bệnh hành như thế này".
Đánh đập, cào xé người thân Bà Tâm đón người em bệnh tật về chăm sóc ngay tại ngôi nhà của mình. Thỉnh thoảng bà vẫn bị người em đánh đập, cào cấu đến thâm tím mặt mày. Những lúc như thế bà Tâm chỉ còn cách cho người em uống thuốc an thần để quên đi cơn thèm ngâm nước. |
Thế Hoàng