Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (MCK: FMC) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất với những số liệu tăng trưởng ấn tượng.
Theo đó, trong quý IV/2021, FMC ghi nhận doanh thu đạt 1.444 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 202 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 12,9% lên 14%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 82,5% ghi nhận mức 16,41 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 13,8%, tương ứng tăng thêm 12,63 tỷ đồng lên 104,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Công ty lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do lợi nhuận từ thu hoạch tôm tự nuôi, làm giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận đáng kể cho hiệu quả hoạt động chung của công ty.
Theo số liệu doanh nghiệp cung cấp, sản lượng tôm Sao Ta chế biến đạt 22.790 tấn (tăng 12% so với năm 2020), sản lượng tôm tiêu thụ khoảng 18.370 tấn (tăng 7%) và sản lượng nông sản được tiêu thụ đạt 1.590 tấn, bằng 132% so với năm 2020.
Năm 2021 cũng là năm nuôi tôm thành công nhất trong lịch sử 10 năm nuôi tôm của Sao Ta dù cho đại dịch đã làm đảo lộn một số dự định ban đầu của doanh nghiệp. Đặc biệt là chi phí thuê container rỗng giao hàng thị trường xa tăng quá mạnh, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp này.
Nếu trong các năm trước thì 3 mảng hoạt động chính là chế biến tôm, chế biến nông sản và nuôi tôm cùng đồng hành tạo ra lợi nhuận thì trong năm 2021, mảng nuôi tôm trở thành "át chủ bài" của doanh nghiệp giúp giảm giá thành sản phẩm để bù đắp lại cho mảng chế biến.
Lũy kế cả năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 5.199 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 286 tỷ đồng, lần lượt tăng 17,8% và 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Đầu năm 2021, FMC đặt ra kế hoạch tổng doanh thu là 4.650 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 250 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính 2021 công ty đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới ngày 31/12/2021, tổng tài sản của FMC tăng 57,2% so với đầu năm lên 2.690,6 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 940,77 tỷ đồng, chiếm 35% tổng tài sản; tiền và các khoản tương đương tiền đạt 794,4 tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng tài sản và các tài sản khác.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của FMC cũng tăng vọt từ gần 7 tỷ đồng đầu năm lên hơn 188 tỷ đồng, chủ yếu nằm tại các dự án Nhà máy thủy sản Sao Ta, máy móc đang chờ lắp đặt và dự án Nhà máy Tam An. Dự kiến sau Tết Nguyên đán 2022, trại tôm sẽ bắt đầu thả giống, khởi đầu cho mùa vụ mới và các nhà máy trên sẽ ngay lập tức đi vào hoạt động.
Nợ phải trả tại thời điểm cuối năm của Sao Ta tăng 13%, lên gần 714 tỷ đồng. Trong đó, phải trả người lao động tăng vọt từ 36 tỷ đồng đầu năm lên 120 tỷ đồng. Ngược lại, nợ vay ngắn hạn giảm 6%, xuống còn 415 tỷ đồng.
Từ tháng 12/2021, cơ cấu cổ đông lớn tại Sao Ta có sự thay đổi lớn khi CP Việt Nam đã thực hiện giao dịch mua thêm 6,5 triệu cổ phiếu nhằm tăng sở hữu tại Sao Ta lên tới 16,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 24,9% vốn điều lệ doanh nghiệp. Vốn điều lệ của Sao Ta đã tăng từ 588,5 tỷ đồng lên 653,8 tỷ đồng (tương đương 65,3 triệu cổ phiếu lưu hành) sau thương vụ trên.
Qua sự kết hợp này, Sao Ta được kỳ vọng sẽ nhận được hỗ trợ các nguồn vật tư nuôi tôm như con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm… cho các vùng nuôi từ nhà đầu tư ngoại quốc này cũng như đạt được những tham vọng mà C.P Việt Nam đưa ra.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/1, cổ phiếu FMC dừng ở mức giá 50.500 đồng/cổ phiếu.