Hệ lụy từ những chiêu trò của “thợ săn thầu”
Lâu nay, trong hoạt động đấu thầu, hiện tượng thông thầu, quây thầu, “quân xanh, quân đỏ” là câu chuyện khá phổ biến. Nhà thầu liên kết với nhau bằng cách thuê, mượn hồ sơ để tham gia đấu thầu, dìm giá thầu công trình, gây bất lợi cho chủ đầu tư. Người trúng thầu sau đó sẽ phải trích một khoản “hoa hồng” cho những người cho thuê, mượn hồ sơ đấu thầu. Hậu quả của hành vi gian lận này là gói thầu rơi vào tay nhà thầu không đủ năng lực sẽ bị chậm tiến độ, chất lượng kém, thậm chí bị “vỡ trận” dẫn đến phải thay thế nhà thầu giữa chừng, làm dự án bị đội giá, tốn kém công sức, tiền của.
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ĐBQH khóa 13 - cho rằng: “Quá trình đấu thầu hiện nay cần nhất tính minh bạch, khách quan để lựa chọn được người có năng lực nhất, có tiềm năng tài chính. Có như vậy mới đạt được mục tiêu sống còn của hoạt động đấu thầu. Còn nếu những nhà thầu không đạt yêu cầu vẫn trúng thầu thì chắc chắn đã có sự thông thầu, thầu ngầm, thầu chỉ định”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, thực tế trong hoạt động đấu giá, đấu thầu tại một số địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng “sân sau”, “quân xanh, quân đỏ”. Những hành vi này diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi và khó phát hiện. Các thủ tục thông thường nếu như không có hoạt động thanh tra, kiểm tra thì khó phát hiện được.
Ông Hòa chỉ ra một trong những nguyên nhân, đó là giá khởi điểm của tài sản đấu giá thường được định giá chưa sát với giá thị trường, đặc biệt là giá đất, dẫn đến tình trạng có những người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để đầu cơ, trục lợi. Thứ hai, chuẩn bị đấu giá, đấu thầu thì để rò rỉ thông tin cho doanh nghiệp “sân sau” chuẩn bị các điều kiện tham gia đấu giá, đấu thầu. Còn những đơn vị khác khi nhận được thông tin chính thức mới chuẩn bị hồ sơ thì gần như không thể chuẩn bị kịp, do đó không thể tham gia. Thậm chí, có những trường hợp chi tiền cho những người tham gia đấu giá khác để họ rút hồ sơ. Như vậy, sự cạnh tranh trong hoạt động đấu giá sẽ bị giảm đi, tài sản đấu giá bị bán rẻ, dẫn tới thiệt hại cho Nhà nước.
Dẫn lại một số vụ việc vi phạm trong hoạt động đấu giá, đấu thầu, ông Hoà cho rằng cần tiếp tục tăng cường và chú trọng chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định.
Nhìn nhận về vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) - cho biết, luật Đấu thầu đã quy định rất rõ, tất cả nhà thầu có năng lực đều được quyền tham dự đấu thầu, nhưng việc thực hiện không được như mong đợi.
“Hoạt động đấu thầu hiện nay ở các nơi hầu hết đều diễn ra hoạt động ngầm như quây thầu, thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, nhất là những gói thầu các dự án liên quan đến đất đai. Ví dụ vụ thầu của công ty TNHH Đường Dương ở Thái Bình do Đường Nhuệ bao vây không cho nhà thầu khác tham dự. Ngoài ra, rất nhiều cuộc đấu thầu tưởng rằng không có vấn đề xảy ra, nhưng khi cơ quan Công an xét lại hồ sơ, thì vụ nào cũng có vấn đề. Mặt khác, còn có hiện tượng thông qua đấu thầu, các nhà thầu hợp pháp hóa việc nâng giá thiết bị từ thấp lên cao. Cho nên, gian lận trong đấu thầu là vấn đề nhức nhối với những hệ lụy dài vô tận”, vị luật sư nêu quan điểm.
Nghiêm túc thực hiện đấu thầu qua mạng
Thực hiện chủ trương của Nhà nước về tăng cường đấu thầu qua mạng góp phần cải cách thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các tiêu cực, từ đầu năm 2020 trở lại đây, số lượng gói thầu được đấu thầu qua mạng tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng cục Quản lý đấu thầu (bộ Kế hoạch & Đầu tư) - cho biết, đấu thầu qua mạng đã trở thành công cụ hữu hiệu để loại bỏ các hành vi tiêu cực trước đây như tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, lợi ích nhóm..., mang lại lợi ích thiết thực đối với doanh nghiệp và cộng đồng. Với thông tin được công khai đầy đủ, đấu thầu qua mạng tạo ra sự bình đẳng cho các bên liên quan khi tiếp cận thông tin để tham gia đấu thầu.
Ngoài ra, đấu thầu qua mạng giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, thời gian cho tất cả các bên tham gia. Bên cạnh đó, các chủ thể liên quan dễ dàng kiểm soát thông tin và giám sát việc công khai thông tin đến từng dự án/cuộc thầu.
Giải pháp đã có, tuy nhiên không phải là không có khó khăn, rào cản. Theo ông Nguyễn Đăng Trương, hoạt động đấu thầu qua mạng thời gian qua vẫn bị ảnh hưởng bởi tình trạng một số bên mời thầu cố tình “quên”, “sót” không đăng tải hồ sơ thiết kế (nhất là đối với gói thầu xây lắp), khiến nhà thầu không có đủ dữ liệu để chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Muốn có hồ sơ thiết kế, nhà thầu phải liên hệ trực tiếp với bên mời thầu, tại khâu này trình trạng “phớt lờ” đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu diễn ra, nhà thầu dù có kiến nghị, phản ánh nhưng bên mời thầu cố tình lơ là không trả lời hoặc đợi sát thời điểm đóng thầu mới trả lời dẫn đến kiến nghị, phản ánh của nhà thầu trong quá trình phát hành hồ sơ mời thầu không được xem xét thấu đáo và xử lý đúng hạn, gây ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng của nhà thầu.
Luật sư Nghiêm Quang Vinh cũng cho rằng, đấu thầu qua mạng là giải pháp tốt, đúng phương châm không tiếp xúc để hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên, còn cần phải quy định chi tiết hơn về các giải pháp và năng lực của đơn vị tham gia thầu, minh bạch hơn về thông tin, hồ sơ tham gia đấu thầu.
Nhưng trên hết, người đứng đầu phải nghiêm túc, công bằng thì mới sát sao trong việc đấu thầu. Đây là quan điểm của PGS.TS Bùi Thị An. Theo bà An, nếu người lãnh đạo không quyết liệt thì dù đấu thầu bằng hình thức nào cũng sẽ lại xuất hiện tình trạng bắt tay nhau, lợi ích nhóm trong gói thầu đó.
Đỗ Tuấn