Phản ứng trước động thái đe dọa sử dụng vũ lực vào Syria từ phương Tây, tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, không muốn đối đầu trực tiếp với phương Tây về vấn đề Syria, ông tuyên bố với thế giới, đặc biệt là người dân Trung Đông rằng chính quyền của ông không chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới.
Iran sẽ trợ giúp Syria nếu Mỹ quyết tâm đánh hội đồng vào Damascus. |
Tuy nhiên, Sadeq Zibakalam một giáo sư chính trị tại Đại học Tehran trao đổi với Tân Hoa Xã rằng, Tehran nhiều khả năng sẽ bị kéo vào cuộc xung đột quân sự tại Syria nếu phương Tây tấn công quân sự vào đây. Các quan chức Iran đã từng cảnh báo phương Tây về hành động quân sự chống lại Damascus bởi cộng đồng Hồi giáo khó lòng mà sống khép kín như những khán giả vô tư.
Trong bình luận mới nhất về tình hình Syria, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cho rằng “một cuộc tấn công quân sự vào Syria sẽ là thảm họa đối với khu vực Trung Đông”. Ông cho rằng, Trung Đông giống như một “thùng thuốc súng” sẽ có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Nhận định về một cuộc tấn công quân sự vào Syria, Sadeq Zibakalam cho rằng, phương Tây đừng nghĩ rằng nếu tấn công quân sự vào Syria nó sẽ chỉ tác động giới hạn ở Syria, nó sẽ giống như một ngọn lửa không thể kiểm soát có thể nhấn chìm cả Trung Đông.
Nếu Mỹ đánh Syria có trợ giúp Damascus hay không cũng là điều tồi tệ đối với Tehran. |
Lúc đó, Iran sẽ xem xét các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông như là những mục tiêu hợp pháp. Ngoài sự tham gia gián tiếp trong cuộc khủng hoảng Syria với hành động nhắm các mục tiêu lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, Iran sẽ còn phải đối đầu trực tiếp với phương Tây trên chiến trường Syria.
Iran có thể sẽ gửi quân đội đến Syria trợ giúp cho chính quyền Tổng thống Assad. Nếu ông Assad bị lật đổ nạn nhân tiếp theo sẽ là Iran bởi phương Tây vẫn chưa từ bỏ mưu đồ của mình đối với Tehran.
Cần nhớ lại rằng, Iran-Syria đã là những đồng minh chiến lược của nhau trong quá khứ cho đến hiện tại. Tổng thống Hassan Rouhani khi nhận chức đã nhắc lại lòng trung thành của Iran trong mối quan hệ với Syria. Ông nói rằng không có gì và không có thế lực nào có thể làm thay đổi liên minh chặt chẽ giữa hai nước.
Mối quan hệ thân mật giữa Iran-Syria được thiết lập từ cách mạng Hồi giáo ở Iran vào năm 1979 và được giữ ổn định cho đến ngày nay. Syria là quốc gia duy nhất ở khối Arab cung cấp sự hỗ trợ về chính trị, nhân đạo và quân sự trong chiến tranh Iran-Iraq giai đoạn 1980-1988.
Tuy vậy, Iran cũng đứng trước những lựa chọn vô cùng khó khăn đối với vấn đề Syria. Nếu không làm gì trước việc Syria bị tấn công và chính quyền Tổng thống Assad bị lật đổ sẽ làm đổ bể hoàn toàn kế hoạch chiến lược của Iran ở phía Đông.
Syria thất thủ từ tiền đồn chống Israel sẽ biến thành bàn đạp để tiến hành các cuộc tấn công vào Iran, đó thực sự là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Iran. Nhưng nếu can thiệp vào Syria đối đầu với phương Tây sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề hạt nhân Iran.
Tổng thống Hassan Rouhani từng hy vọng sẽ làm giảm bớt những khó khăn kinh tế trong nước bằng cách làm giảm các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây đối với chương trình hạt nhân Iran. Đối với tình hình Iran hiện nay vấn đề Syria đang trở thành một cuộc khủng hoảng tồi tệ đối với Tehran.
Minh Tâm (theo Tân Hoa Xã)