Sân bay quốc tế Denver, thường được gọi là DIA (Denver International Airport), là sân bay rộng nhất nước Mỹ, tọa lạc tại tây bắc Denver, tiểu bang Colorado. Thoạt nhìn, nó cũng giống như bất kỳ sân bay quốc tế nào tại Mỹ và trên thế giới. Điều khiến Denver dễ được nhận ra là các mái nhà được xây dựng uốn lượn trông giống dãy Rocky phủ tuyết trắng.
Tuy nhiên, những ai đam mê lĩnh vực hàng không đều biết rằng sân bay lớn nhất Bắc Mỹ này luôn là tâm điểm của rất nhiều thuyết âm mưu trên thế giới. Từ những tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ đến mạng lưới đường hầm bí ẩn dưới lòng đất, những người theo thuyết âm mưu chắc chắn rằng sân bay Denver đang che giấu bí mật gì đó.
Những giả thuyết này tồn tại thậm chí trước khi sân bay được khách thành vào năm 1995 và nhiều người cho rằng các thuyết âm mưu xung quanh Denver đã xuất hiện ngay từ khi nó mới chỉ nằm trên bản vẽ.
Những nghi vấn bắt đầu với việc ngân sách dự án bị đội lên quá lớn và thời gian thi công kéo dài. Cuối cùng sân bay mở cửa vào ngày 28/2/1995 nhưng sự kiện này đã chậm hơn 1 năm so với kế hoạch và ngân sách bị đội lên tới 2 tỉ USD.
Không ít người cho rằng việc sân bay Denver bị trì hoãn ra mắt năm 1995 là do có điều mờ ám thay vì những khó khăn thông thường mà các dự án xây dựng lớn phải đối mặt.
Sân bay Denver vốn được xây dựng để thay thế sân bay quốc tế Stapleton cũ. Với diện tích 85km2, cho đến nay Denver vẫn là phi trường lớn nhất nước Mỹ. Đây cũng là nơi có đường băng dài nhất sử dụng công cộng tại Mỹ, với chiều dài gần 5km. Vì thế, vấn đề phát sinh ngân sách có thể chỉ đơn giản là do tính toán sai đối với một công trình lớn và dự án này là cần thiết để đáp ứng lượng du khách quốc tế ngày càng tăng.
Cũng vì diện tích quá lớn nên trong nhiều năm nay sân bay Denver từng không ít lần bị đồn là sở hữu thế giới ngầm, ẩn sâu dưới lòng đất ngay bên dưới sân bay. Một số người tin rằng các hệ thống đường hầm dưới lòng đất dẫn đến những boongke ngầm để sử dụng trong trường hợp con người phải đối mặt với ngày tận thế. Có người thì cho rằng dưới lòng đất là các căn cứ bí mật của chính phủ.
Trùng hợp là vùng Denver cũng là nơi tọa lạc của một số lớn căn cứ quân sự và "bản doanh" của các tập đoàn không quân tư nhân, trong đó có Khu phức hợp quân sự Núi Cheyenne (Cheyenne Mountain Complex), Căn cứ không quân Peterson, Bộ chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) và các tập đoàn Boeing và Lockheed Martin.
Nghệ thuật trang trí của sân bay càng làm gia tăng sự nghi ngờ của những người theo thuyết âm mưu bởi nơi đây trưng bày nhiều rất tác phẩm nghệ thuật đáng sợ và kỳ lạ.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất là bức tượng con ngựa khổng lồ cao gần 10m, nặng 4 tấn với đôi mắt rực lửa. Bức tượng có tên Mustang Xanh, còn gọi là “Blucifer”, luôn khiến người xem có một cảm giác rờn rợn, rùng mình. Đôi mắt đỏ rực của nó khiến họ bối rối, thậm chí có người tin rằng con vật tượng trưng cho Bốn kỵ sĩ Ngày tận thế.
Nhà điêu khắc Luis Jiménez lý giải ông chọn màu đỏ để tôn vinh tinh thần “hoang dã” của phương Tây Cổ đại. Nhưng thật trớ trêu, trong một tai nạn quái đản xảy ra vào năm 2006, Jiménez đã bị chính một mảnh thủy tinh từ bức tượng rơi trúng khiến ông tử vong. Nhiều tin đồn cho rằng, đôi mắt đỏ của bức tượng đã giết chết chính "cha đẻ" của nó.
Chú ngựa Blucifer không phải là tác phẩm điêu khắc kỳ quái duy nhất tại Denver. Ở đây còn có bức tượng quái thú "canh gác" ở khu hành lý, thậm chí người ta đã lắp đặt một quái thú có thể tương tác bằng giọng nói vào năm 2019.
Trong sân bay cũng có những bức tranh tường kỳ lạ như tác phẩm vẽ một con quỷ nhảy khỏi chiếc hòm hoặc thần chết của người Ai Cập cổ đại. Đặc biệt bức tranh tường rộng 8,5 mét của nghệ sĩ Leo Tanguma mang tên “Những đứa trẻ của giấc mơ thế giới hòa bình” từng gây rất nhiều tranh cãi.
Bức vẽ mô tả một người lính cầm kiếm và súng có lưỡi lê trong khi những đứa trẻ co rúm dưới chân. Tác giả bức tranh là nghệ sĩ Tanguma tuyên bố tác phẩm của ông biểu tượng cho tất cả các nước trên thế giới xích lại gần nhau sau một đại thảm họa. “Tôi vẽ những đứa trẻ đang ngủ giữa đống đổ nát của chiến tranh và kẻ gây chiến này đang giết hại chim bồ câu hòa bình, nhưng những đứa trẻ vẫn đang mơ về điều tốt đẹp hơn trong tương lai”, Tanguma trình bày.
Tuy nhiên những người theo thuyết âm mưu lại thấy đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bức tranh là một phần của chương trình Trật tự Thế giới mới, trong đó giới tinh hoa phát động chiến tranh và hỗn loạn để tạo ra một chính phủ cho cả thế giới.
Bên cạnh đó nhiều người chỉ ra cách bố trí đường băng của sân bay Denver trông giống như một hình chữ “Vạn”. Chữ “Vạn” trong cờ phát xít Đức là một biểu tượng của chết chóc. Nhưng sự giống nhau này có thể được giải thích liên quan đến hoạt động của sân bay.
Theo đó, các đường băng của sân bay Stapleton cũ được thiết kế không hiệu quả. Chúng chạy song song khiến việc hạ cánh trong thời tiết xấu trở nên khó khăn. Trong khi đó đường bay hình chữ "Vạn" khiến sân bay hoạt động hiệu quả hơn, cho phép hạ cánh ở mọi điều kiện thời tiết. Chuyện các đường bay của Denver không khớp chính xác mà chỉ hơi giống với biểu tượng của phát xít Đức cũng đủ để nảy sinh thuyết âm mưu.
Phiến đá đặt ở đường vào sân bay có biểu tượng Hội Tam điểm có lẽ gây khó hiểu hơn. Phiến đá có biểu tượng của hội kín nhất thế giới và đề cập đến “Ủy ban Sân bay Thế giới mới”. Sự thật, cái gọi là “Ủy ban Sân bay Thế giới mới" không hề tồn tại và cái tên này thì lại có vẻ liên quan đến Trật tự Thế giới mới mà nhiều người lo ngại. Song kỳ lạ hơn là phiến đá đã được chọn làm kỷ vật cho lễ khánh thành sân bay. Ngoài ra, Denver còn được cho là trụ sở chính thức của hội Illuminati (hội Khai sáng).
Tuy nhiên, một trong những thuyết âm mưu được nhiều người tin tưởng nhất là chi phí sân bay cao liên quan đến việc xây dựng các đường hầm, boongke dưới lòng đất và cả nơi trú ẩn cho các thực thể không phải con người.
Đã xảy ra nhiều tranh chấp hợp đồng dẫn đến nhiều nhóm công nhân khác nhau, làm việc cho các nhà thầu khác nhau, tham gia hoàn thành sân bay. Sự tách biệt này bị nghi ngờ là để giữ bí mật về phạm vi thực sự của dự án.
Mặc dù chưa rõ sân bay Denver có nối tới Tổ hợp Núi Cheyenne hay NORAD hay không nhưng có một điều đã chắc chắn: Có ít nhất 6 tầng hầm ngầm bên dưới sân bay này. Nhiều người tin rằng hệ thống này giống như Khu vực 51, để phục vụ thử nghiệm về người ngoài hành tinh và UFO.
Tuy nhiên, giả thuyết này dường như xuất phát từ việc các nhà thầu tại địa điểm thi công vào thập niên 1990 đã nhìn thấy những đường hầm và lối vào bí ẩn. Về mặt chính thức thì những đường hầm này chỉ là một phần của hệ thống vận chuyển hành lý ngầm thất bại của sân bay Denver. Ngày nay, có khoảng 1.000 nhân công làm việc trong các tầng hầm khác nhau mỗi ngày, vận chuyển hành lý từ quầy vé và máy bay ra khu vực nhận hành lý.
Tuy bị bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp các giả thuyết và điều bí mật nhưng các nhà lãnh đạo sân bay đã nhiều lần phủ nhận các thông tin trên. Họ cho rằng việc sân bay có một khu ngầm không phải điều bí mật và nó được tạo ra để làm đường hầm cho tàu điện.
Trước đại dịch, sân bay cung cấp dịch vụ bay thẳng đến hơn 200 điểm trên thế giới với 23 hãng hàng không khác nhau trên khắp Bắc Mỹ, châu Mỹ Latin, châu Âu, châu Á... Tính đến năm 2019, nó là sân bay bận rộn thứ 16 trên thế giới, thứ 5 trong nước khi đón hơn 69 triệu lượt khách. Sân bay có hơn 35.000 nhân viên làm việc.
Minh Hoa (t/h)