Tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế
Sáng 8/5, phát biểu tại Tọa đàm: “Chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam”, GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết việc Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng đã gây nên cú sốc khắp thế giới.
“Và với Việt Nam, Mỹ tuyên bố áp mức thuế 46% với Việt Nam, nếu không có được kết quả đàm phán tích cực để hoãn áp dụng trong 90 ngày thì đây là cú sốc rất lớn đối với nền kinh tế”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo đó, 90 ngày là một thời gian để cho Việt Nam chuẩn bị tiến hành đàm phán với về thỏa thuận thương mại đối ứng, trên tinh thần bảo đảm lợi ích quốc gia, thương mại công bằng hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Hiện nay quy mô xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ chiếm đến 30% kim ngạch xuất khẩu, thặng dư thương mại với Mỹ chiếm đến hơn 20% tổng GDP nền kinh tế.

GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân.
Về cơ cấu thì 70% hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ là những mặt hàng chế biến chế tạo chủ lực như điện, điện tử, linh kiện, điện thoại, da giày, dệt may, gỗ… Những mặt hàng này phần lớn là lĩnh vực sản xuất của khu vực FDI và cũng là động lực của nền kinh tế những năm qua.
Cho nên việc áp thuế này ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu và cả khu vực FDI, tức là đánh trực tiếp vào những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Từ đó tác động lớn đến tăng trưởng và gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
“Cho dù kết quả thế nào thì đây là khoảng thời gian để Việt Nam chuẩn bị những giải pháp ứng phó với những thay đổi và tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, và đây là thời cơ để tái cấu trúc lại để nền kinh tế tự chủ, phát triển bền vững, gia tăng khả năng chống chịu đối với những bất ổn từ thế giới”, Phó Giám đốc NEU nói.
Bàn về những tác động, PGS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết thuế đối ứng sẽ có ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế và Hiệp định FTA đã ký; doanh nghiệp chuyển đổi, sắp xếp lại trong quá trình sản xuất; dịch chuyển và thu hút FDI; tác động đến xuất khẩu trong và sau giai đoạn đàm phán; gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng chi phí và sự chậm trễ giao hàng, tìm nhà cung cấp, chiến lược hậu cần mới.
Đặc biệt, sự sụt giảm trong xuất khẩu và thặng dư thương mại có thể gây áp lực giảm giá lên đồng Việt Nam (VND) do nguồn cung ngoại tệ giảm và nguy cơ dòng vốn đầu tư chảy ra ngoài.
Các dự báo cho thấy VND có thể mất giá so với USD, với ước tính từ 3-5% (VPBankS) đến 4% (KBSV) trong năm 2025. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) có thể sẽ cần can thiệp để ổn định thị trường ngoại hối.
“Mặc dù sự mất giá đã diễn ra trước đó tạo ra một "vùng đệm" nhất định, áp lực tỉ giá vẫn là một yếu tố cần theo dõi chặt chẽ. Lịch sử cho thấy tiền tệ của các quốc gia bị áp thuế có xu hướng mất giá khoảng một nửa mức thuế”, ông Hữu Nghị chỉ ra.

PGS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Đáng lo ngại, rủi ro lạm phát cũng hiện hữu. Việc VND mất giá có thể làm tăng chi phí hàng hóa nhập khẩu. Mặc dù vậy, tác động này có thể được bù đắp phần nào bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu đi do xuất khẩu suy giảm.
Tác động kinh tế vĩ mô tiềm ẩn không chỉ giới hạn ở các số liệu thương mại trực tiếp. Nó tạo ra một vòng luẩn quẩn (feedback loop): xuất khẩu giảm gây áp lực lên tỉ giá, tỉ giá mất giá có thể thúc đẩy lạm phát và làm nản lòng nhà đầu tư FDI, và sự sụt giảm FDI lại tiếp tục kìm hãm triển vọng tăng trưởng.
“Phá vỡ vòng luẩn quẩn tiêu cực này đòi hỏi các phản ứng chính sách phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa”, Phó Viện trưởng nói.
Thiết lập cân bằng lợi ích hai chiều
Trong bối cảnh Mỹ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là áp thuế với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, PGS.TS Tạ Văn Lợi – Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng Việt Nam cần chuyển từ thế bị động sang chủ động trong quan hệ thương mại và đầu tư, đồng thời thiết lập sự cân bằng lợi ích hai chiều.
Ông Lợi đề xuất trước hết phải rà soát nhóm hàng xuất siêu sang Mỹ như điện tử, linh kiện, điện thoại, máy móc, dệt may, gỗ, giày dép, thủy sản... để đàm phán giảm áp lực thuế. Không chỉ hàng hóa, Việt Nam cũng cần tính đến cán cân dịch vụ và lợi nhuận chuyển về Mỹ từ các doanh nghiệp FDI.

PGS.TS Tạ Văn Lợi – Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Việt Nam cần rà soát lại chính sách thuế với khối doanh nghiệp FDI, loại bỏ các trường hợp "đội lốt" xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời đảm bảo cam kết với các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Nhóm hàng xuất siêu truyền thống như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản cần được phân tích sâu chuỗi giá trị nội địa để có chính sách nâng cấp phù hợp.
Ông cũng khuyến nghị tái định hướng phát triển vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như bán dẫn, AI, phần mềm, vật liệu mới, kinh tế số…, đồng thời mở cửa cho doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào những lĩnh vực này.
Muốn vậy, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, xuất khẩu kỹ sư thay vì lao động phổ thông, và thu hút FDI bằng năng lực thực chất chứ không chỉ bằng ưu đãi.
Ngoài ra, Việt Nam cần chủ động quy hoạch, khai thác vật liệu hiếm, đầu tư ra nước ngoài để tiếp cận công nghệ và nguồn lực, đặc biệt tại Mỹ – nơi vẫn giữ lợi thế lớn về công nghệ, nhân lực và nguyên vật liệu mới.
Song song, cần cải cách cách nhìn nhận doanh nghiệp, ủng hộ khu vực tư nhân phát triển lành mạnh, không phân biệt đối xử theo thành phần kinh tế mà dựa vào minh bạch và hiệu quả.
Thanh Loan - Quỳnh Chi