1. Chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển
Năm 1997, dưới danh nghĩa là chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc, ông Tuyển đã thực hiện một dự án được xem là điên rồ nhất vào thời đó là đổ 80 tỷ đồng để lấy đất lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu, đổi lại được được khai thác 98 ha đất trên đảo.
3 năm sau, con đường được hoàn thành, 15 năm tiếp theo là khoảng thời gian ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền lớn nhất thế giới, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha.
Từ đây, người ta cũng gọi ông là "Chúa đảo", và trở thành một trong những người giàu nhất Việt Nam.
Sinh năm 1954, ông Đào Hồng Tuyển từng là chiến sĩ trong binh đoàn tàu không số thời chống Mỹ. Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, Đào Hồng Tuyển ở lại TP.HCM lập nghiệp.
Công việc của ông trong những năm đầu là dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu. Ông cho biết, nhiều lúc phải lang thang khắp Sài Gòn, ngủ trên vỉa hè, gara ô tô, công viên và trên chính ngoài thềm ngôi nhà tại TP HCM của mình bây giờ.
Căn nhà đó, sau khi thành đạt, ông đã quyết định mua lại như một lời nhắc nhở bản thân về một thưở hàn vi.
2. Đại gia U80 Trần Thị Hường
Vốn không xuất thân từ gia đình kinh doanh, bà Tư Hường từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng mình lớn lên trong hoàn cảnh gia đình thất bát, từng làm người ở, học may, bán hàng,... Sự nghiệp đến với bà từ đam mê kinh doanh bất động sản, và cũng đi lên nhờ buôn bất động sản.
Thực tế, 2 công ty mà bà Hường nắm giữ chức vụ trong HĐQT sau này đều là những doanh nghiệp trong ngành địa ốc.
Ngay từ đầu những năm 90, bà Tư Hường đã nổi tiếng với 2 thương vụ thu lời hàng chục triệu USD trong ngành kinh doanh đồ uống. Đó là thương vụ bà đầu tư 15 triệu USD để xây dựng Nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel giá 25 triệu USD.
Sau đó, bà Tư Hường bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng nhà máy nước giải khát rồi tiếp tục bán lại cho Lipovital với giá 17 triệu USD.
Năm 1993, bà Hường thành lập công ty TNHH Hoàn Cầu, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Sự kiện khiến tên tuổi bà Tư Hường được nhiều người biết đến nhất là trở thành nhà đồng tài trợ cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được tổ chức tại Việt Nam năm 2008.
Ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, bà Hường còn sở hữu lượng cổ phần lớn tại ngân hàng Nam Á. Không phải người điều hành trực tiếp mà chỉ giữ chức vụ cố vấn HĐQT của ngân hàng Nam Á nhưng bà Hường là cổ đông cá nhân lớn thứ ba tại đây với tỷ lệ nắm giữ lên tới 9,5% vốn.
3. Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn - tay buôn hàng hiệu số một
Khi còn là sinh viên ở trường đại học Seatle, Mỹ, doanh nhân hàng hiệu nổi tiếng của Việt Nam từng phải đi làm 3, 4 nghề để có thể tự nuôi sống bản thân và có tiền lên giảng đường. Khi đó, vào mùa đông, ông từng phải chấp nhận rửa xe để có tiền đóng học, làm thêm cho nhà máy cao su để trang trải sinh hoạt phí.
Phải mất đến 20 năm, từ một sinh viên, nhân viên của Boeing, ông chủ cửa hàng bán tạp hóa, đồ điện tử, đến tổng đại diện hàng không Philippines tại Đông Dương, sau đó là Việt Nam, hiện doanh nhân Việt kiều này đã trở thành Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP).
Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều nhất khi là một trong những người đầu tiên điều hàng chuỗi cửa hàng thời trang và mỹ phẩm hàng hiệu, với khu mua sắm Rex Arcade và trung tâm thương mại Tràng Tiền.
4. Ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em (có tới 8 anh chị em), giống như nhiều trẻ em khác, doanh nhân 50 tuổi này từng phải dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất. Năm 1982, Đoàn Nguyên Đức vào TP.HCM thi đại học, nhưng liên tiếp 4 năm, ông đều trượt.
22 tuổi, quyết tâm trụ lại nơi thị thành, bầu Đức đã phải làm đủ mọi nghề để trang trải cuộc sống, tiết kiệm vốn và mở một xưởng nhỏ để sản xuất bàn ghế học sinh.
Từ xưởng mộc này, sau đó ông đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác. Năm 1993, khi tròn 30 tuổi, bầu Đức thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku.
Đến năm 2006, xí nghiệp này trở thành Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá. Công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán tại vào năm 2008 với mã HAG. Bầu Đức từng là người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2008 và là người đầu tiên tại Việt Nam sở hữu máy bay riêng.
5. Nữ chủ tịch tập đoàn Khang Thông
Xuất thân trong một gia đình khá giả với 6 anh chị em nhưng cơ ngơi sớm bị mất theo chiến tranh, bà Phan Thị Phương Thảo buộc phải nghỉ học từ năm lớp 6, và một thân ở lại TP.HCM để kiếm sống khi mới bước qua tuổi 16.
Khi đó, nữ chủ tịch của tập đoàn Khang Thông đã trải qua những ngày khốn khổ khi phải làm giúp việc, làm mướn trong quán cơm, giặt đồ thuê. Có thời bà buôn chiếu, ra Vũng Tàu mở quán cơm, rồi buôn bán sắt thép phế liệu, “bỏ mối” cát, đá... Sau đó, khi đã khấm khá hơn, bà dốc vốn liếng mua một máy sang cát, lấy cát nhỏ bán cho nhà máy thủy tinh, cát lớn bán cho một số nhà máy sửa chữa tàu biển dùng để rửa tàu.
Đến năm 1995, nữ doanh nhân này đã nổi danh trong ngành kinh doanh vật liệu xây dựng với nhiều hợp đồng bán nguyên vật liệu cho một số khu công nghiệp. Hiện tại bà Thảo là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông và là chủ đầu tư dự án khu vui chơi giải trí lớn nhất Việt Nam: Happy Land...
Theo Infonet