Có thể cùng một loài?
Trước những thắc mắc về cây hoa loa kèn trồng tại Đà Lạt có thể chứa chất gây thôi miên, PV đã tìm gặp ông Bùi Quang Tâm, chuyên gia sinh vật học tại khu vực Tây Nguyên để tìm lời giải cho vấn đề. Khi nghe PV trình bày, đưa hình ảnh về cây hoa loa kèn dại, ông Tâm lục tìm trong nhiều tài liệu về các loại cây hoa tại Việt Nam và trên thế giới để tìm câu trả lời.
Ông Tâm cho biết: "Tôi vừa tìm được một số thông tin về loài cây hoa mang tên Borrachero mọc phổ biến ở Colombia. Theo nhiều tài liệu thì tên Borrachero không phải là tên khoa học chính thức của loài cây này mà chỉ là tên gọi địa phương tại Colombia. Do các thông tin quá mờ mịt nên tôi chưa dám khẳng định cây Borrachero ở Colombia và cây mà người dân Đà Lạt thường gọi là hoa loa kèn có phải là một hay không. Tuy nhiên, có thể khẳng định cây Borachero ở Colombia và cây hoa loa kèn tại Đà Lạt là cùng thuộc họ Cà (Solanaceae) và cùng chi".
Được sự chỉ dẫn của ông Bùi Quang Tâm, PV tìm cuốn sách "Cây cỏ Việt Nam" của tác giả Phạm Hoàng Hộ (quyển 2, xuất bản năm 2003) có phần ghi chép về loài cây hoa loa kèn ở Đà Lạt. Theo tác giả Phạm Hoàng Hộ, cây hoa loa kèn Đà Lạt là có tên khoa học là Brugmansia suaveolens có đặc điểm là: Cây tiểu mộc, chiều cao phát triển tối đa từ 4-5m; Lá có phiến dạng như lá cây thuốc lá, to, dài 15 - 20cm, đáy bất xứng, đầu nhọn; cuống dài 2 - 3cm; Hoa thòng, to, dài đến 30cm; đài là ống suông có 5 răng, có lông; Vành hình kèn; nhụy đực gắn trên ống vành và có bao phấn dính nhau; Quả không gai; Hột dẹp, to 1cm. Loài cây hoa này có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Nghiên cứu ban đầu cho thấy, lá của cây có chứa nhiều alcaloid, in vitro, chống siêu khuẩn measles.
Cây hoa loa kèn dại ở Đà Lạt
Theo TS. Nguyễn Công Thoại, chuyên gia thực vật học trường ĐH Đà Lạt: “Trong cuốn sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" có một trang viết về cây thuốc có tên là "Cà độc dược" (đang được dư luận đặt nghi vấn là cây Borrachero ở Colombia bởi có hình dáng bên ngoài rất giống). Tuy nhiên, "Cà độc dược" là cây có hoa chĩa thẳng lên trời và quả có nhiều gai. Trong khi đó, cây hoa loa kèn tại thành phố Đà Lạt và cây Borrachero ở Colombia có hoa có màu trắng tinh khiết hoặc vàng rực rỡ, khi nở đều chúi đầu xuống đất. Như vậy, nghi vấn trên của dư luận người dân là hoàn toàn không có cơ sở".
Không dễ để chiết xuất ma dược
Th.s Lương Văn Dũng, phó trưởng khoa Sinh học, trường ĐH Đà Lạt, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ sinh học cho biết: "Về vấn đề này, có thể nói, 2 cây trên có hình thức rất giống nhau nhưng chưa thể khẳng định được hợp chất trong có tương đồng hay không. Bởi trong những môi trường sống khác nhau, chúng có thể chứa những hợp chất khác nhau dù cùng loại cây. Ngoài ra, đặc điểm khí hậu, đất đai, nguồn nước cũng làm cho hợp chất trong cây cùng một họ mọc ở 2 nơi là hoàn toàn khác nhau".
TS. Thoại cũng khẳng định: "Để xác định cây Borrochero ở Colombia và cây hoa loa kèn ở Đà Lạt có giống nhau hay không mới chỉ dừng lại ở mức độ phân loài thực vật học. Nồng độ chất gây mê trong hai loài cây này chắc chắn sẽ khác nhau do ảnh hưởng của môi trường và điều kiện tự nhiên. Trước đây, hoa anh túc cũng được xem là một chất có hại, nó không có một tác dụng nào tốt cho cuộc sống của con người. Nhưng đến nay, y học phát triển, nó được bào chế ra nhiều tác dụng khác nhau như gây tê, giảm đau... Cây hoa loa kèn cũng vậy, không nên coi nó là độc dược đáng sợ.
TS. Lê Ngọc Báu, viện trưởng viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên giải thích: Hoa loa kèn tại Đà Lạt là loài cây sinh sản vô tính. Chỉ cần bẻ cành cắm xuống đất, gặp điều kiện ẩm là cây có thể phát triển tốt, cây mọc thành bụi, mỗi bụi khoảng 3 - 4 nhánh. Chúng phát triển mạnh nhất trong điều kiện không khí lạnh. Khí hậu ở Đà lạt rất thuận lợi cho loài cây này phát triển. Loại cây trên được trồng ở khu vực Đà Lạt từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, không ai biết nó có thể bào chế ra loại "ma dược" có tác dụng thôi miên hay không.
"Một số thông tin đồn đại rằng, ở Việt Nam đã xuất hiện loại thuốc thôi miên dạng viên. Chúng từng được bọn tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội nhưng tôi chưa từng được tiếp cận. Các cơ quan công an cũng chưa công bố về loại "độc dược" này nên chưa thể khẳng định tính chính xác của nó. Người dân cũng không nên hoang mang vì những tin đồn thiếu cơ sở khoa học. Chúng tôi sẽ tiến hành xác minh thông tin về loại cây trên sớm nhất", TS. Báu nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch hội Đông y Việt Nam thừa nhận: "Tôi cũng mới lần đầu tiên nghe thông tin về loại cây "hơi thở của quỷ" này. Thực hư về tác dụng nguy hiểm có khả năng tạo ra những "giấc mơ kỳ lạ" cho con người khi hít phải cũng chưa được ai nghiên cứu. Hiện nay, chưa thể khẳng định cây Borrachero ở Colombia và cây hoa loa kèn dại ở Đà Lạt có phải là một hay không. Theo tôi, để có thể đưa ra kết luận chính xác cần nhiều cuộc nghiên cứu cả trong và ngoài nước, tránh gây hoang mang trong dư luận".
Ma dược "hơi thở của quỷ" Hãng tin Reuters cho biết, trong bộ phim tài liệu của PV Ryan Duffy (Hãng tin VICE) khiến cho cả thế giới phải sửng sốt khi tiết lộ về một loại thuốc vô cùng đáng sợ. Đây là loại "ma dược" có tên là Scopolamine được bọn tội phạm quốc tế thường dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân để thực hiện các vụ cướp. Chất Scopolamine không màu, không mùi và không vị, có khả năng tạo ra "những giấc mơ kỳ lạ" cho con người khi hít phải. Và chất này được bào chế từ cây Borrachero, một loại hoa cây dại mọc phổ biến ở Colombia. Thời gian gần đây, cơ quan cảnh sát tại Columbia thường xuyên nhận được các trình báo của nhiều phụ nữ rằng họ bị bỏ "bùa", bị điều khiển làm những việc như đưa hết tiền bạc hoặc thậm chí bị hãm hiếp. Cảnh sát Columbia vào cuộc điều tra, phát hiện đây không phải "bùa mê thuốc lú" mà chính là tác hại của loại cây Borrachero chế thành loại thuốc có tên là "Hơi thở của quỷ". |
Nhóm PV