Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ tháng 7/2024. Theo đó, doanh số trong tháng này của công ty đạt 31,25 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng có doanh số cao nhất từ đầu năm đến nay.
Tính riêng tháng 7, sản xuất tôm thành phẩm của Sao Ta đạt 4.098 tấn, tăng 75%; tiêu thụ tôm thành phẩm 2.713 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Về nông sản, sản xuất giảm 70% đạt 20 tấn; tiêu thụ đạt 147 tấn, giảm 22% so với tháng 7/2023.
Luỹ kế từ đầu năm đến nay, doanh số tiêu thụ của công ty ước đạt 126,25 triệu USD.
Sao Ta cho biết, tính đến tháng 7, tôm nuôi ở trang trại mới đã thu hoạch xong và đang thu hoạch ở trang trại cũ, dự kiến giữa tháng 9 hoàn tất.
Theo kế hoạch, tôm sẽ được thả nuôi vụ tiếp theo trong quý IV khi thời tiết bớt mưa nhằm giảm rủi ro. Công ty cũng đánh giá kết quả nuôi tôm đến nay khá ổn dù dịch bệnh đã làm tôm phát triển không như mong muốn.
Theo báo cáo tài chính quý II/2024, Sao Ta ghi nhận 1.242 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận của Sao Ta trong quý II/2024 đạt 83,3 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, công ty cho cho biết, lãi ròng của doanh nghiệp trong quý tăng chủ yếu do doanh thu xuất khẩu tăng. Như vậy, sau quý I/2024 tăng trưởng dương, doanh nghiệp đã có quý thứ 2 liên tiếp ghi nhận đà khởi sắc về lợi nhuận trong năm 2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Sao Ta đạt 2.703 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Trong đó, đóng góp phần lớn vào cơ cấu là doanh thu bán thủy sản với 2.636 tỷ đồng, tăng 34%. Động lực của mảng thủy sản đến từ sự phục hồi đơn hàng xuất khẩu cùng với tình hình lạm phát và sức mua được cải thiện tại các thị trường Mỹ, châu Âu.
Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi ròng của doanh nghiệp đạt 140 tỷ đồng, tăng 13% so với nửa đầu năm 2023.
Trên thị trường, theo dữ liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm mang về hơn 1,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 3%; tôm sú đạt trên 200 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong thời gian tới, bao gồm rủi ro Mỹ có thể chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới vẫn trong trạng thái dư cung.