Chia sẻ với Infonet, chị Nguyễn Minh H. (41 tuổi, Quận 9, Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết hai vợ chồng chị cùng là F0. Chị H. không có triệu chứng của bệnh nhưng chồng chị trong tầm 7 ngày đầu có triệu chứng nhẹ như ho và nghẹt mũi.
Trong suốt quá trình bị bệnh, gia đình chị không xông hơi, chỉ lau người, không tắm rửa, tới tối ngày thứ 7, chồng chị đi tắm. Tắm xong khoảng 2 tiếng, thân nhiệt của chồng chị H. nóng rực. Lấy nhiệt kế điện tử ra đo thấy sốt lên 38.8 độ C. Trong hai ngày liên tục sau đó Sp02 giảm 90-92 % có lúc xuống 88,89%.
Chị H. liên hệ với y tế phường thì được tư vấn không sao, theo dõi tiếp. Đến ngày thứ 10, chị H. lo quá nên đưa chồng vào bệnh viện điều trị. Khi vào đến viện, chỉ trong vòng 2 ngày chồng chị H. chuyển nặng, liên tục thở từ oxy sâu sang mask rồi sang dòng cao hơn tới 50-60ml mới thở nổi, phổi bị viêm và có chuyển biến nặng. Bác sĩ thông báo chồng chị có dấu hiệu "bão Cytokine" nên phải tìm thuốc ngăn chặn chuyển biến nặng hơn.
Tại phòng điều trị các bệnh nhân chuyển nặng, khi nói chuyện với một số bệnh nhân khác thì chị H., thấy nhiều người nói mình cũng chuyển nặng sau lần tắm.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc tắm của F0 không liên quan đến việc bệnh có trở nặng hay không. Thời gian bản lề của Covid-19 trở nặng là từ 5-8 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Có những người thì đi qua dễ dàng nhưng có những người từ triệu chứng bình thường đột nhiên bệnh diễn tiến nặng, có cơn bão Cytokine chứ không phải là do tắm hay gội đầu làm kích thích bệnh nặng lên.
Về việc tắm khi mắc Covid-9, bác sĩ Khanh cho biết, người bệnh vẫn cần tắm sạch sẽ. Nhiều bệnh nhân có triệu chứng sốt, nhiệt độ cơ thể sẽ cao hơn bình thường. Khi đó, bạn tắm nước mát với nhiệt độ bình thường sẽ thấy lạnh hơn. Nếu tắm nước lạnh gây khó chịu, bạn có thể tắm nước nóng.
Thực tế, bạn không cần phải quá cân nhắc việc nên tắm nước nóng hay lạnh. Hãy làm gì khiến cơ thể thấy thoải mái. Tuy nhiên, khi tắm nước lạnh thấy rùng mình, bạn nên chuyển sang nước nóng. Việc gội đầu cũng tương tự nên gội đầu nước ấm, gội đầu nhanh, xì khô tóc.
Trong thời gian cách ly nếu quá nóng hay quá lạnh F0 vẫn có thể sử dụng điều hòa. Nhiệt độ điều hòa nên mở là 26-27 độ trở lên.
Bệnh nhân Covid-19 cũng không phải kiêng cữ gì về mặt ăn uống. Điều người ta lo ở bệnh nhân Covid-19 là tình trạng biếng ăn, do mệt mỏi hoặc mất vị giác chứ không phải chuyện nên hay không nên ăn thứ gì. Nếu thèm ăn thứ này, thứ kia, cứ ăn, để cơ thể có năng lượng, dù là khi còn bệnh hay đang phục hồi.
Chỉ cần lưu ý các món "chống chỉ định" với bệnh nền của mình là được. Nếu kiêng cữ đủ thứ, không dám ăn nhiều, coi chừng thiếu chất. Thiếu chất thì sức đề kháng sẽ giảm, có nguy cơ bệnh nặng hơn hoặc lâu khỏi bệnh. Thiếu chất có khi ảnh hưởng đến cả mức SpO2 (nồng độ ôxy trong máu).
Người đang béo phì cũng vậy. Béo phì đúng là yếu tố nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Điều cần làm là tự theo dõi sức khỏe chặt chẽ chứ không phải cố... ăn kiêng khi đang bệnh. Người béo phì vẫn có thể gặp nguy hiểm vì thiếu chất như đã nêu trên. Đừng nghĩ mình béo phì là thừa năng lượng. Vẫn phải ăn uống đầy đủ khi đang bệnh và trong giai đoạn phục hồi.
Minh Hoa (t/h)