Một bộ kit test Covid-19 gồm que lấy mẫu, ống đựng mẫu chiết test, dung dịch thử nghiệm, nút đậy ống, khay test. Dung dịch thử nghiệm trong ống chiết test có chứa natri azua - là chất không màu, không mùi, không vị, mới đây được Mỹ cảnh báo độc hại.
Theo đó, cuối tháng 2, Trung tâm Thông tin Thuốc và Chất độc của Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, Mỹ, ghi nhận số trẻ nuốt phải hóa chất trong lọ chiết ở test nhanh Covid-19 tăng lên.
Nguyên nhân là các lọ chiết trông giống chai chiết hoặc lọ thuốc nhỏ mắt, một số người nhầm lẫn và nhỏ chúng vào mắt hoặc mũi, gây kích ứng hay bỏng hóa chất. Trẻ nhỏ có thể vô tình nuốt phải chất chứa trong lọ, may mắn không gặp nguy hiểm về sức khỏe.
PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết trong dung dịch test nhanh Covid chứa nhiều hóa chất khác nhau, trong đó natri azua là chất đáng quan tâm nhất vì là một chất độc mạnh. Natri azua (NaN3) còn gọi là sodium azide, natri azit, natriumazid... được sử dụng trong túi khí cứu nạn trên xe hơi và phao cứu nạn đường thủy.
Trong bệnh viện và phòng thí nghiệm, NaN3 là một chất diệt khuẩn, chất bảo quản có tính sát trùng, diệt mọi vi khuẩn và nấm mốc nếu không may chúng xâm nhập vào ống hóa chất này. Đây là chất rất độc, ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp nhiều như tim và não.
Trong hầu hết các sinh phẩm sử dụng làm kit test, người ta đều phải sử dụng NaN3 để bảo quản kháng nguyên.
Tuy vậy, thành phần của NaN3 trong lọ nước dung dịch trong kit test là rất nhỏ, chủ yếu là kháng nguyên và các hóa chất khác để ổn định mẫu.
“Trước đây khi làm kit test bệnh cúm gia cầm, chúng tôi cũng phải sử dụng NaN3 để bảo quản dung dịch. Tỉ lệ đưa hóa chất này vào kit test khoảng một phần nghìn”, ông Kháng nói.
Nói về nguyên tắc hoạt động của kit test Covid-19, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho biết, test nhanh Covid-19 Ag sử dụng kháng thể đơn dòng đặc hiệu với các kháng nguyên Covid-19 để phát hiện kháng nguyên đặc hiệu Covid-19 trong dịch tỵ hầu ở người. Khi đưa vào khay test, nếu mẫu có chứa kháng nguyên SARS-CoV-2, phức hợp kháng nguyên - kháng thể sẽ được hình thành.
PGS.TS Đinh Duy Kháng cho biết thêm, nuốt phải natri azua có thể dẫn đến tình trạng huyết áp thấp, gây chóng mặt, đau đầu hoặc tim đập nhanh. Tiếp xúc lượng lớn natri azua cũng đe dọa sức khỏe, dẫn đến co giật, mất ý thức, tổn thương phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do vậy, kit test phải được để đúng nơi quy định, có ghi chú rõ ràng, tránh nhầm lẫn và để xa tầm tay trẻ em.
Cùng bàn về vấn đề sử dụng kit test, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho rằng trường hợp tiếp xúc trực tiếp với natri azua là rất hiếm, vì dung dịch để trong lọ kín, khi nhỏ chỉ từ ba đến 4 giọt, liều lượng không đáng kể. Khi xét nghiệm nhanh, người dân chỉ cần tuân thủ quy trình, test đúng cách, nhỏ trực tiếp vào khay thì không quá lo ngại. Việt Nam cũng chưa ghi nhận trường hợp nào ngộ độc do tiếp xúc với dung dịch này.
"Khi test nhanh, người lớn nên trực tiếp thực hiện, để dung dịch tránh xa tầm tay trẻ em, dùng xong cần xử lý đúng cách là an toàn, không nên lo lắng thái quá", bác sĩ nói.
Để tránh tình trạng kích ứng, nhiễm độc hoặc ngộ độc natri azua, các chuyên gia khuyến cáo gia đình cất bộ xét nghiệm ở vị trí cao, trong tủ có khóa, tránh xa tầm tay trẻ em. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng bộ kit.
Sau khi xét nghiệm, nên cho dụng cụ vào túi kín và vứt vào thùng rác (tách biệt với rác thải sinh hoạt thông thường). Tất cả túi phải dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa nCoV", tập trung ở một nơi cố định, không đặt chung với rác thải sinh hoạt thông thường.
Trường hợp không may tiếp xúc da với dung dịch này, nên rửa sạch da ít nhất 15 phút dưới vòi nước. Nếu nhỏ vào mắt, rửa sạch mắt dưới vòi nước 15-20 phút sau đó dùng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% nhỏ mắt. Trường hợp nhỏ nhầm mũi, bạn nên xì ra và rửa sạch mũi với dung dịch nước muối nhiều lần. Nếu nuốt phải, bạn cần gọi đến 115, các trung tâm chống độc để được xử trí ban đầu.
Hồng Anh (T/h theo Giáo dục&Thời Đại, Vnexpress)