Núi Bạch Tuyết hay còn gọi là núi Tiên cô, là tên gọi một ngọn núi thấp thuộc xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội. Trên những phiến đá trơ lỳ tưởng chừng không sinh vật nào có thể sinh tồn, kỳ lạ thay lại có nhiều thân cây tươi tốt. Tuy là núi đá nhưng trên núi lại có nhiều loài cây lớn. Bởi vậy, lúc nào núi cũng được bao phủ bởi những tán lá um tùm.
Núi Bạch Tuyết ở Vân Côn
Đến nay, người Vân Côn vẫn truyền tai nhau những giai thoại lạ lùng về ngọn núi này. Có người nói, khi xưa người Trung Quốc qua Việt Nam, họ mang theo nhiều vàng bạc châu báu. Để bảo vệ số tài sản đóỏ, người ta đã dựng lên nhiều hòn đá kết thành hầm sâu. Sau đó họ bắt một cô gái xinh đẹp, còn trinh tiết chôn sống để làm thần giữ của? Hầm vàng trong lòng núi được yểm bùa rất thiêng nên không một ai có thể lấy ra được. Nếu người nào dám làm kinh động đến "tiên cô" (tức cô gái bị chôn sống) thì người ấy sẽ đau ốm bệnh tật, gia đình lục đục không yên. Họ còn nói rằng, trước đây, có chàng trai nghèo xác xơ ngày ngày nên núi xin "tiên cô" cho của.
Thấy chàng trai đến nhiều nên "thần của" động lòng nên đã cho anh ta một con gà làm bằng vàng. Thấy vậy, người ta càng tin rằng trong núi có vàng. Một số người đã đến khu vực núi Bạch Tuyết mong tìm thấy kho báu, sau khi về đều bỗng dưng điên loạn không rõ nguyên nhân.
Người dân sống xung quanh khu vực núi còn kể, vào mỗi buổi chiều, ở ngọn núi bốc ra mùi giống như nước mắm nồng nặc, khó chịu. Dưới chân núi người ta thấy có một cây si, họ cho rằng đây là hiện thân của chồng cô Bạch Tuyết. Người dân trong xã coi đây là nơi linh thiêng, cứ đến ngày rằm lại đến chân núi cúng lễ.
Trước tin đồn núi cô cất giấu vàng bạc châu báu, anh Đồng, một thanh niên đã từng mạo hiểm vào núi Tiên cô nói: "Ngày ấy, nghe dưới núi có kho báu, ai cũng muốn vào tìm vàng. Nhưng lật hết hòn đá này đến hòn đá khác vẫn chẳng thấy gì quý giá. Có lẽ, kho báu dưới núi là lời đồn thổi”.
Ông Nguyễn Sỹ Tiến, cán bộ văn hóa xã Vân Côn cho biết: "Lời đồn nhiều người bị ma bắt hay dưới núi Bạch Tuyết có hầm thần của là không có căn cứ. Sống trong làng nhiều năm, tôi chưa từng thấy việc thần núi cho của ai bao giờ. Việc bà con đến núi tiên cô thắp hương vào các ngày rằm là việc làm tự phát”.
Kim Cúc