Người dân được thần báo mộng?
Trước kia, thôn Cao Lãm có một ngôi miếu gọi là quán Ngoại thờ một vị công chúa không rõ tên tuổi nhưng tương truyền vị thần này rất linh thiêng. Theo tài liệu truyền lại và lời kể của các cụ cao tuổi trong làng thì quán Ngoại trước kia là một ngôi miếu lớn trong vùng. Vị trí của ngôi miếu ở nơi bình địa (vùng đất cao, bằng phẳng của làng), nơi ấy sang sửa trang nghiêm, cấm người dân xây nhà ở gần và đặc biệt là trâu bò trong làng phải được dắt ra đồng theo một lối riêng chứ không được phép đi ngang qua. Ngôi miếu này chỉ dùng để thờ tự mà thôi. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng, mùng 10 tháng Hai, mùng 10 tháng Tám và 20 tháng Mười, dân làng đến đây làm lễ tế rất trang nghiêm và long trọng.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng thôn Cao Lãm trò chuyện với PV.
Thôn Cao Lãm ngoài thờ Phật và Thành hoàng làng còn thờ thiên thần và nhân thần ở hai ngôi miếu gọi là quán Nội và quán Ngoại. Thiên thần được thờ bằng thẻ vị, còn nhân thần được thờ bằng tượng, có đủ mũ áo xiêm đai. Nhân thần là một vị công chúa không rõ tên tuổi. Các cụ ngày xưa thường gọi là Trần triều công chúa hoặc gọi tên theo những bản sắc phong là Hồng Anh phu nhân.
Cụ Nguyễn Trọng Sinh (một bô lão trong làng) nhớ lại: "Ngày xưa, ngôi miếu chỉ dùng làm nơi thờ tự và là nơi sinh hoạt tâm linh rất linh thiêng của dân làng. Người dân đi ngang qua không dám đội nón mà phải bỏ xuống để tỏ lòng tôn kính. Trước kia, đây vốn là một vùng lau sậy um tùm nhưng vị trí ngôi miếu lại đặt trước cổng làng nên có vị trí rất đắc địa. Người làng cho rằng, nhờ có sự bảo trợ của Hồng Anh phu nhân mà dân tình làm ăn mới thịnh vượng lên. Những người ngạo mạn, hay tỏ thái độ bất kính với thần không sớm thì muộn đều có những biểu hiện như bị "người âm" hành, thuốc thang bình thường không thấy khỏi. Cuối cùng, những người ấy phải sửa lễ ra kêu cầu ở miếu thì mới mong khỏi được bệnh. Tuy nhiên đây chỉ là những lời các cụ kể lại chứ bản thân tôi chưa trực tiếp kiểm nghiệm".
Ngoài ra, cụ Sinh có kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thú vị về vị thần đã hiển linh, báo mộng cho dân làng để tránh tai họa. Hiện nay, thế hệ trẻ sau này của làng thường cho rằng, quán Ngoại bị giặc Pháp ném bom tàn phá. Nhưng, họ không biết câu chuyện đằng sau đó.
Chuyện kể rằng, năm 1949, miền Bắc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của giặc Pháp nên dân tình rất khó khăn. Cũng vào năm đó, những bô lão giữ trọng trách trông nom miếu thờ thường cảm thấy một nỗi bất an không thể diễn tả. Trong giấc mơ các cụ cảm thấy có người nào đó xuất hiện, nói những điều mơ hồ mà sau khi tỉnh dậy không cụ nào nhớ nội dung ra sao. Họ chỉ biết rằng, cảm giác bất an cứ đè nặng dần.
Lúc bấy giờ việc thờ nhân thần và thiên thần được tách biệt hẳn thành hai nơi riêng biệt. Thế nhưng, sau khi suy đi, tính lại những bô lão trên quyết định chuyển linh bài cũng như toàn bộ đồ thờ cúng vị nữ thần ở quán Ngoại vào quán Nội (miếu thờ nhân thần bên trong làng). Đây là một hành động chưa hề xảy ra trước đó. Mặc những lời can ngăn của dân làng vì sợ Hồng Anh phu nhân nổi giận, mặc những điều dị nghị khác nhau, các cụ vẫn giữ quyết định của mình. Sau khi chuyển hết đồ thờ vào quán Nội, quán Ngoại bị bỏ không một thời gian.
Năm sau (1950) giặc Pháp ném bom chợ Xốm, một quả bom rơi trúng ngay vào quán Ngoại khiến cho ngôi miếu tan hoang, chỉ còn là đống gạch vụn, không có thiệt hại nào về người và tài sản. Người dân trong làng lúc ấy mới kháo nhau rằng, nhờ có vị thần hiển linh báo mộng mà dân làng mới thoát khỏi tai nạn đó. Đây là một sự việc có thật và trong quá trình tìm hiểu thông tin của chúng tôi, nhiều cụ già trong thôn khẳng định là sự thật.
Hình ảnh quán Ngoại sắp được phục dựng .
Đi tìm danh tính công chúa bí ẩn
Ông Nguyễn Xuân Cường (Trưởng thôn Cao Lãm) đã cung cấp cho chúng tôi một số tư liệu có thể xác định được danh tính thật về vị nữ nhân thần này. Ông Cường cho biết: "Trước đây, làng chúng tôi còn giữ được những bản sắc phong từ đời Trần cho tới tận các triều đại sau này. Tuy nhiên những bản sắc phong đó đã bị trộm lấy mất và bản sắc cổ nhất chúng tôi còn giữ được là bản sắc phong đời vua Thiệu Trị (1846) và Tự Đức (1849).
Đặc biệt, nội dung bản sắc thời Tự Đức có ghi như sau (bản dịch tiếng Việt): "Theo sách thờ cúng trong tỉnh có ghi: Sở huyện Sơn Minh, xã Cao Lãm, thôn Khả Lãm lừng vang vị thần là công chúa triều Trần. Năm Trần Bảo Đức, giặc Nguyên xâm phạm bờ cõi nước ta, chúng vơ vét sạch của cải cùng các cung nữ. Khi ấy, ngài vừa tròn tuổi mười lăm, xinh tươi rực rỡ, mềm mại khoan thai. Ngài cùng mười cô gái trẻ chạy giặc về vùng đất Sơn Minh. Giặc Nguyên đuổi ép tới thôn Khả Lãm. Người tìm chỗ hiểm yếu cầm đầu chống lại chúng. Không chống được quân địch, người bèn tự vẫn.
Tiếng linh của người vang dội nên thôn lập miếu phụng thờ. Tới khi vua Trần phục quốc, vua nhớ thương và ngợi khen người con gái trung thành, trong trắng và khen tặng là vị thần Hồng Anh phu nhân. Và, sau đó phong là Nhàn Uyển Hồng Anh phu nhân".
Đối chiếu với sách Đại Việt sử ký toàn thư, chúng ta được biết, giặc Nguyên - Mông xâm phạm bờ cõi nước ta làm ba đợt. Lần thứ nhất vào năm 1258, niên hiệu Nguyên Phong, thời vua Trần Thái Tông. Lần thứ hai vào năm 1285, niên hiệu Thiệu Bảo thời vua Trần Nhân Tông. Lần thứ 3 vào năm 1288 niên hiệu Trùng Hưng thời vua Trần Nhân Tông. Điều quan trọng là nhà Trần không có vị vua nào lấy tên hiệu là Trần Bảo Đức cả.
Đem vấn đề này hỏi TS. Trần Thuận (Phó trưởng khoa Lịch sử, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG), chúng tôi được biết: "Trong các sắc phong, các triều đại sau này thường gọi những triều đại trước bằng nhiều tên khác nhau. Vì thế, cần phải tra cứu rất cẩn thận để xác định rõ những niên hiệu mới này thuộc vào thời điểm nào. Nếu lấy sự kiện giặc Nguyên sang xâm phạm nước ta thì chỉ trùng vào 3 thời điểm trên mà thôi".
Như vậy dựa vào nội dung bản sắc phong thì có thể thấy, vị nhân thần được thờ là một vị công chúa nhà Trần, vì một lý do nào đó phải chạy giặc mà lưu lạc về nơi đây. Đối chiếu với lịch sử giai đoạn này, chúng tôi thấy sử không chép gì về sự kiện giống như thế này. Thế nhưng, sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép một sự kiện như sau: "Tháng 2 năm Thiệu Bảo thứ 7 (năm 1285) sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy".
Sách Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ thì ghi: "Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông. Quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được. Ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa An Tư công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước". Từ những sự liên hệ này, chúng ta có thể đoán rằng, vị nhân thần được thờ tại quán Ngoại là An Tư công chúa nổi danh trong lịch sử. Sau khi giặc Nguyên tan, bà trốn khỏi trại giặc, hòa vào đám đông chạy loạn về tới thôn Cao Lãm thì mất. Tuy nhiên, để đi đến một kết luận cuối cùng, các nhà sử học cần phải có sự nghiên cứu tư liệu kỹ hơn nữa.
Dân làng đang lên kế hoạch khôi phục lại quán Ngoại Ông Nguyễn Xuân Cường (Trưởng thôn Cao Lãm) cho biết: "Theo nguyện vọng của người dân trong làng, chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng lại quán Ngoại theo thiết kế và vị trí giống nguyên ban đầu. Hiện bản thiết kế mẫu đã được xây dựng xong, chúng tôi cũng đã huy động được vốn xã hội và chỉ còn đợi ngày khởi công nữa mà thôi. Dân làng cũng rất hy vọng vào công trình quan trọng này". |
Phạm Thiệu - Cao Thắng