Sáng 24/6, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao về động thái tước danh hiệu đối với sản phẩm của tập đoàn Asanzo.
Là một tổ chức đã chứng nhận danh hiệu chất lượng cho tập đoàn Asanzo, phía hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao có quan điểm như thế nào với nhiều thông tin ồn ào về xuất xứ hàng hóa của đơn vị này?
Vụ việc của tập đoàn Asanzo là sự thất vọng rất lớn cho chúng tôi và hàng triệu người tiêu dùng. Hiện nay, Hiệp hội đang tổ chức các cuộc họp để thảo luận, đưa ra các giải pháp để xử lý.
Bên cạnh thông tin điều tra của báo chí, hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng có cơ sở đối chiếu khác là hồ sơ doanh nghiệp do tập đoàn Asanzo trình nộp. Trong đó, đơn vị này đã thể hiện sự cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể về sự vào cuộc của Hiệp hội ngay sau khi có thông tin nghi vấn là gì, thưa bà?
Từ thông tin điều tra của báo chí rằng, “Ba công ty thuộc tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam trực tiếp nhập hàng in sẵn nhãn hiệu (Asanzo) từ Trung Quốc... Trong năm 2018, 2019, công ty CP tập đoàn Asanzo tiếp tục nhập nhiều linh kiện điện tử có in sẵn nhãn hiệu Asanzo (từ Trung Quốc) và cả linh kiện không ghi nhãn hiệu gì từ Trung Quốc”, hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã vào cuộc rà soát, kiểm tra lại.
Trong hồ sơ kinh doanh mà doanh nghiệp Asanzo cung cấp cho Hội đang lưu trữ sẵn tại văn phòng, đơn vị này cho biết họ sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng (được bình chọn) tại 2 nhà máy. Nhà máy 1 rộng 5.000 m2 và nhà máy 2 rộng 1.740 m2.
Điều này là không đúng với thực tế nên Hội có cơ sở để khẳng định, doanh nghiệp Asanzo đã cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng hóa, cũng vi phạm điều lệ sử dụng danh hiệu mà doanh nghiệp đã cam kết khi nhận được. Từ đó, chúng tôi tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” để chấm dứt tình trạng gian lận và vi phạm điều lệ sử dụng của tập đoàn Asanzo.
Bà có thể cho biết cụ thể hơn về quy trình để doanh nghiệp được nhận danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” không?
Quy trình tổ chức điều tra diễn ra như sau. Tổng số phiếu điều tra là 2/10.000 dân số (cứ 10.000 người thì khảo sát 2 người). Năm 2019, các phiếu do người tiêu dùng được phỏng vấn trực tiếp; các chủ tiệm bán lẻ và một tỉ lệ nhỏ số phiếu điều tra online. Phiếu điều tra gồm câu hỏi chính về ý kiến lựa chọn của người tiêu dùng về chất lượng, sản phẩm được cho là có chất lượng cao từng ngành.
Tiếp theo là cho điểm dựa trên 5 yếu tố là giá, mẫu mã, uy tín thương hiệu, bảo hành, mạng phân phối. Trong hơn 3 tháng, cuộc điều tra trải qua 2 giai đoạn (2 bước).
Bước 1 là tổ chức khảo sát người tiêu dùng trên cả nước, hình thức phỏng vấn trực tiếp. Kết quả sơ bộ được đăng rộng rãi trên nhiều báo. Qua đọc báo, người tiêu dùng có nhiều phản hồi. Và sau khi công bố xong thì tiến hành các thủ tục thẩm định của Hiệp hội.
Như vậy, từ vụ việc của Asanzo, Hiệp hội có lo ngại gì về uy tín của mình nói riêng và ảnh hưởng đến hàng Việt Nam nói chung?
Hiện nay, vẫn đang diễn ra một thực tế mà doanh nghiệp làm ăn chân chính Việt Nam rất lo âu. Sẽ còn không ít doanh nghiệp hành xử như Asanzo nhưng quy mô nhỏ hơn, ít truyền thông ồn ào hơn mà chưa được phát hiện.
Tôi có thể khẳng định, danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” không phải danh hiệu Nhà nước cấp mà do một hội tư nhân hoàn toàn không nhận kinh phí Nhà nước hoạt động trong suốt 23 năm qua. Về việc bình chọn danh hiệu do người tiêu dùng tin cậy, bình chọn nhằm khuyến khích việc sản xuất, tiêu dùng hàng Việt.
Không hề có việc chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao cho tất cả sản phẩm của doanh nghiệp và tuyệt nhiên không có “kinh doanh mua bán” nhãn hiệu này.
Ban chấp hành Hội đang họp bàn kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm. Theo đó, chúng tôi tập trung tổng rà soát tất cả danh sách doanh nghiệp được bình chọn năm 2019. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, việc đưa hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam để giả xuất xứ Việt Nam ngày càng nghiêm trọng.
Cảm ơn bà đã chia sẻ!
Trước nghi vấn Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam đang gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây, ngày 23/6, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Điện tử Asanzo cho biết, 70% linh kiện tivi của Asanzo được nhập từ Trung Quốc và việc này không có gì là mới.
"Thông tin từ một số báo có đưa tin Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam, tráo đổi hàng Trung Quốc để bán. Về vấn đề này, tôi khẳng định rằng không bao giờ chúng tôi làm việc dại dột như vậy
Thông tin các tem nhãn ghi "made in China" và "made in Việt Nam" mà các báo ghi đánh tráo. Điều này, tôi đính chính lại rằng, cái tem nhãn ghi "made in China" là tem nhãn được dán trên một linh kiện của sản phẩm tivi chứ không phải của cả sản phẩm đã hoàn chỉnh", ông Tam nói.
Khi được hỏi về việc doanh nghiệp đang khiến người tiêu dùng hoang mang, ông Tam khẳng định "không bao giờ lừa người tiêu dùng".