Không những vậy, cuộc đời của ông cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại nhiều nghi vấn khó giải đáp.
Thầy thuốc Trâu Canh được các bộ chính sử chép lại dù không chi tiết, nhưng cũng đủ để chúng ta hình dung về ông. Không những vậy, trong dân gian cũng tồn tại nhiều câu chuyện thêu dệt quanh nhân vật này. Vì vậy, cho đến giờ vẫn còn nhiều mâu thuẫn giữa các sự kiện được chép trong sử và câu chuyện lưu truyền trong dân gian.
Xuất thân bí hiểm
Trong Đại Việt Sử ký toàn thư có chép vắn tắt về nhân vật Trâu Canh như sau: "Canh là con Trâu Tôn người phương Bắc. Khoảng năm Thiệu Phong thuộc đời nhà Trần, người Nguyên vào cướp, Tôn làm thầy thuốc, đi theo quân Nguyên, đến khi quân Nguyên thua, thì bị bắt. Tôn ở nước ta, chữa thuốc cho các vương hầu thời đó, phần nhiều thấy công hiệu. Người trong nước, nhiều lần cho Tôn ruộng, nô, thành ra giàu có. Canh nối nghiệp cha, trở thành danh y, nhưng không có hạnh kiểm".
Nếu dựa vào tư liệu này, thì Trâu Canh là người gốc Trung Quốc chứ không phải người Đại Việt. Tuy nhiên, theo tra cứu của chúng tôi thì đời nhà Trần, năm Thiệu Phong kéo dài từ 1341 đến năm 1358. Trong khoảng thời gian này, nước ta không có nạn giặc ngoại xâm nên chuyện cha thầy thuốc Trâu Canh là tù binh từ bên Trung Quốc sang là không đúng. Dù thế, các nhà nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam đang nghi vấn, có lẽ cha Trâu Canh bị bắt là vào năm Thiệu Bảo (1279-1285) nhà Trần, vì năm đó sử sách chép lại là chúng ta bắt được nhiều tù binh trong cuộc chiến chống xâm lược Mông - Nguyên lần thứ hai.
Tảng đá hình con cóc tía trong truyền thuyết về Trâu Canh tại núi Tử Trầm ngày nay.
Y đức tồi tệ, y thuật cao siêu? Mặc dù đến nay, thầy thuốc Trâu Canh đa phần nhận được những lời chê của hậu thế về vấn đề y đức. Tuy nhiên, tài năng của ông là điều không thể phủ nhận. Thiết nghĩ cần có sự quan tâm nghiên cứu y thuật của ông, tìm kiếm trong cái "bí tàng" đó xem có những gì khả dĩ giúp ích cho y học nước nhà. TS.BS Bùi Minh Đức (Tác giả cuốn sách: Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa) đã gọi Trâu Canh với danh xưng "nhà tình dục học đầu tiên ở Việt Nam" dựa trên những "thành tích" lẫy lừng của ông. |
Sách Công Dư Tiệp Ký tiền biên (cụ Vũ Phương Đề viết vào năm 1755) có chép lại truyền thuyết của người dân tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội như sau: "Trâu Canh vốn nhà nghèo, phải đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn qua ngày. Thế rồi một hôm, khi ông đang nhổ mạ ở khe núi (ngày nay là núi Tử Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thì thấy một người Tàu đi qua. Người này vừa đi, vừa ra chiều tìm kiếm gì đó. Một lúc sau thì tiến lại gần phía Trâu Canh nói to rằng: Ta có một ngôi đất tốt, nếu có ai xin thì sẽ cho ngay. Trâu Canh thấy vậy liền bỏ công việc mà chạy đến trước mặt vái chào và mời về nhà. Ông chỉ chuẩn bị được một niêu cơm bé đem ra cho khách ăn và nói với khách rằng: "Gia đình tôi nghèo túng, nên không thể mời ông bữa cơm thịnh soạn hơn được. Nhưng cũng là duyên mà tôi được gặp ông ở đây, nên nhờ ông chỉ cho một ngôi đất tốt. Sau này, chúng tôi phát đạt, không bao giờ dám quên ơn". Thấy tấm lòng thành khẩn của Trâu Canh, người Tàu bèn dẫn ông đến chỗ tảng đá hình con cóc tía trên núi, chỉ vào bảo ông rằng: Chỗ đất này rất đẹp nếu làm nhà ở thì tất sẽ giàu sang. Trâu Canh làm theo và quả nhiên sau này phát đạt, làm quan to trong triều, được hầu cận Vua đúng như lời người Tàu nói".
Rõ ràng trong chính sử thì không chép quê quán của Trâu Canh, trong khi truyền thuyết dân gian lại chép khá cụ thể, chi tiết việc này. Thế nhưng, trong câu chuyện của các cụ ở xã Phụng Châu, không thấy nhắc cụ thể tên bố mẹ của Trâu Canh mà chỉ nhắc rất sơ sài. Chính sử thì chép, Trâu Canh là con một tù binh người Trung Quốc, trong khi ở câu chuyện dân gian thì, có lẽ Trâu Canh là một nông dân nghèo người Việt.
Không biết thật hư việc này ra sao và đâu mới là sự thật, PV người đưa tin đã trao đổi về vấn đề này với TS. Trần Thuận (Phó trưởng khoa Lịch sử, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM), thì được biết: "Thực ra, Trâu Canh là một nhân vật khá quen thuộc, nhất là đối với những người nghiên cứu và yêu thích lịch sử dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, về tiểu sử Trâu Canh, cho đến nay, vẫn có rất ít tài liệu đề cập đến. Ngoài bộ sử Đại Việt Sử ký toàn thư và bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, chúng ta không thấy một bộ sử hay tài liệu chính thống nào khác viết về vị danh y này. Vì vậy, trong khi chưa có tài liệu nào với độ khả tín cao hơn, chúng ta tạm bằng lòng với những gì mà Đại Việt Sử ký toàn thư cung cấp. Nghĩa là, Trâu Canh là con trai của thầy thuốc Trâu Tôn, từ Trung Hoa sang".
TS. Trần Thuận - Không nên đánh giá quá nặng nề về Trâu Canh.
Cải tử hoàn sinh, bày trò dâm loạn
Không nên đánh giá quá nặng nề về Trâu Canh Đó là nhận định của TS. Trần Thuận (Phó trưởng khoa Lịch sử, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM). Ông cho biết thêm: "Sở dĩ không nên quá nặng nề khi đánh giá Trâu Canh bởi ông chẳng phải là một nhân vật tiếng tăm, một vị thế đặc biệt để triều đình và nhân dân kỳ vọng. Ngược lại, phải hiểu rằng, có thể Trâu Canh là một "thần y" với những bí truyền y thuật nhưng do định kiến về hành vi "thất đức" của ông nên người đương thời và hậu thế không đánh giá công bằng về ông". |
Sự nghiệp làm thầy thuốc của Trâu Canh để lại những tai tiếng mà cho đến bây giờ, hậu thế vẫn còn những nhận định rất tiêu cực về ông. Tuy nhiên, tài năng của người thầy thuốc này thì ai cũng phải công nhận và vai trò của ông với hoàng thất nhà Trần cũng được sử sách ghi nhận. Hai "chiến công" lẫy lừng nhất của vị "thần y" này, còn được sử sách chép lại đến ngày nay là việc cứu sống vua Trần Dụ Tông và chữa bệnh liệt dương cho vị hoàng đế này.
Đại Việt Sử ký toàn thư chép chuyện Trâu Canh cứu vua Trần Dụ Tông như sau: "Khai Hựu năm thứ 11 (1339), mùa thu, tháng 8, ngày 15, ban đêm, con của Thượng hoàng (Trần Minh Tông) là Hạo (sau này là vua Trần Dụ Tông) đi thuyền chơi Hồ Tây bị chết đuối, vớt được ở lỗ cống đơm cá. Thượng hoàng sai thầy thuốc Trâu Canh cứu chữa. Canh nói: "Dùng kim châm sẽ sống lại, nhưng chỉ sợ sẽ bị liệt dương". Dùng kim châm thì quả như lời ông ta nói, từ đấy mọi người gọi Trâu Canh là thần y. Canh sau đó mãi được thăng lên Quan phục hầu Tuyên Huy viện đại sứ kiêm Thái y sứ".
Cũng trong bộ sử này, các sử gia phong kiến chép tiếp "chiến công" của Trâu Canh: "Bấy giờ Trâu Canh thấy vua bị liệt dương, dâng phương thuốc nói rằng giết đứa bé con trai, lấy mật hòa với dương khởi thạch mà uống và thông dâm với chị hay em ruột của mình thì sẽ hiệu nghiệm?! Vua làm theo, thông dâm với chị ruột là công chúa Thiên Ninh, quả nhiên công hiệu. Canh từ đấy được yêu quý hơn, được ngày đêm luôn ở trong hậu cung hầu hạ thuốc thang".
Ngoài những thành tích chữa bệnh cho vua Trần Dụ Tông, Trâu Canh là người chữa bệnh cho những nhân vật quan trọng khác trong hoàng thất nhà Trần. Sử sách chép rằng: "Khi bệnh trầm trọng (tức chỉ vua Trần Minh Tông), cho gọi quan thầy thuốc là bọn Trâu Canh, Vương Định, Phạm Thế Thường vào xem mạch. Canh nói: "Mạch phiền muộn". Minh Tông ứng khẩu một bài thơ nhỏ, đọc cho bọn Canh nghe... Vì Trâu Canh ra vào cung cấm, hay dùng những câu kỳ lạ, những kế quỷ quyệt để huyễn hoặc Dụ Hoàng (tức vua Trần Dụ Tông). Minh Tông ghét hắn, nên mượn bài thơ để châm biếm".
Sự nghiệp làm quan thầy thuốc của Trâu Canh chắc chắn phải trải qua những thăng trầm nhất định. Sử sách không chép cụ thể quá trình thăng thưởng của ông ra sao, cũng không chép những lần giáng quan như thế nào. Tuy nhiên, chắc chắn ông đã từng bị giáng chức. Đại Việt Sử ký toàn thư, chép: "Mùa hạ, tháng 5, trả lại Trâu Canh chức tước cũ". Như vậy, có thể nhận thấy, vai trò của Trâu Canh là vô cùng quan trọng, ít nhất là vào đời vua Trần Dụ Tông. Tất cả các sự kiện y học đều liên quan đến nhân vật này. Trâu Canh xuất hiện trong sử sách lần cuối như sau: "Tháng 5, vua đi hóng gió chơi trăng, vì uống rượu quá say, lại lội xuống sông tắm, nên bị ốm. Sai quan thầy thuốc là bọn Trâu Canh thay nhau hầu thuốc thang. Mùa thu, tháng 7, vua khỏi bệnh".
Phạm Thiệu