20 năm trôi qua, cột kèo đã bị mối ăn mọt
Năm 2000, ngôi trường THCS Nghĩa Lộc 2 được xây dựng nên từ giữa một cánh rừng gần như hoang vu ở xóm Khe Sài 2, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời điểm đó, ngôi trường được xây dựng bằng những vật liệu thông thường. Mặc dù chỉ là dãy phòng cấp 4 nhưng là nơi giúp hàng nghìn, hàng vạn học sinh được học con chữ. Rất nhiều thế hệ tài năng đã được đào tạo từ các căn phòng sơ sài như vậy.
Thầy Nguyễn Quốc Việt - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trải qua quãng thời gian 20 năm đối mặt với mưa gió khắc nghiệt, nay các căn phòng đã xuống cấp trầm trọng và có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Phần mái ngói cũ mục nát đã vỡ rơi xuống lớp học trong đợt mưa lũ vừa qua. Gỗ trần nhà như rui, mè, hoành... đã bị mối mọt ăn, hư hỏng”.
Cụ thể, có 7 phòng học cấp 4 do xây dựng bằng sò tự nhiên và vôi nên bị lở rất nhiều, phần mái ngói, hệ thống đỡ ngói (xà gồ, cầu phong, li tô) đã bị mối, mọt ăn làm mục nát có thể rơi, sập bất cứ lúc nào. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của cơn bão số 5 vào cuối tháng 9/2020, dãy nhà cấp 4 gồm 6 phòng học bị tốc mái không thể sửa chữa được. Ngói vỡ rơi từ trên mái xuống nền lớp học và buộc học sinh phải di chuyển ra nơi tạm để học tập.
“Việc thầy trò học dưới ngôi nhà bị hư hỏng như vậy thì rất nguy hiểm. Vì vậy chúng tôi phải di chuyển các lớp ra phía ngoài. Thậm chí, Ban giám hiệu cũng đã yêu cầu các em học sinh không được tới gần khu nhà này để chơi. Để đảm bảo an toàn, phía trước và phía sau dãy nhà chúng tôi đều giăng dây, đặt cảnh báo khu vực nguy hiểm cấm vào”, thầy Việt nói.
Cách đây 8 năm, trường THCS Nghĩa Long và trường THCS Nghĩa Lộc 2 sáp nhập thành Trường THCS Long Lộc. Do chưa có cơ sở vật chất mới, địa bàn rộng, nên trường vẫn duy trì 2 phân hiệu để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh. Vì vậy trường được đổi tên thành trường THCS Long Lộc phân hiệu 2. Năm học 2020 – 2021, phân hiệu 2 của trường có 10 lớp với 350 học sinh. Khi dãy nhà 7 phòng học bị hư hỏng, nhà trường cũng tính đến việc gửi học sinh sang phân hiệu 1 tại xã Nghĩa Long. Tuy nhiên, cơ sở vật chất nơi đây cũng không đáp ứng đủ.
“Việc di chuyển các em đi cũng không thể thực hiện được, lý do thứ nhất là nhiều học sinh phải đi xa tới 10km, lý do thứ hai là khu vực phân hiệu 1 cũng đã quá tải rồi. Thế nhưng, với cơ sở vật chất tạm bợ như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học tới sẽ khó khả thi”, Phó Hiệu trưởng lo lắng.
Học hát cũng phải thấp giọng
Cuối tháng 9/2020, sau đợt mưa lớn kéo dài, phòng học bị đổ sập mái, các phòng còn lại ngói xô lệch, hư hỏng nghiêm trọng. Sự cố xảy ra vào đêm nên may mắn không có thiệt hại về người. Vì vậy, 4 lớp với hơn 150 học sinh không thể học được ở phòng cũ nữa nên nhà trường huy động phụ huynh giúp sức, trưng dụng và tu sửa nhà để xe đạp làm phòng học tạm cho các em lớp 7 và 8.
Tuy nhiên, qua quan sát những phòng học tạm này không có cửa, mỗi lớp ngăn cách với nhau bằng bức tường hoặc lớp tôn. Diện tích không đảm bảo, bàn ghế kê sát nhau chật chội, trang thiết bị thiếu thốn. Đặc biệt, thời tiết chuyển sang mùa đông, gió lạnh ùa vào khiến các học sinh phải co ro để nghe giảng.
Không có cửa đóng kín, học sinh khó tập trung nghe giảng vì tiếng ồn xung quanh. Nhưng các thầy cô giáo cũng không dám nói to, không thể dùng micro vì như vậy lớp học bên này sẽ nghe thấy tiếng giảng bài của mấy lớp bên cạnh. Cũng vì vậy, các tiết âm nhạc chủ yếu là học lý thuyết. Thầy giáo không dám cho cả lớp đồng ca, thay vào đó chỉ gọi 1 – 2 em đứng lên hát và không quên dặn thấp giọng kẻo ảnh hưởng đến lớp bên cạnh. Mặc dù vậy, các em bên cạnh vẫn có thể nghe rõ mồm một do chỉ ngăn cách bởi tôn.
Theo lãnh đạo nhà trường, hiện đơn vị đã làm tờ trình gửi phòng GD&ĐT và UBND huyện Nghĩa Đàn, đề nghị chính quyền địa phương khảo sát thực tế cơ sở vật chất phân hiệu 2. Qua đó, phân bổ kinh phí xây dựng phòng học mới trong thời gian sớm nhất, để học sinh có chỗ ngồi học an toàn, phụ huynh yên tâm, nhà trường cũng thực hiện tốt nghiệm vụ dạy học.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Đàn cho biết, đơn vị đã nắm thực trạng trường THCS Long Lộc phân hiệu 2 xuống cấp nghiêm trọng, phải sử dụng gara xe đạp làm phòng học. “Vừa qua, trong cuộc họp HĐND huyện Nghĩa Đàn, chúng tôi cũng đã kiến nghị, đề xuất cấp kinh phí ngân sách xây mới phòng học cho trường THCS Long Lộc. Đề xuất này đã được chính quyền địa phương ghi nhận để đưa vào kế hoạch tài chính của năm 2021. Dự kiến, sẽ xây dựng mới dãy nhà 2 tầng gồm 10 phòng học cho nhà trường”, ông Hùng nói.
Về vấn đề này, ông Võ Tiến Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cũng xác nhận: “Trường được xây dựng cách đây 20 năm vì vậy nhiều phòng đã xuống cấp và hư hỏng nặng. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường đã phối hợp làm các phòng học tạm để học sinh và giáo viên có chỗ học tập, nhưng đó chỉ là biện pháp trước mắt. Hiện, huyện đã khảo sát và đưa vào lộ trình xây mới trong giai đoạn từ năm 2020 – 2025”.