Lời nguyền trấn yểm
Những người dân nơi đây cho biết, khu mộ cổ Đống Thếch đã tồn tại được hàng trăm năm giữa cánh đồng xã Vĩnh Đồng. Đây là khu địa linh, được nhiều dòng họ lớn chọn làm nơi chôn cất người thân. Theo như những câu chuyện truyền miệng thì trong đám tang của một số "danh gia vọng tộc" Đinh Công xứ Mường, những quan lang đã cho người sử dụng trinh nữ để yểm bùa và tẩm thuốc độc để bảo vệ ngôi mộ khỏi những kẻ trộm.
Theo đó, các ngôi mộ cổ Đống Thếch đều chôn với những cột đá cao 1-3m, phía đầu mộ đá to, chân mộ chôn đá nhỏ, hai bên được bao bọc bởi hàng rào đá xếp ken dày. Dưới những ngôi mộ cổ, ngoài những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, những vị quan lang xứ Mường khi chết còn dùng những trinh nữ chôn theo mình để... hầu hạ chủ nhân.
Hơn nữa, chính các cô gái xấu số này là một lá bùa và được coi như thần giữ của. Nhưng một số người cho rằng, hủ tục quái ác này giống với việc "yểm" thần giữ của của người Trung Hoa, nó được "du nhập" về nơi này bằng một cách nào đó và được những kẻ lắm tiền nhiều của áp dụng.
Và cũng vì những câu chuyện ma quái đó mà ở khu mộ cổ Đống Thếch này xuất hiện nhiều lời đồn rùng rợn. Nhiều người kể rằng có gia đình cả gan đưa hài cốt người thân táng vào khu mộ địa này với mong muốn hưởng lộc nơi đất thiêng.
Thế nhưng sau khi hoàn thành tang lễ thì cả nhà nhiều người phát điên. Hoặc có những lời đồn đại rằng khu mộ cổ này được xem như vùng đất thiêng, ai vào đây trót lấy dây quấn xung quanh hoặc dùng dao chém vào các cột đá sẽ bị thánh thần làm cho mê mẩn đầu óc không biết đường ra.
Tuy nhiên, cho đến nay, những câu chuyện ấy vẫn chỉ dừng lại ở mức tin đồn. Vẫn chưa có một ai dám đến đây để chứng minh thực hư về sự linh thiêng và ma quái của khu mộ cổ này. Nhưng vẫn không thể phủ nhận một điều rằng, nơi đây mang giá trị văn hóa khảo cổ rất lớn cho các nhà nghiên cứu văn hóa Mường. Chỉ tiếc rằng, dù có ngăn chặn những kẻ trộm to gan bằng những "lời nguyền" truyền miệng đáng sợ đến rợn người đó, nhưng nhiều khu mộ ở đây vẫn bị phá hoại không thương tiếc.
Bí ẩn "ngôi nhà ma”
Khác với những câu chuyện ma quái về việc dùng trinh nữ trấn yểm ở Hòa Bình thì "ngôi nhà ma" ở làng Si, thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cũng kinh hoàng không kém. Để tháo dỡ ngôi nhà có tuổi thọ gần 100 năm của cụ Nghị Dong này, nhiều người đã tốn không biết bao công sức nhưng đều phải bỏ dở vì những hiện tượng kì quái.
Theo một số người dân nơi đây kể lại, nhiều người tham gia công trình tháo dỡ đã gặp tai nạn. Trong quá trình thi công, mặc dù nền đất dưới ngôi nhà rất mềm nhưng hai máy xúc đầu tiên đều bị chết máy và gẫy hai răng ở phần gầu xúc.
Tuy nhiên, những điều kỳ lạ trên chưa đáng sợ bằng việc những người thợ xây trong quá trình dùng giàn khoan tay để khoan lỗ nhồi cọc bê tông thì phát hiện ra 2 cái chum, bên trong có đựng xác người. Sau đó, người ta cũng phát hiện ra cái chum thứ ba, định cho máy xúc vào đào, nhưng gầu xúc cứ chạm đất là bị khựng lại.
Công nhân thấy vậy thì bỏ công trình đấy không ai dám làm tiếp. Sau này, có nhiều lời đồn đại rằng dưới ngôi nhà cổ có chôn 8 cái chum đựng xác người để "yểm" long mạch ngôi nhà. Và để việc "yểm" thành công thì những xác người được chôn trong chum phải là trinh nữ.
Sự việc này đã khiến nhiều người dân hoang mang trong thời điểm đó, nhưng rồi câu chuyện cũng lắng đi. Nhiều người vẫn còn bị ám ảnh bởi câu chuyện kì quái, nhưng một số ý kiến cho rằng câu chuyện này được đồn đại từ những người còn tiếc nuối để mong giữ lại được ngôi nhà cổ trăm tuổi này.
Nói về những chuyện ly kỳ quanh căn nhà cổ khi bị tháo dỡ, ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách khẳng định, chuyện căn nhà cổ bị "yểm" bằng oan hồn trinh nữ và cán bộ huyện bị "vật" chết do dám kí vào giấy tờ hủy ngôi nhà cổ chỉ là tin đồn thất thiệt.
Kho báu và thần giữ của
Ngoài việc trấn yểm mộ hay "long mạch" thì việc sử dụng trinh nữ làm thần giữ của là câu chuyện hay được nhắc đến nhất. Và tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội, nhiều người cho rằng ngôi miếu nằm trên bốn tảng đá trắng ở đỉnh núi Bạch Tuyết có đến hàng tấn vàng bạc châu báu được chứa đầy trong một cái hầm đá rộng bằng gian nhà.
Đây là kho báu của người Tàu để lại từ cách đây rất lâu nhưng ngặt không có kẻ nào có thể đột nhập vào để mang vàng bạc châu báu đi bởi nó được trấn yểm bằng "thần giữ của". Theo như lời kể, "thần giữ của" mà người Tàu sử dụng chính là các trinh nữ được chôn cùng kho báu.
Một bà lão bán nước ở đầu làng Ninh Thượng kể, cách đây rất lâu các người già trong làng vẫn kể lại câu chuyện về những kẻ xâm lược đã ra sức vơ vét vàng bạc, châu báu khắp nơi mang về núi Bạch Tuyết cất giữ. Đến khi rút về nước, vì số lượng của cải quá lớn không mang được hết, chúng liền xây dựng một cái hầm đá để cất giấu và xây trên đó một ngôi miếu để ngụy trang.
Trong quá trình xây dựng, chúng cho người đi lùng bắt một thiếu nữ tuổi 13 còn trinh trắng, xinh đẹp tuyệt trần về nuôi dưỡng suốt nhiều ngày. Bữa nào cô cũng được ăn sơn hào hải vị, tắm gội bằng nước thơm cho thân thể sạch sẽ, tinh khiết. Đến khi căn hầm được xây xong, bọn chúng đem chôn sống thiếu nữ đồng trinh kia ngay nơi cửa hầm cùng với một con rùa để làm “thần giữ của".
Cũng từ những câu chuyện truyền miệng đó mà nhiều người mong muốn đổi đời đã bạo gan đào bới chân khu miếu tại nơi đây. Nhưng những người tham gia cuộc đào bới đó đều gặp phải "vận hạn" một cách kỳ lạ.
Nói về những lời đồn ở nơi đây, ông Vũ Tiến Tiu, Trưởng Ban Kiến thiết thôn Ninh Thượng cho biết, những câu chuyện ly kỳ đó chỉ là tin đồn. Thanh niên thôn Cát Bàng xưa có đào xem thực hư “kho báu đồng trinh” thế nào, nhưng chỉ thấy toàn đất đá. Và người dân trong vùng kể lại, chưa có ai có kết cục bi thảm như lời đồn thổi.
BTV