Mối tình ngang trái
Câu chuyện về đôi vợ chồng là anh chị em ruột trong một ngôi nhà từng được nhiều người dân truyền tai nhau. Ở một ngôi làng nọ có hai chị em sinh đôi, một trai một gái, sinh ra đã có vóc dáng to lớn khác người. Không chịu được những lời chê bai của làng xóm nên bố mẹ đã bỏ hai chị em ra ngoài bìa rừng. Càng lớn, hai chị em càng có thân hình to dị thường, bị dân làng xa cách nên không thể kết hôn với người trong làng được.
Hai chị em quyết định bỏ làng ra đi và hẹn nhau trên đường nếu gặp người nào hợp duyên thì kết hôn với người đó. Họ chia tay mỗi người theo một hướng, đi vòng quanh một quả núi. Sau bao ngày tìm kiếm vất vả mà chẳng gặp một ai, cuối cùng họ gặp lại nhau. Cho đó là định mệnh, hai người sống với nhau như vợ chồng. Tin đồn hai chị em ruột lấy nhau đến tai nhà vua. Biết chuyện, nhà vua đã xử họ tội loạn luân và đem ra chém để răn đe mọi người. Sau khi chết, dân làng lập đền thờ phụng và coi họ là Thành hoàng làng.
Tích truyện xưa đã khiến nhiều người nhầm tưởng về câu chuyện của đền An Xá ở Hưng Yên. Câu chuyện được truyền khẩu khiến nhiều người tìm đến thành tâm làm lễ mà chưa có cơ hội được hiểu chính xác về tích truyện xưa của ngôi đền. Khi được chúng tôi hỏi về tích truyện này, một cụ ông trông đền An Xá cho biết: "Lời đồn về việc thờ hai chị em loạn luân ở ngôi đền này là hoàn toàn không chính xác. Nhiều người nghe kể lại mà truyền khẩu nhau chứ chưa được tìm hiểu kỹ về lịch sử của đền nên mới có sự nhầm lẫn này". Thực chất, đền An Xá cũng là một câu chuyện khác về tình yêu vi phạm giới luật nhưng không phải là chuyện của cặp anh chị em ruột.
Nơi thờ hai vị Thiên tiên, Địa tiên ở hai bên góc trái và phải của đền như đang đứng trước vành móng ngựa chịu tội
Dẫn chúng tôi đi thăm không gian rộng rãi và cổ kính của đền, ông Bình khẳng định: "Đây là ngôi đền cổ nơi thờ Ngọc hoàng thượng đế, Ngũ Lão tiên ông và các vị Thiên tiên, Địa tiên. Theo thần tích lưu giữ tại đền, xưa kia, làng An Xá là một vùng đất sình lầy, lau sậy, hoang vắng, không có người cư trú. Vào năm thứ hai trước Công nguyên, Ngọc Hoàng đã phái Thiên tiên, Địa tiên và Ngũ Lão Tiên Ông xuống hạ giới giúp nhân dân lập làng, dựng ấp, khai phá đất đai để trồng lúa nước.
Tuy nhiên, sau khi Thiên tiên, Địa tiên hoàn thành nhiệm vụ, thấy cảnh nhân gian đầm ấm, sum vầy hai người cũng nảy sinh tình cảm nam nữ, vi phạm giới luật của nhà trời, bị Ngọc Hoàng giáng tội. Và chính nơi đây là nơi kết tội cho mối tình đầy ngang trái này. Hai vị bị chặt đầu, sau đó thủy táng. Dù vậy, người dân trong vùng tưởng nhớ đến công lao hai vị nên đã xây đền, lập ban thờ. Đó mới là câu chuyện của đền Đậu An được lưu truyền từ bao đời nay.
Người dân An Xá vẫn luôn tự hào về ngôi đền cổ và những giá trị văn hóa được lưu truyền từ bao đời. Họ trân trọng và lưu giữ những tích truyện xưa, truyền từ đời này sang đời khác bởi nó gắn liền với sự hình thành của ngôi đền, khẳng định những dấu ấn lịch sử, văn hóa riêng biệt. Đền Đậu An đã từng được chính thức ghi vào lịch sử với tên gọi Thụy Ứng quán vào năm 226 trước Công nguyên. Sau này, Thụy Ứng quán được xây dựng mở rộng và trở thành quần thể di tích mang tên gọi là Đền Đậu An như ngày nay.
Địa thế hình đầu rồng và những bí ẩn linh thiêng
Theo những ghi chép lại, ngôi đền này đã có niên đại 2.200 năm và được tọa lạc trên thế đất hình đầu rồng linh thiêng. Xung quanh có cây xanh và hồ nước là nơi tụ thủy, tụ phúc. Người dân trong làng vẫn luôn tự hào khi khẳng định rằng đây chính là ngôi đền duy nhất của nước ta thờ Ngọc hoàng Thượng đế cùng các bậc thần tiên và cũng là ngôi đền có kiến trúc đặc biệt khi hầu hết chất liệu tạo nên ngôi đền này là những phiến đá nguyên khối. Bà Đức (70 tuổi) - một người dân trong xã cho biết: "Ngôi đền rất linh thiêng, không chỉ người dân trong làng, ngoài xã hay tìm đến đây thành tâm làm lễ cầu khấn mà khách thập phương cũng về cửa đền làm lễ rất đông".
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử cùng những năm tháng chiến tranh tàn phá, ngôi đền cũng đã không còn được nguyên vẹn như xưa. Tuy vậy, dù là những thứ không còn nguyên vẹn nơi cửa đền thì dân làng vẫn răn nhau phải giữ gìn, không được lấy làm của riêng bởi nếu ai vi phạm thì thường không gặp may mắn. Chia sẻ với chúng tôi về việc này, một cụ cao niên trong làng cho biết: "Cũng đã có trường hợp lấy những phiến đá trong đền về dùng nhưng nhiều gia đình sau một thời gian đều tự nhiên mang ra đền làm lễ trả lại". Từ đó, không ai dám mạo phạm chốn cửa đền thiêng.
Dịp tháng 4 âm lịch hàng năm, dân làng An Xá đều tổ chức lễ hội kéo dài 12 ngày, diễn lại các tích chuyện xưa. Câu chuyện khiến nhiều người tò mò và quan tâm nhất vẫn là việc nảy sinh tình ý của cặp đôi Thiên tiên và Địa tiên dẫn đến hình phạt khắc nghiệt. Và trong những ngày lễ hội này, một lần nữa mối tình ngang trái, vi phạm giới luật lại được người dân trong làng diễn lại trong cảnh xử án Thiên tiên, Địa tiên.
Là người đã từng 6 năm gánh vác trọng trách đứng ra tổ chức hội, ông Nguyễn Ngọc Bình cho biết: "Trong mùa hội, các tích xưa như: Xử án Thiên tiên, địa tiên, diệt hổ cứu dân làng, lễ đóng giả cóc nhái nghiến răng để cầu mưa… đều được tái diễn lại. Cũng chính trong những ngày hội này, đời sống tinh thần người dân An Xá thêm phần nhộn nhịp, nhân dân thêm đoàn kết, gắn bó. Đây cũng là dịp quan trọng để thế hệ sau hiểu hơn về văn hóa quê hương, có ý thức phát huy và lưu giữ những giá trị tinh thần độc đáo".
Nơi lưu giữ nhiều di vật cổ quý giá Đền Đậu An được công nhận di tích cấp Quốc gia năm 1989. Đền đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998. Với lối kiến trúc hình chữ Đinh (J) gồm 3 tòa tiền tế, thượng điện và hậu cung. Đền Đậu An tuy không còn giữ nguyên những hình ảnh của ngôi đền xưa do những năm tháng chiến tranh nhưng những gì được khôi phục lại như ngày nay vẫn mang đậm nét kiến trúc cổ kính, uy nghiêm. Điều ấn tượng với mỗi du khách khi đến với ngôi đền thiêng chính là hình ảnh của tòa tháp cửu trùng bằng đất nung được xây dựng từ thời Lý - Trần. Tháp cao 9 tầng biểu thị 9 tầng mây vời vợi của chốn cửu trùng. Nơi đây cũng còn lưu giữ nhiều di vật cổ quý giá như chiếc khánh đá cổ niên hiệu Vĩnh Trị, chuông đồng niên hiệu Cảnh Hưng và hai tấm bia đá thời Lý, Nguyễn ghi lại niên đại kiến trúc và những người có công tôn tạo, mở rộng trùng tu đền. |
Phượng Thu