Cụ thể, nhà khoa học não bộ Jeff Morgan Stibel từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở California (Mỹ) ghi nhận não người thu nhỏ là một phản ứng thích nghi và đối phó với áp lực môi trường.
"Với xu hướng nóng lên toàn cầu gần đây, điều quan trọng là phải hiểu tác động của biến đổi khí hậu, nếu có, đối với kích thước não người và cuối cùng là hành vi của con người", Stibel viết trong một báo cáo.
Được biết, nghiên cứu của ông Stibel đã xem xét kích thước phát triển của não người thông qua 298 mẫu vật người tinh khôn trong 50.000 năm qua.
Các hóa thạch được xếp theo nhiều nhóm dựa trên thời gian. Ông Stibel đã sử dụng khoảng bốn tuổi hóa thạch khác nhau là 100 năm, 5.000 năm, 10.000 năm và 15.000 năm để nghiên cứu.
Các ghi chép của ông liên quan đến nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa toàn cầu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy một mô hình chung về sự thay đổi kích thước ở não người, khi nó thực sự đã tương quan với sự thay đổi khí hậu, cụ thể là khi nhiệt độ tăng và giảm.
Theo đó, con người có sự suy giảm đáng kể về kích thước não trung bình, khoảng 10,7%, trong suốt thời kỳ ấm lên của Thế Holocene (khoảng 11.700 năm trước).
"Sự thay đổi kích thước não người dường như đã diễn ra hàng nghìn năm sau khi khí hậu thay đổi và điều này đặc biệt rõ rệt sau Cực đại băng hà cuối cùng (LGM), cách đây khoảng 17.000 năm," Stibel giải thích.
Mô hình tiến hóa này diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, từ 5.000 đến 17.000 năm và các xu hướng cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra có thể gây ra những tác động bất lợi đối với nhận thức của con người.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các yếu tố như hệ sinh thái, tác động gián tiếp của khí hậu, hoặc các yếu tố phi khí hậu như văn hóa và công nghệ đều có thể góp phần làm thay đổi kích thước não.
"Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem tác động của biến đổi khí hậu đối với kích thước não là kết quả cụ thể của sự thay đổi nhiệt độ, hay tác động gián tiếp từ các yếu tố khác của môi trường đang thay đổi", ông Stibel nói.
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ, Dân Trí)