Tình yêu sắc đào ngày Tết
Năm 1958, ông Mười Lời giã từ quê mẹ vào Lâm Đồng lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Tại đây, giữa màu xanh của ngàn thông phố núi, tình yêu đất, yêu hoa đã nảy mầm trong tâm hồn người trai tha hương. Với kiến thức ít ỏi nhưng không ngừng học hỏi, ông gửi cả vào màu đất đỏ khát khao đổi đời bằng những nghiên cứu về các giống cây trồng mới. Năm 1994, ông Mười Lời được mời ra Hà Nội dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi.
Chuyến đi này đã thay đổi cuộc đời của ông. Kể lại duyên phận với loài hoa của ngày Tết, anh Bùi Văn Sang (con trai cố nghệ nhân Mười Lời) chia sẻ: “Năm ấy, đúng dịp hoa đào nở, cha tôi vinh dự được mời về làng Nhật Tân để xem hoa. Nhìn thấy ánh hồng của đào Nhật Tân, ông nhớ đến đào Đà Lạt với bao trăn trở, bâng khuâng. Lần ấy, ông xin và mang về từ làng hoa Nhật Tân 10 mầm đào quý. Từ 10 mầm đào ấy, với những nỗ lực không mệt mỏi, ba tôi đã gầy dựng nên một thung lũng hoa đào với những giống đào quý hiếm như ngày nay”.
Tình yêu hoa đào của lão nông Mười Lời đã hơn một lần khiến người dân sống trên con đường Lê Hồng Phong (TP.Đà Lạt) phải kính phục. Người ta vẫn thấy ông lăn lộn trên đồng ruộng, thức trắng đêm, quên ăn quên ngủ bên gốc hoa, quầy trái,... Anh Sang khẳng định: “Cha tôi mê đọc Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Trong Truyện Kiều không biết bao nhiêu lần đào xuất hiện với đủ các ý tứ khác nhau. Từ mê Kiều mà cha tôi sinh ra mê đào, say sưa với việc lai ghép đào”.
“Nghe ở đâu có đào quý, xa bao nhiêu, khó bao nhiêu ông cũng tìm đến, học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, ông quên ăn, quên uống bỏ cả những tháng ngày cuối đời để nghiên cứu, cấy ghép, nuôi dưỡng, chăm sóc. Để có một cây đào quý, chuyện ông ăn ngủ ngoài vườn, bần thần như người không hồn, rồi hạnh phúc, rạng rỡ trong cái vẻ của người vừa tìm ra một miền đất mới mỗi khi thành công là chuyện người ở đây ai cũng biết”, anh cho biết thêm.
Vì thế, giữa thành phố của ngàn hoa, gia đình ông có riêng cho mình một vị trí đáng để tự hào với những gốc đào thuộc loại vô cùng quý hiếm hoặc không nơi nào có được như đào thất thốn, đào “má hồng”, đào ngũ quốc. Thậm chí, cả loại đào dường như đã đi vào quên lãng và chỉ còn nghe, biết qua những câu chuyện mang tính huyền thoại như bạch đào.
Những gốc đào hiếm
Sau nhiều năm đọ sức với thăng trầm, những gốc đào của gia đình nghệ nhân Mười Lời vẫn tồn tại trong câu chuyện như huyền thoại về đào Tết của người dân phố núi. Đó là câu chuyện thật về mối lương duyên diệu kỳ giữa đào Nhật Tân và đào lông Đà Lạt.
Kể lại công trình được nhiều người cho là huyễn hoặc, anh Sang nói: “Sau khi mang về 10 mầm đào quý giá từ Hà Nội, cha tôi cẩn trọng chăm sóc và tìm cách ghép nó vào gốc đào lông sẵn có trong thung lũng. Để hoàn tất công việc này, ông gần như thức nguyên đêm, bỏ ra hơn 3 năm chăm sóc, như chăm sóc chính đứa con mình trong những trăn trở, hồi hộp”. Năm 1997, những nụ hoa đầu tiên được ghép từ 10 mầm đào Nhật Tân trên đào Đà Lạt chớm nở. Anh Sang nhận định: “Những bông hoa được đặt tên là đào “má hồng” này có những bông hoa to với nhiều lớp cánh (khoảng 25 cánh hoa so với 5 cánh của đào Đà Lạt thuần túy). Đào má hồng giữ được trong khoảng 1 tháng so với 15 ngày của đào Đà Lạt”.
Thành công của lần ghép kỳ diệu trên thúc đẩy nghệ nhân Mười Lời vững tâm, tiến xa hơn trong lĩnh vực ghép đào. Trên cơ sở đó đào “ngũ quốc” đã ra đời trước sự kinh ngạc, khâm phục của người chơi hoa. Khẳng định về giá trị cây đào quý, hiếm trên, anh Sang cho biết: “Đây thực sự là một cây đào có giá trị và vô cùng hiếm. Cái giá trị và quý hiếm của nó nằm ở chỗ nó được chính tay tôi và ba tôi ghép từ năm giống hoa đào lên một gốc. Và cũng như một cây đào bình thường, nó vẫn sinh trưởng và cho hoa vào dịp Tết như các loài đào khác. Thiết nghĩ, ghép cả 5 giống đào khác nhau trên cùng một thân thành công là một kết quả đáng kinh ngạc và ít người có thể thực hiện được nếu không có một quá trình nghiên cứu, am hiểu sâu sắc về đào. Đó là điều mà cha tôi may mắn có được”.
Cũng tại đây, đào thất thốn, một trong những loại đào thuộc vào hàng quý hiếm cũng được cha con nghệ nhân Mười Lời khai thác thành công. Sự quý hiếm của loài đào này được anh Sang khẳng định: “Ngoài vẻ đẹp quý phái, rực rỡ, đào thất thốn có thời gian phát triển lâu dài và cách chăm sóc vô cùng khó khăn. Mỗi năm, cây này chỉ cao thêm 7cm. Do đó, loại đào trên mới có tên gọi Đào thất thốn”. Hơn thế, đào thất thốn cũng nổi tiếng về sự khó tính khi may mắn lắm thì 2 năm/lần cây mới nở hoa đúng dịp Tết.
Sau khi ra hoa, đào thất thốn lại đậu quả rất sai. Điều này khiến cây dễ suy yếu. Nếu người chơi không biết cách chăm sóc, cây sẽ chết. “Do vậy, tất cả các nghệ nhân trồng đào khi nhắc đến đào thất thốn đều khẳng định rằng đào thất thốn rất khó chăm sóc, nuôi dưỡng. Để nhân giống đào thất thốn, chỉ có thể ghép cành, ghép rễ, chứ lấy hạt trồng thì không thể lên cây. Hiện, nhân giống từ rễ, cứ 10 cây mới thành công được 1 cây. Cái quý của nó cũng nằm ở điểm này”, anh Bùi Văn Sang cho biết thêm.
Sau cùng, trên cả những gốc đào quý trên, năm 2011, anh Bùi Văn Sang một lần nữa khiến giới chơi hoa phải ngỡ ngàng, ngả mũ khi trình làng cây bạch đào, một loại đào tưởng chừng đã lùi vào huyền thoại. Được biết, cây bạch đào này vốn xuất thân từ Côn Minh (Trung Quốc) được ông Đỗ Bá Long (ngụ huyện Phú Thượng, TP.Hà Nội) mang về, ghép thành công. Ông cũng là người có số lượng bạch đào lớn nhất với tuổi đời cao nhất. Thung lũng hoa đào của nghệ nhân Mười Lời là nơi thứ ba có được cây quý này.
Trồng thành công giống anh đào đẹp nhất của Nhật Bản Gần đây nhất, Thung lũng hoa đào được TP.Đà Lạt giao cho trồng 3 cây hoa anh đào Yoshino của Nhật. Anh Bùi Văn Sang cho biết: “Năm 2015, ông Trần Thắng, Chủ tịch viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Mỹ, đã mang 6 cây hoa đào Yoshino Nhật Bản từ Mỹ về tặng TP.Đà Lạt trồng thử nghiệm. Thành phố đã giao cho Thung lũng đào Mười Lời trồng 3 cây. Đó là loài đẹp nhất trong số hơn 200 giống anh đào mà Nhật đã tặng Mỹ cách đây hơn 100 năm. Đặc biệt, những cây Yoshino trồng tại Đà Lạt cũng ra hoa đúng vào thời điểm loài hoa này đang nở bên Nhật. Để cây ra hoa như hiện nay, sau khi cây rụng lá vào mùa đông, tôi đã “bón” thêm đá lạnh vào gốc cây suốt một tuần để cây bước vào thời kỳ ngủ đông giống như bên Nhật". |