Điều này cho thấy, việc ngăn chặn thực phẩm không an toàn vẫn đang là vấn đề nan giải", PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội chia sẻ.
Hiện nay, rất nhiều thực phẩm độc hại không đảm bảo vệ sinh vẫn từng ngày, từng giờ thẩm thấu vào thị trường trong nước. Điều này cho thấy công tác ngăn chặn từ xa bằng kiểm dịch, kiểm tra chất lượng của lực lượng chức năng còn kém. Ý kiến của ông về điều này như thế nào?
Thế giới rất quan tâm đến vấn đề kiểm dịch, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, việc kiểm dịch động vật, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đã được đưa thành quy định toàn cầu. Tức là vận chuyển vật nuôi từ nước này qua nước khác, thậm chí trong một nước nếu vùng này có dịch bệnh thì cũng không được vận chuyển sang vùng khác. Bây giờ, ở các quốc gia, nhất là nước có dịch H7N9 như ở Trung Quốc việc vận chuyển gia cầm sang Việt Nam sẽ rất nguy hiểm. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của con người nên cần phải chấm dứt ngay.
Chúng ta thì vẫn nói nguy cơ của thực phẩm không an toàn đang đầu độc từ từ sức khoẻ của người dân, ông nghĩ sao về điều này?
Việc này, tôi nghĩ là do đồng thời nhiều yếu tố. Đầu tiên là do nhận thức của người dân, ở những nước tiên tiến, người dân họ biết những thực phẩm đó là độc hại thì họ không ăn. Hoặc những người hàng xóm, đồng nghiệp và những người đi đường thấy vận chuyển hàng hoá độc hại họ cho rằng điều đó là xấu hổ và sẽ tố cáo với cơ quan chức năng để cùng ngăn chặn. Nói chung, đó là những hành vi tự giác, cần phải có một quá trình nhận thức. Thứ hai, nguyên nhân nữa là do một bộ phận người dân còn khó khăn về kinh tế nên những vật nuôi dù bị dịch bệnh nhưng vẫn làm thịt để ăn, hay hoa quả, thực phẩm khác biết là độc hại nhưng cứ thấy giá rẻ là nhiều người thích sử dụng. Trong trường hợp như vậy thì các cơ quan quản lý phải tích cực hơn, cố gắng hơn bằng các biện pháp tuyên truyền giáo dục cho nhân dân hiểu. Mặt khác phải nghiêm trị, xử phạt thật nghiêm những đối tượng nào cố tình vi phạm. Nhưng về lâu dài, tôi nghĩ cần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, qua đó sẽ nâng cao nhận thức, ý thức cho nhân dân.
Ông Nguyễn Đăng Vang.
Nghĩa là các cơ quan chức năng vẫn buông lơi thực phẩm không an toàn, thờ ơ với sức khoẻ của người dân?
Thực tế, ba bộ cùng quản lý an toàn thực phẩm, song không bộ nào chịu trách nhiệm chính. Chúng ta thấy rất nhiều vụ thực phẩm bẩn xảy ra, nhưng chưa thấy cơ quan nào bị kiểm điểm.
Việc thanh, kiểm tra chưa nghiêm túc!
Vậy thưa ông, để tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay trách nhiệm thuộc về ai?
Trước tiên, phải khẳng định rằng không thể đổ lỗi cho ai mà phải đồng thời thực hiện các biện pháp, từ tuyên truyền giáo dục đến xử phạt. Thế nhưng, đợi được hiệu quả của tuyên truyền giáo dục thì phải đến hàng chục năm. Vì thế, không thể đợi đến lúc đó, mà ngay từ bây giờ phải có biện pháp ngăn ngừa. Biện pháp ngăn ngừa là do cấp có thẩm quyền đưa ra các chính sách cụ thể, nhưng khi thực hiện chính quyền địa phương các cấp đều phải làm tốt điều này. Vì thế, để xảy ra tình trạng nhập lậu thực phẩm bẩn trước hết trách nhiệm thuộc về các tỉnh, các địa phương có hàng lậu vận chuyển qua. Đầu tiên là UBND cấp tỉnh, sau đó là cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm. Thực tế, các văn bản chỉ đạo của các bộ vẫn rất chặt chẽ. Tôi không bênh các bộ, nhưng văn bản bộ đưa các địa phương phải thực thi hiệu quả, nghiêm túc hơn. Nếu để xảy ra sai sót thì trách nhiệm đầu tiên phải là địa phương. Mặt khác có trách nhiệm của bộ Công Thương, họ có lực lượng quản lý thị trường, lực lượng này phải kiểm soát chặt chẽ việc thực phẩm bẩn, cũng như gà thải loại nhập lậu xuất hiện trên thị trường.
Có ý kiến cho rằng, chỉ khi có nguy cơ cao, có người chết, có sự chỉ đạo của cấp trên thì các cơ quan chức năng mới… giẫm chân nhau cùng vào cuộc. Ông nghĩ sao về thực tế này?
Đúng rồi, khi lãnh đạo cấp cao mà ra tay thì tự nhiên bộ máy sẽ vận hành mạnh mẽ, trơn tru và hiệu quả hơn. Tóm lại, người tổng chỉ huy ra tay mạnh thì bộ máy mạnh lên, ngăn chặn tốt hơn. Tôi lấy ví dụ, vừa qua, khi Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đi kiểm tra thì tự nhiên chặn đứng được việc gà nhập lậu một cách rất rõ rệt. Nhưng không phải lúc nào cấp trên cũng trực tiếp, sát sao được như vậy, do đó phải phụ thuộc vào ý thức của cấp dưới, họ phải thường xuyên làm thì mới hiệu quả được. Ở đây tôi muốn nói đến việc tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, việc đó rất quan trọng. Điều này cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra của chúng ta cũng chưa thật sự nghiêm túc.
Xin cảm ơn ông.
Quốc Triều- Minh Khánh