Phí đồng loạt tăng theo kế hoạch
Trong thời gian tới, nhiều phí dịch vụ như y tế, giao thông, nhà ở… đồng loạt sẽ tăng theo lộ trình được tính toán từ trước, mặc cho mức sống của người dân đang có xu hướng đi xuống trong thời kinh tế ảm đạm. Điển hình, quyết định của UBND TP.Hà Nội về việc công bố khung giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội đưa ra áp dụng từ ngày 1/6. Nhiều người bất ngờ khi biết, trong quy định mới, mức phí đột ngột tăng gấp bốn lần so với mức phí được ban hành trước đây.
Theo quy định mới, nhà chung cư có thang máy sẽ có giá dịch vụ tối thiểu là 800 đồng/m2/tháng, mức giá tối đa là 16.500 đồng/m2/tháng. Với chung cư không có thang máy, tối thiểu là 450 đồng/m2, tối đa là 5.000/m2/tháng. Mức giá trên chưa bao gồm các dịch vụ khác như bể bơi, sân tenis, tắm hơi hoặc các dịch vụ cao cấp khác. Điều khiến nhiều hộ dân sống trong chung cư bất bình, phí nhà ở nếu tăng nữa thì người dân sống chịu phí chồng phí.
Chị Nguyễn Thị Anh sống tại khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) cho biết, mức thu phí nhà ở chưa bao gồm phí gửi xe và nhiều dịch vụ khác. Nếu mức phí tăng theo văn bản mới được ban hành thì mỗi tháng, chi phí để nộp đủ các khoản phí cho việc sinh sống tại chung cư lên gần 2 triệu đồng là quá cao. "Với mức lương tối thiểu là 1.050.000 đồng/tháng, hỏi lấy đâu ra tiền để chi phí cho khoản phí nhà chung cư. Quy định thuế, phí nào cũng cần dựa trên cơ sở thu nhập hàng tháng của người dân, không thể cứ ngồi tính trên giấy tờ các khoản phí rồi cộng lại và đưa ra một con số được cho là hợp lý nhưng ngược hoàn toàn với điều kiện sống của người dân. Tôi chắc rằng, với quy định mới này, ban quản lý nhà chung cư sẽ có lý để tăng thêm phí, rồi còn nhiều loại phí khác được thể "tát nước theo mưa" - chị Anh nhấn mạnh.
Trên thực tế, việc tăng phí nhà ở chung cư một phần nằm trong xu thế tăng thuế, phí hiện nay của nhiều địa phương và các cơ quan chức năng, nằm trong kế hoạch đã được định sẵn… Được biết, tại tất cả các tỉnh thành phố, phí y tế đã được bàn thảo và đưa ra quy định tăng theo đề xuất của bộ Y tế. Điều phi lý mà nhiều người đã chỉ ra, chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện và vùng miền chênh lệch nhau nhưng đa số đều áp dụng một khung giá để tính phí.
Không thua kém với y tế, ngành giao thông cũng hoà chung nhịp điệu tăng phí để giải quyết khó khăn nội tại của ngành mình. Với lý do hạn chế việc gia tăng xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội đã đề nghị HĐND TP. xem xét mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên địa bàn bằng mức tối đa theo thông tư 197 của bộ Tài chính. Theo đó, xe máy trên 100 phân khối được đề xuất nộp phí 150.000 đồng/năm. Không ít người quan ngại rằng, với đà này, thời gian tới nhiều bộ ngành khác cũng sẽ hoà chung xu hướng tăng thuế phí…
Nên khoan thư sức dân
Bàn về xu hướng tăng các loại thuế, phí hiện nay, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng: "Hiện nay, đời sống của người dân đang rất khó khăn. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất chính là sức mua yếu ớt, doanh thu bán lẻ năm tháng chỉ tăng hơn 4% và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, trong cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Hà Nội, tôi đã kiến nghị giảm thuế VAT bán lẻ. Hiện nay, thuế VAT bán lẻ đánh mức 10% là quá lớn, khiến mức giá bán lẻ vẫn cao. Theo tôi, từ nay đến cuối năm không nên đưa các loại phí vào đời sống dân sinh nữa, nên tạm thời dừng lại, hoặc nếu không dừng thì cũng nên giữ mức phí như hiện tại. Bên cạnh đó, xét theo điều kiện thị trường, loại thuế, phí nào xem xét giảm được thì ta nên giảm để khoan thư sức dân và tạo niềm tin cho doanh nghiệp”.
Nhận định về thông tin tăng phí chung cư, ông Phú bức xúc: "Gần đây, phí chung cư tăng gấp bốn lần là một con số quá kinh khủng. Theo quy định, ban quản trị sẽ quyết định giá dịch vụ nhà chung cư. Trong trường hợp chưa lập được ban quản trị phải được sự chấp thuận của trên 50% hộ dân cư đang sinh sống tại nhà chung cư bằng văn bản. Tôi thấy, điểm này rất lấp lửng vì trên thực tế, không lấy gì để chắc chắn rằng, người dân được quyền quyết định mức phí chung cư".
Đánh giá về ảnh hưởng của việc thu phí đối với người dân, ông Phú phân tích, lương của cán bộ công chức và thu nhập của người dân ở nhiều ngành nghề chỉ được vài 3 triệu đồng/tháng. Giá tăng gấp đôi mà lương tăng được mấy chục phần trăm thì cũng không giải quyết được gì. Tất cả mọi gánh nặng về phí đều đổ vào đầu dân, nhất là người nghèo. Đối với những người giàu, thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng thì những khoản phí đó không là gì. Nhưng, đối với những người lương tháng chỉ có vài triệu thì mức thuế, phí hiện nay là một vấn đề khá lớn. "Hãy đi vào đời sống người dân để biết họ khốn khó thế nào khi phải đối diện với chuyện tăng thuế phí" - ông Phú nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương nêu rõ nguyên nhân của việc tăng phí. Theo ông Doanh, xu thế tăng phí có nhiều yếu tố. Một trong số đó là do lạm phát. Nhiều loại phí được ấn định từ trước đây, trong khi lạm phát từ những năm 2006 đến nay đã tăng rất cao cho nên giá trị thực và giá trị so sánh với đồng đô la Mỹ (USD) của các loại phí đó đã trở nên lạc hậu. Từ đó dẫn đến nhu cầu tăng phí đối với các loại dịch vụ như y tế, chung cư.
Bên cạnh đó, các phí về giao thông lại có nguồn gốc khác. Phí này mới được ấn định nên tác động của lạm phát không phải là quá lớn. Tuy nhiên, nó lại phản ánh quá trình đầu tư có quá nhiều sự lãng phí, thậm chí là sai phạm về tham nhũng như trong trường hợp PMU18. "Chính vì thế, phí này bị đẩy lên cao một cách quá đáng. Như nhiều học giả đã tính toán, chi phí xây xa lộ của chúng ta gấp đôi ở Mỹ. Các loại phí này đè nặng lên giá thành và chi phí của người dân, làm cho các sản phẩm của Việt Nam không có năng lực cạnh tranh", ông Doanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với hai vị chuyên gia kinh tế trên, nhiều người khi được hỏi đều tỏ ra bất bình với việc tăng nhiều loại thuế phí như hiện nay. Thậm chí, có chuyên gia kinh tế khi được hỏi, buồn mà thốt lên rằng, "nói mãi rồi cũng chả để làm gì, tăng vẫn việc tăng, thu vẫn việc thu". "Kinh tế khó khăn, các ngành đều khó và dân cũng khó, nên khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền chứ không nên vì lợi ích của ngành rồi đẩy hết gánh nặng cho dân" - một chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm của mình.
P.Hạnh - T.Phúc