"Chỉ cần nhắn Zalo, ngay lập tức sẽ có thuốc ship tận nhà"
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Đóng góp ý kiến, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho biết, tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận.
Vì vậy, đại biểu tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử.
"Ví dụ như chỉ cần gửi tin nhắn Zalo đến nhà thuốc, ngay lập tức sẽ có thuốc ship đến tận nhà, chúng ta cấm cũng không được mà cần quy định chặt chẽ", đại biểu Lân Hiếu nói.
Ông nêu quan điểm, các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Bởi, hiện nay thuốc xách tay, thực phẩm chức năng được bán online nhiều.
Bên cạnh đó, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử.
Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép. Đại biểu cho rằng, sau khi Luật được thông qua, Bộ Y tế có Thông tư hướng dẫn, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay và theo chiều ngược lại không quản lý được thì cấm.
Theo đại biểu, dự thảo Luật cũng cần có các điều, khoản cụ thể quy định Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.
"Những thuốc quảng cáo sai, không đúng sự thật cần công khai cho người dân biết, tra cứu trên các trang web, ứng dụng của chính đơn vị này của Bộ Y tế, có như vậy mới giảm được tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, tràn lan trên mạng xã hội", ông Hiếu nhấn mạnh.
Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Bộ Công an để xử lý các vi phạm về quảng cáo thuốc.
Nêu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát để bảo đảm chất lượng thuốc khi giao dịch theo phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử. Vì với sự phát triển của thương mại điện tử, việc có các quy định này sẽ bảo đảm việc giao dịch thuốc trực tuyến được kiểm soát nghiêm ngặt, tránh tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.
Cho ý kiến vào khoản 3, Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 6 về hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn Cần Thơ) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào quy định cấm đối với hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đúng với danh mục được Bộ Y tế cho phép.
Điều này nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc được chặt chẽ hơn. Bởi vì thuốc và nguyên liệu làm thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.
Theo đại biểu, hiện nay, hoạt động thương mại điện tử diện diễn ra phong phú, đa dạng và phức tạp. Khác với những loại hàng hóa khác, thuốc được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng nếu không được quản lý tốt thì sẽ gây hậu quả rất nặng nề và khó khắc phục.
Theo dõi được "đường đi của đơn thuốc"
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao Bộ Y tế trong việc quyết liệt, tích cực sửa đổi Luật Dược. Đi vào một số nội dung cụ thể, ông Trí cho rằng nếu có thể thì nên có quy định rõ hơn về việc chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động dược ở Việt Nam.
Đại biểu cho rằng, chuyển đổi số cần được bổ sung vào Điều 7 quy định về chính sách của Nhà nước đối với phát triển ngành Dược.
Ông Trí lấy ví dụ về việc kê đơn qua mạng thì cần làm và làm dần dần, làm quyết liệt và làm cho được.
"Bởi làm như vậy sẽ quản lý tốt hơn chất lượng kê đơn, hình thức kê đơn. Đồng thời, quan trọng là theo dõi được "đường đi của đơn thuốc", hiệu lực kê đơn và hiệu quả của đơn thuốc, kinh phí, tài chính… của đơn thuốc đó", ông Trí nêu.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, mỗi một ngày có hàng triệu đơn thuốc đang được kê, nếu kê bằng tay thì không có cách nào để quản lý được.
Về ưu đãi đầu tư, đại biểu bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, lựa chọn phương án 1, với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô đầu tư từ 1000 tỷ trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 500 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư.