Những điển tích ảo diệu về lời nguyền bất hạnh
Từ bến xe khách Kim Bôi xuôi theo con đường liên xã, mất hơn nửa giờ đồng hồ, tôi mới tới được xóm Yên - Cóc của xã Kim Truy. Tuy con đường nối liền các nhà trong thôn đã được bê tông hóa nhưng vẫn không thể xua tan các cảm giác âm u, hoang vắng của miền sơn cước.
Tìm đến nhà ông Bùi Văn Tấn, trưởng thôn Yên, tôi được ông cho biết: "Lời nguyền không biết có thực hay không, nhưng đúng là trên địa bàn giáp ranh giữa làng Yên, làng Cóc từ bao đời nay trong dân gian có lưu truyền lời nguyền không mấy tốt đẹp về hạnh phúc gia đình nếu người trong hai làng lấy nhau. Bởi vậy lời nguyền đó được hết thế hệ cao niên này tới thế hệ cao niên khác trong làng nhắc nhở cháu con để tránh hậu họa".
"Ngã ba lời nguyền" (vòng tròn).
Cũng theo ông Tấn, khi còn nhỏ ông đã được nghe ông nội mình kể lại rằng: Xưa kia có một mối tình của đôi trai gái làng Yên xóm Cóc nức tiếng xứ Mường. Thiếu nữ sơn cước trong mối tình ấy mang vẻ đẹp tinh khôi e ấp của núi rừng, giỏi nữ công gia chánh và hát điệu Xường mê đắm lòng người. Còn chàng trai vạm vỡ tuấn tú, săn bắt ít ai trong vùng sánh kịp khiến nhiều cô gái muốn theo về làm vợ. Họ yêu nhau khiến không ít đấng mày râu và chị em tuy có vài phần tiếc nuối nhưng đều phải công nhận đó là đôi rất xứng với nhau.
Nhưng đôi trẻ không đến được với nhau. Câu chuyện về đôi trai gái có nhiều dị bản khác nhau nên cũng có nhiều lý do tan vỡ trong tình yêu của họ: Nào là bị kẻ ác ý bùa chài chia rẽ, nào là chàng trai bị yêu ma trong rừng chiếm giữ linh hồn, nào là hiềm khích không thể xóa bỏ từ trước của hai tộc người...
Quá đớn đau trước sự đổ vỡ trong tình yêu, vào một đêm thanh vắng đôi trai gái hẹn gặp nhau lần cuối ở ngã ba ranh giới hai làng, đem theo một cây cuối cụt ngọn trồng lộn ngược xuống đất, cắt máu tay mà nguyền: Từ nay về sau nếu bất kỳ cặp trai gái nào của làng Yên, làng Cóc lấy nhau đi qua đây, hoặc yêu thương nhau sẽ phải hứng chịu những đau thương, bất hạnh.
Có một tình tiết khác trong câu chuyện được cụ Bùi Văn Thao, 89 tuổi, nguyên cán bộ xã Kim Truy đã về hưu, kể như sau: "Trước đây, tôi có nghe cha kể rằng đêm mà đôi tình nhân gặp nhau là đêm rằm theo lịch của người Mường (sau lịch âm của người Kinh một ngày). Nhưng đêm hôm ấy thay vì trồng cây chuối mọc ngược thì họ chôn một đồng tiền âm dương vỡ vụn với hai nhúm tóc nam nữ đốt đã thành tro và để lại lời nguyền như trên.
Có điều lạ hơn là trước khi làm đường liên xã năm 2009 thì người dân nơi đây ai cũng biết đến một khối đá mang hình người con gái dưới chân núi rìa ra mép đường. Hướng nhìn của khối đá là phía ngã ba, như trông ngóng, mong đợi một điều gì đó, chính vì thế không ít người gọi đó là nàng Tô Thị thứ hai. Khác thường hơn nữa là khi máy móc tiến tới định phá khối đá đi thì không hỏng hóc cái này lại hỏng hóc cái kia, hoặc người làm hôm ấy lại bị đau ốm bất thường...".
Không thể để chậm tiến độ thi công công trình và để giải bài toán tâm linh cho mọi người khi đó, cụ Thao đã làm theo phong tục truyền thống của người Mường, cũng bày cỗ một đĩa lòng lợn, xôi gà, thịt rượu mời thầy mo cao tay về cúng vái. Kỳ lạ thay sau khi làm lễ xong khối đá chẳng cần dùng đến thuốc nổ được nhấc lên nhẹ bẫng như không.
Cách ngã ba lời nguyền ấy có một cây si cổ thụ được lập bia thờ số lượng lớn người đã chết trong chiến tranh. Có đêm thì người ta nghe thấy tiếng người vọng trong gió cười vui ríu rít, có đêm lại là tiếng thủ thỉ tâm tình như của trai gái trao nhau, có đêm lại là tiếng khóc nỉ non... Những câu chuyện nhuốm màu tâm linh như vậy càng khiến cho mọi người nghĩ câu chuyện kia ắt hẳn có thật.
Cụ Bùi Văn Thao.
Thực hư về nỗi bất hạnh của các cặp lang nương Yên - Cóc
Ông trưởng thôn đưa cho tôi số liệu chỉ có 10 cặp trai gái nên vợ nên chồng và đăng ký kết hôn trong khoảng thời gian 40 năm qua. Đấy là số liệu ông nhận bàn giao lại từ khi nhận chức trưởng thôn. Còn theo trí nhớ của cụ Thao thì từ thế hệ của cụ về sau (khoảng 70 năm) cũng chỉ có khoảng 20 đôi nam nữ cưới nhau.
Cụ Thao cũng cho biết thêm, ngã ba đó là vị trí đắc địa mà dân nhiều làng, nhiều xã phải đi qua để xuống thị trấn, hoặc đi Lạc Sơn nên lưu lượng người, xe qua lại rất lớn. Nhưng tuyệt nhiên chẳng đám cưới nào dám mạnh dạn rước dâu qua đó. Những chàng trai, cô gái của hai làng khi quyết định mạo hiểm lấy nhau tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình mà tổ chức lễ cúng phù hợp. Cúng trong nhà xong lại ra ngã ba khấn vái sụp lạy chỉ mong bất hạnh không gõ cửa tìm mình.
Làm lễ xong nhưng tới lúc đưa dâu kể cả nhà trai nhà gái bước qua ngã ba tới, hoặc nhìn thấy nóc nhà nhau vẫn phải tìm đường vòng thậm chí xa hơn cả chục km, phải qua đường ruộng mấp mô để tránh "ngã ba bất hạnh". Không riêng gì dân làng Yên - Cóc mà nhiều đám cưới của người ở phạm vi ngoài lời nguyền cũng đi đường tránh triệt để, chẳng ai muốn bước qua ngã ba cay nghiệt đó trong ngày vui của mình.
Sở dĩ đám cưới phải tránh tiệt đoạn đường đó không phải chỉ vì câu chuyện yêu đương không thành mà họ nghe được, mà còn bởi những nỗi đau, những bi kịch có thật của các gia đình mà chồng vợ xuất phát từ hai làng bị lời nguyền chỉ mặt đặt tên vẫn cố đến với nhau.
Chị Bùi Thị Thêm (40 tuổi) kể cho tôi nghe về hoàn cảnh trớ trêu của bác gái mình: Ở tuổi đôi mươi bác chị xinh xắn trong vùng, tuy được nhiều người theo đuổi nhưng bác chị chỉ thấy rung động trước người con trai làng Cóc. Biết là phạm vào lời nguyền nên gia đình cấm cản, nhưng bác chị và chàng trai kia cứ như vậy chờ đợi nhau. Tới khi thấy con gái sắp úa tàn mà không chịu đi lấy người khác, ông bà nhà chị đành phải cho con gái làm đám cưới, họ thành khẩn cúng bái, đi đường tránh hẳn hoi. Nhưng số bác chị hẩm hiu, chưa kịp có con thì vài năm sau đã mất vì bệnh tật, chồng bác đi thêm bước nữa nhưng đi khám thì được biết đã bị vô sinh.
Trường hợp của gia đình anh B. (một trong những gia đình cũng vượt qua lời nguyền) cũng khiến mọi người không khỏi xót thương. Hai vợ chồng anh đang khỏe mạnh, ăn nên làm ra khiến ai cũng thấy mừng thay thì sau khi sinh con, anh chị khóc hết nước mắt: Đứa này bị ngẩn ngẩn ngơ ngơ, đứa kia bị khuyết tật bẩm sinh, rồi đứa nữa chết yểu...
Một trường hợp nữa được mọi người nhắc đến nhiều nhất là đám hỏi của chị T. ở làng Yên với anh Q. ở làng Cóc. Khi hai gia đình đang bàn tính chuyện cho đôi trẻ thì có một thiếu nữ bụng mang dạ chửa hớt hải chạy đến khóc lu loa. Chị ta cho biết chính Q. là bố của đứa trẻ chị đang mang trong bụng, họ trót "mây mưa" với nhau trong cuộc vui của đám bạn xã dưới. Gia đình chị T. giận tím mặt hủy bỏ hôn ước mặc chị T. khóc ngất còn nhà trai đứng chôn chân tại chỗ. Nhưng nhiều người lại cho rằng sự đổ vỡ đó là trời còn thương đến số chị T. vì giờ đây chị có gia đình hạnh phúc, nếu lấy Q. chắc gì chị đã được như thế?
Trước nhiều sự việc bất hạnh diễn ra mà chỉ rơi vào những gia đình vợ chồng làng Yên - Cóc khiến nhiều nam thanh nữ tú cảm mến nhau cũng chỉ dám để trong lòng, hoặc yêu đương rồi chia tay trong nước mắt. Ông Tấn bày tỏ quan điểm của cá nhân mình: "Về khía cạnh tâm linh, tôi chưa xét đến, nhưng những sự chia lìa, gia đình ly tán kia khoa học đều có thể lý giải được, đó là do yếu tố sức khỏe, y học, đạo đức... của mỗi cá nhân gây nên, không nên mê muội đổ lỗi cho lời nguyền vô định".
Lời nguyền đã đi vào dĩ vãng và thành giai thoại của người dân nơi đây.
70 năm chưa có nổi 20 đôi lấy nhau Trong vòng 70 năm qua rất nhiều thế hệ trai gái hai làng lần lượt dựng vợ gả chồng nhưng chủ yếu là nên duyên ở các làng, xã khác. Còn hai làng Yên - Cóc chưa có nổi 20 đôi cưới nhau. |
Đức Anh Chí