Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tuần qua một lần nữa trở thành “ngôi sao” sáng nhất tại cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới ở Munich, nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt, những cái bắt tay và lời thề ủng hộ kiên định.
Nhưng thực tế phũ phàng là đồng thời Ukraine cũng vừa để mất một thành trì quan trọng vào tay Quân đội Nga sau 10 năm giằng co. Cái ông Zelensky cần là vũ khí chứ không phải sự ngưỡng mộ từ các đồng minh.
Dù có sức mạnh kinh tế tổng hợp gấp khoảng 25 lần so với Nga, các đối tác phương Tây đang thất bại trong việc biến lợi thế tài chính của họ thành hỏa lực áp đảo cho quân đội Ukraine ở tiền tuyến.
Cái kết cho trận chiến 10 năm
Bộ Quốc phòng Nga vừa tuyên bố “toàn quyền kiểm soát” đối với thành phố Avdiivka (phía Nga gọi là Avdeevka) ở tiền tuyến Dobass. Tuyên bố của phía Nga được đưa ra cùng ngày với tuyên bố của phía Ukraine về việc rút quân khỏi “điểm nóng” này sau nhiều tháng giằng co.
Trong một tuyên bố ngắn đăng trên Facebook, tân Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết quân của ông đang di chuyển đến “các tuyến thuận lợi hơn”.
“Những người lính của chúng tôi đã thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình một cách đàng hoàng, làm mọi cách có thể để tiêu diệt các đơn vị quân đội tốt nhất của Nga, gây cho kẻ địch những tổn thất đáng kể về nhân lực và trang thiết bị. Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình và duy trì vị trí của mình”, tuyên bố cho biết.
Thực ra trận chiến giành thành phố Avdiivka thuộc vùng Donetsk bắt đầu từ 10 năm trước. Tình hình leo thang trong 2 tuần qua khi các lực lượng Nga tiến vào rìa phía Đông Bắc và phía Nam của thành phố, đồng thời tiến hành các đợt tấn công dồn dập.
Hôm 17/2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng của họ đã tiến được 5,3 dặm (8,5 km) kể từ khi Ukraine tuyên bố rút quân. Cụ thể hơn, Quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát lãnh thổ rộng 31,75 km2 từ các lực lượng Ukraine và Ukraine đã mất hơn 1.500 quân nhân trong các trận chiến giành Avdiivka trong 24 giờ qua, Bộ này cho biết.
Theo phía Nga, một số đơn vị của Ukraine vẫn hiện diện trong thành phố, chủ yếu ở nhà máy than cốc và hóa chất Avdiivka, nơi đã trở thành thành trì phòng thủ cuối cùng.
“Các biện pháp đang được thực hiện để quét sạch hoàn toàn thị trấn khỏi phiến quân và phong tỏa các đơn vị Ukraine đã rời khỏi thị trấn và cố thủ tại nhà máy hóa chất và than cốc Avdiivka”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết.
Các video xuất hiện trên mạng xã hội hôm 17/2 cho thấy các binh sĩ đang treo cờ Nga trên một trong các tòa nhà của nhà máy. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân gửi thông điệp chúc mừng chiến thắng đến các binh sĩ của ông trong thành phố, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả việc kiểm soát Avdiivka là một “chiến thắng quan trọng”.
Thành phố Avdiivka, từng là nơi sinh sống của 32.000 người, đã hoàn toàn bị san bằng sau nhiều tháng giao tranh. Các quan chức Ukraine cho biết không một tòa nhà nào trong thành phố còn nguyên vẹn, và chỉ còn chưa đầy 1.000 người vẫn bám trụ ở đó.
Đây là thành tích lớn nhất của Nga kể từ khi giành được thành phố Bakhmut hồi tháng 5 năm ngoái. Đây cũng được coi là một bước nữa nhằm đảm bảo sự kiểm soát của Nga đối với trung tâm khu vực Donetsk, cách Avdiivka khoảng 22 km về phía Đông, vốn do các lực lượng Nga và thân Nga nắm giữ kể từ năm 2014.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng việc giành được Avdiivka chỉ là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho Nga và sẽ không mang lại những thay đổi đáng kể cho chiến tuyến dài 930 dặm (1.500 km).
“Việc Nga chiếm được Avdiivka sẽ không có ý nghĩa quan trọng về mặt hoạt động và có thể chỉ mang lại cho Điện Kremlin những chiến thắng chính trị và thông tin ngay lập tức”, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC, Mỹ, cho biết trong một đánh giá hôm 15/2.
Thực tế phũ phàng
Trong cuộc chiến kéo dài gần 2 năm với những đợt phản công quyết liệt, Ukraine hiện đang quay trở lại thế phòng thủ trước Quân đội Nga do thiếu hụt nguồn cung đạn dược và nhân lực.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 ở Đức hôm 17/2, Tổng thống Zelensky cảnh báo các đồng minh của nước ông rằng “sự thiếu hụt nhân tạo” về vũ khí đối với Ukraine có thể mang lại cho Nga không gian để thở và cho phép “ông Putin thích nghi với cường độ hiện tại của cuộc chiến”.
“Hành động của chúng tôi chỉ bị giới hạn bởi… sức mạnh của chúng tôi”, ông Zelensky nói, chỉ vào tình hình ở Avdiivka sau khi chỉ huy các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết về việc rút quân khỏi thành phố để ngăn kịch bản bị bao vây và cứu mạng các binh sĩ.
Ngược dòng thời gian 2 năm trước, cũng tại hội nghị này, Tổng thống Ukraine đã cảnh báo về một cuộc tấn công toàn diện của Quân đội Nga vào đất nước ông. Phương Tây đã cố gắng ngăn cản ông Putin hành động bằng những cảnh báo về hậu quả thảm khốc, nhưng cuối cùng, kể từ ngày 24/2/2022, bối cảnh an ninh châu Âu đã thay đổi cơ bản và mãi mãi.
Anh, Mỹ và các đối tác khác đã vội vã hỗ trợ Ukraine bằng tên lửa chống tăng và sau đó là xe tăng cũng như đạn dược tầm xa. Sự hỗ trợ này ban đầu đã giúp Ukraine “đảo ngược tình thế” và tái chiếm một số lãnh thổ. Tuy nhiên, cuộc phản công mùa hè năm ngoái đã thất bại khi khả năng quân sự hạn chế của Ukraine không thể vượt qua được tuyến phòng thủ dày đặc của Nga.
Giờ đây, trở lại Munich một lần nữa trước thềm dấu mốc 2 năm của cuộc chiến, ông Zelensky đối mặt với thực tế phũ phàng.
Phát biểu vài giờ sau khi nhận được tin các lực lượng Ukraine rút khỏi thành phố Avdiivka, ông Zelensky nói: “Xin đừng hỏi Ukraine khi nào cuộc chiến sẽ kết thúc. Hãy tự hỏi: Tại sao ông Putin vẫn có thể tiếp tục cuộc chiến?”
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhắc lại lời kêu gọi chuyển giao đạn pháo và tên lửa tầm xa nhanh hơn. Nhưng những bất ổn nội bộ đang hạn chế khả năng của phương Tây trong việc hỗ trợ Kiev. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Mỹ, nước ủng hộ quan trọng nhất của Ukraine.
Washington đang bị phân tâm bởi cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra, với kịch bản ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Một sự thay đổi về lãnh đạo ở cường quốc số 1 thế giới sẽ có tác động đáng kể đến nỗ lực chiến tranh của Ukraine và một lần nữa làm sống lại những xích mích trong liên minh NATO.
Căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong những tháng gần đây đã làm trì hoãn việc thông qua gói viện trợ bổ sung quan trọng cho Ukraine.
Trong cuộc điện đàm hôm 17/2 với người đồng cấp Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Avdiivka thất thủ là lỗi của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump vì họ vẫn tiếp tục chặn gói viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine.
“Quân đội Ukraine đã buộc phải rút khỏi Avdiivka sau khi binh lính Ukraine phải phân bổ đạn dược do nguồn cung ngày càng cạn kiệt do Quốc hội không hành động, dẫn đến những thắng lợi đáng chú ý đầu tiên của Nga sau nhiều tháng”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố sau cuộc điện đàm.
Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ nước ngoài trị giá 95,3 tỷ USD, gần 2/3 trong số đó dành cho Ukraine, nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson khẳng định ông sẽ không “vội vàng” phê duyệt dự luật.
Với tư cách là người “cầm trịch” tại Hạ viện Mỹ, ông Johnson đã chặn một cuộc bỏ phiếu về dự luật bất chấp sự ủng hộ áp đảo của hầu hết các đảng viên Đảng Dân chủ và gần một nửa các đảng viên Đảng Cộng hòa.
Ông Trump, người gần như chắc chắn sẽ đại diện cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay, đã kêu gọi ngăn chặn dự luật.
Trái ngược hoàn toàn với sự dao động của phương Tây, Nga đã đặt nền kinh tế của mình vào tình trạng thời chiến, với việc tiền được bơm vào việc sản xuất thêm vũ khí, đạn dược và nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng....
Minh Đức (Theo Sky News, The Independent, AP)