Những ngày qua, dư luận cả nước đang xôn xao bàn tán và tỏ ra đặc biệt quan tâm trước thông tin trường THPT Nguyễn Trãi, TP.Thanh Hóa đuổi học 7 học sinh vì nói xấu, xúc phạm giáo viên trên mạng xã hội facebook.
Rất nhiều phụ huynh đồng tình việc học sinh chửi bới, xúc phạm giáo viên là cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, việc kỷ luật cũng phải “thấu tình, đạt lý” và mang tính giáo dục là chính hơn là trừng phạt vì các em học sinh chưa có đầy đủ nhận thức về hậu quả của những hành vi do mình gây ra. Ngoài ra, nếu bị đuổi học 1 năm thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của các em và cả gia đình những học sinh này.
Sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh và đơn của phụ huynh học sinh, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã chỉ đạo trường THPT Nguyễn Trãi thu hồi, hủy bỏ quyết định kỷ luật đối với 8 học sinh (3 em bị đuổi học 1 năm, 4 em bị đuổi học 1 tuần và 1 em học sinh bị cảnh cáo trước toàn trường) do xúc phạm giáo viên trên facebook và yêu cầu nhà trường thông báo cho các em này tiếp tục đến trường bình thường.
Theo bà Hằng, vi phạm của các em chưa đến mức phải kỷ luật đuổi học 1 năm. Nhà trường đã ban hành kỷ luật quá nặng tay, nóng vội, thiếu cẩn trọng, không mang tính giáo dục. Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng chỉ đạo trường THPT Nguyễn Trãi phải làm báo cáo giải trình, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra việc ban hành quyết định kỷ luật với hình thức xử lý không đúng, không hợp tình, hợp lý, khiến phụ huynh và dư luận bức xúc trong những ngày qua.
Tiếp đó, ông Bùi Nguyên Tiến, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định về việc kỷ luật 8 em học sinh của trường này do có hành vi chửi bới, xúc phạm giáo viên trên facebook theo chỉ đạo của sở GD&ĐT tỉnh này. Tuy nhiên, ông Tiến cho hay, các em này sẽ bị kỷ luật, còn mức kỷ luật như thế nào sẽ do hội đồng Kỷ luật trường bàn và quyết định sau.
Liên quan đến sự việc này, rất nhiều ý kiến của phụ huynh và chuyên gia pháp lý cho rằng, việc cô giáo xem trộm điện thoại của học sinh là vi phạm pháp luật. Cụ thể là vi phạm vào điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”.
Luật sư Vũ Tiến Vinh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: “Học sinh có quyền được bảo vệ các bí mật riêng tư. Thầy cô không có quyền xem điện thoại của học sinh sau khi tịch thu bất luận các em vi phạm như thế nào, nếu như không được các em đồng ý. Trường hợp thầy cô giáo cố tình xem điện thoại của học sinh, có thể bị nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Bùi Nguyên Tiến - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi trần tình, do một học sinh lớp 10A5 sử dụng điện thoại trong giờ học nên bị giáo viên bộ môn tịch thu và bàn giao cho giáo viên chủ nhiệm là cô Đậu Thị Bích. Do điện thoại không khóa màn hình, cô Bích phát hiện tin nhắn có nội dung xúc phạm giáo viên hiện lên nên nhờ một học sinh mở ra xem các bình luận khác. Sự việc có nhiều người chứng kiến.
"Cô giáo chủ nhiệm là người trực tiếp thấy được nội dung cuộc trò chuyện với những lời lẽ tục tĩu, thiếu văn hóa, xúc phạm nặng nề đến mình và nhà trường như dọa đốt trường, đốt sổ đầu bài, ném mắm tôm vào nhà cô chủ nhiệm. Sau đó, cô Bích và nhà trường nhờ một em học sinh mở ra xem và có sự chứng kiến của nhiều người chứ không phải cố ý xem trộm”, ông Tiến cho biết thêm.
Được biết, ngày 2/11, tất cả những em học sinh bị trường THPT Nguyễn Trãi đuổi học đã quay trở lại trường. Tất cả các em đều tỏ ra ăn năn, hối lỗi và gửi lời xin lỗi tới giáo viên và hứa không tái phạm.
Điều 38, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về "Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình":
- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
- Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.