Lại vẫn cô em vội vã nhắn “chị ơi, mua xuyên tâm liên đi ạ, giờ em ra hiệu thuốc không mua nổi, chị ở ngoài chưa toang thì mua trước đi”!!! Ô hay, cái cô này “giỏi” nhỉ, lại còn chỉ đạo cả bác sỹ nữa cơ. Tôi vội vàng truy cập google xem tin tức, thì thấy các bài về “cháy hàng” xuyên tâm liên ở….Thái Lan.
Thở phào! Mấy hôm sau lại thấy vài nhóm bạn thì thào truyền tai nhau online cái văn bản hướng dẫn thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 ngoại trú của bộ Y tế, rồi rủ nhau mua sẵn dự trữ. Xem cụ thể thì đó là hướng dẫn của bộ Y tế điều trị ngoại trú F0, do vậy ngoài các thuốc hạ sốt, nâng cao thể trạng thì còn có các thuốc corticoid và thuốc chống đông máu. Các nhân viên y tế đều có hướng dẫn về các “gói hỗ trợ” và họ sẽ quyết định dùng cụ thể loại nào, thuốc nào cho từng bệnh nhân khác nhau tại nhà, còn tại bệnh viện thì họ có phác đồ quyết định liều dùng cho mỗi bệnh nhân.
Tại Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam nơi dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, các thuốc này nằm trong túi thuốc dân sinh và được phát cho người dân tự sử dụng. Tại các địa phương khác, dù dịch chưa bùng phát mạnh, nhưng trong nỗi sợ về bệnh tật, về sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, người dân lập tức suy diễn và tích trữ các loại thuốc này. Tương tự thế, các trang mạng xã hội lan truyền về việc mang bình đựng oxy đến hỗ trợ bệnh nhân, nhưng người bệnh hoặc người nhà không trả lại sau khi khỏi bệnh vì sợ nếu người thân bị nữa lại không có bình chứa oxy!
Trước hết nói về thuốc, nên nhớ, tất cả các loại thuốc đều có khả năng gây độc, chưa nói đến các thuốc sử dụng phức tạp và thường được các bác sỹ gọi là “con dao hai lưỡi” như corticoid và thuốc chống đông máu. Dịch bệnh bùng phát như ở Tp. Hồ Chí Minh, Chính phủ cũng đảm bảo cung cấp hàng triệu gói an sinh, trong đó có các thuốc điều trị Covid-19 như hướng dẫn của bộ Y tế. Ngay cả vậy, việc tự sử dụng các loại thuốc này cũng được khuyến cáo không quá 3 ngày nếu không có nhân viên y tế theo dõi. Khi nhiều người tích trữ cùng lúc sẽ dễ tạo các cơn sốt ảo làm thiếu thuốc điều trị nhất thời.
Hiện nay, ngoài việc tích trữ các thuốc trong hướng dẫn của bộ Y tế, nhiều người còn đặt mua các thuốc điều trị Covid-19 tại nước ngoài, mang về Việt Nam. Không rõ các thuốc đó có thật hay không, tác dụng thế nào. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng, nếu một bệnh nhân đưa thuốc điều trị Covid-19 cho tôi đề nghị tôi sử dụng, chắc tôi không dám hoặc phải trong tình thế cấp bách bệnh nhân có nguy cơ tử vong cực kỳ cao thì tôi mới dám thử liều cho bệnh nhân sử dụng.
Vấn đề thứ hai là bình chứa oxy. Ai cũng biết oxy cực kỳ quan trọng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Hiện nay, nhiều nhà máy có sẵn oxy và có thể cung cấp số lượng lớn oxy miễn phí. Các bình chứa oxy rất cần cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, loại bình có thể tích nhỏ không giúp ích nhiều nếu bệnh nhân cần hỗ trợ oxy liên tục mà việc tích trữ tại nhà có thể gây nguy hiểm. Nếu có nhiều bình nhỏ, các nhân viên y tế có thể kết nối chúng với nhau có thể tạo nên hệ thống oxy đồng bộ, đủ áp lực để thở qua gọng kính hoặc mặt nạ. Việc này giúp nhân viên y tế có thể hỗ trợ nhiều người bệnh hơn, cứu sống nhiều sinh mệnh hơn, trong đó có thể có người thân, họ hàng hoặc bạn bè của bạn.
Việc cần làm để dự phòng là thực hiện 5K, rất hiệu quả, song về tâm lý nghe mãi một việc sẽ thành “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”! Bên cạnh đó, dinh dưỡng hợp lý, cân đối, ăn vừa đủ nhu cầu, ăn nhiều rau, củ, quả bổ sung vitamin và chất khoáng, kết hợp tập thể dục nâng cao thể trạng và giữ tinh thần lạc quan. Nói đến đây, chắc nhiều người lại cười “tưởng gì, biết rồi”.
Vậy nên có những loại thuốc gì để dự phòng và ngay cả để hỗ trợ điều trị Covid-19?
Trước hết đó là vitamin C, đây là loại vitamin giúp tăng sức đề kháng, tăng miễn dịch của cơ thể, có nhiều trong các loại cam, chanh, bưởi… vitamin C dạng viên cũng có sẵn trong các nhà thuốc và rất dễ mua, không đắt tiền. Hàng ngày, có thể ăn tăng cường rau xanh, quả chín bổ sung vitamin C cho cơ thể hoặc uống bổ sung vitamin C. Trong hầu hết trường hợp, các bác sỹ kê đơn điều trị sẽ thường kèm theo loại vitamin này cho bệnh nhân nhiễm khuẩn, nhiễm virus, kể cả Covid-19.
Tiếp theo là vitamin D, vitamin D là loại vitamin vô cùng dễ bổ sung cho cơ thể, hàng ngày chỉ cần phơi nắng cho da trực tiếp tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong khoảng 15 phút. Càng nhiều vùng da để hở tiếp xúc với ánh sáng càng tốt, trong khoảng thời gian từ 7-8g sáng trở về trước. Không ra nơi đông người, chỉ cần mở cửa sổ, ra ban công hoặc lên sân thượng là đủ. Người bình thường chỉ cần làm như vậy thường xuyên là cũng cấp đủ nhu cầu vitamin D cho cơ thể. Vitamin D có tác dụng kích thích miễn dịch tự nhiên và kéo dài miễn dịch đạt được, giúp cơ thể bảo vệ khỏi viêm phổi và đường hô hấp.
Mức miễn dịch tế bào T rất quan trọng chống lại virus lại thường thấp ở những bệnh nhân Covid-19 thiếu vitamin D và có thể tăng lên bằng cách bổ sung vitamin D. Thiếu vitamin D có liên quan đến sự gia tăng các cytokine gây viêm, các huyết khối ở bệnh nhân Covid-19, đây là những yếu tố làm nặng hơn, nguy cơ tử vong tăng lên ở bệnh nhân Covid-19. Thiếu vitamin D thường xảy ra ở người thừa cân béo phì, tiểu đường, người ít tiếp xúc với ánh nắng. Do vậy, đảm bảo bổ sung đủ vitamin D không để cơ thể rơi vào tình trạng thiếu vitamin D là cần thiết trong mùa dịch COVID 19. Nếu bị bệnh Covid-19 cần uống bổ sung vitamin D để hỗ trợ miễn dịch cho cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh
Một khoáng chất cũng quan trọng là kẽm, có tác dụng bảo vệ và ổn định màng tế bào, góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào tế bào, đồng thời có khả năng kháng virus trực tiếp hoặc gián tiếp, nó ức chế sự nhân lên của virus. Bổ sung kẽm giúp tăng miễn dịch tự nhiên và dịch thể, phục hồi chức năng tế bào miễn dịch bị suy giảm hoặc cải thiện chức năng tế bào miễn dịch bình thường. Tỷ lệ thiếu kẽm ở người Việt Nam khá cao. Theo điều tra toàn quốc năm 2020 của Viện Dinh dưỡng, thì tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ là 63,5% và ở trẻ em dưới 5 tuổi là 58%. Thiếu kẽm cũng như thiếu các loại vi chất dinh dưỡng khác có nguyên nhân do chế độ ăn không cung cấp đầy đủ. Do cùng chia sẻ một chế độ ăn nên trong gia đình mọi người đều có khả năng bị thiếu kẽm. Sử dụng các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng, uống bổ sung kẽm đảm bảo cơ thể không bị thiếu kẽm có tác dụng dự phòng nhiễm virus SARC-COV-2. Uống bổ sung kẽm làm tăng miễn dịch, giảm khả năng chuyển nặng dẫn tới tử vong ở những bệnh nhân Covid-19.
Tuy vậy, trừ thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng vốn có các vitamin và chất khoáng liều rất thấp có thể tự sử dụng, còn đối với vitamin và chất khoáng ở dạng dược phẩm dùng uổng bổ sung hãy tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng
Những việc có thể làm dễ dàng:
Nhiều người biết rằng bệnh nền dễ làm cho nhiễm Covid-19 nặng thêm. Tuy nhiên, những người thừa cân và béo phì khi mắc COVID 19 có tỷ lệ chuyển nặng và dễ tử vong cao nhất. Do vậy, trong thời gian giãn cách, hãy cố gắng tìm cách tăng cường hoạt động thể lực, giảm cân ngay trong không gian gia đình.
Tập thở tích cực hãy ra ban công, lên sân thượng ở không gian thoáng, hít thở thật sâu. Giơ hai tay lên hít vào, cúi xuống thở ra, đến gần cuối thì thở hắt mạnh ra để đẩy nốt phần khí cặn trong phổi.
Súc miệng nước muối hàng ngày. Mở cửa để không khí lưu thông thông thoáng nơi ở
Cố gắng đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và cân đối trong hoàn cảnh của mình
Cuối cùng, yếu tố tinh thần vô cùng quan trọng. Niềm tin và lạc quan sẽ là chất liệu cần thiết để phục hồi nếu không may bị nhiễm bệnh vì ai cũng hiểu đến giờ này không có thuốc nào đặc trị Covid-19 cả!
Ts. Bs. Trần Khánh Vân
Bài viết của độc giả gửi cho Người Đưa Tin.
Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận những bài viết, chia sẻ của quý bạn đọc qua hộp thư điện tử: toasoan@nguoiduatin.vn