20 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đã tập trung tại Hamburg, Đức cuối tuần này để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G20 trong hai ngày 7-8/7.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay có thể đánh dấu thời điểm thoái vị chính thức của Mỹ đối với vai trò đầu tàu trong nhiều năm qua.
Nhiệm vụ lãnh đạo sẽ không còn giao cho một người kế nhiệm duy nhất, mà thay vào đó là sự chia đều quyền lực và tiếng nói cho “tứ tấu” ông Donald Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Angela Merkel, theo The Guardian.
Thế nhưng, cuộc gặp gỡ của hai người đứng đầu Nga-Mỹ có thể không phải là sự kiện thu hút nhất ở Hamburg. Sau khi Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của nước này hôm 4/7, cuộc thảo luận về tình hình Đông Bắc Á sẽ là chủ đề nóng hổi trong cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Niềm tin vào việc Trung Quốc sẽ hành động cứng rắn với Bình Nhưỡng đã hoàn toàn tiêu tán. Tổng thống Trump có thể sẽ bộc lộ rõ sự thất vọng của mình, khi Bắc Kinh lảng tránh việc quyết liệt gây áp lực lên quốc gia láng giềng Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình sẽ không phải là nhân vật tham dự G20 năm nay với tâm thế của một người đứng ngoài cuộc. Ông đã thể hiện mình là một đồng minh lớn với bà Merkel khi nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh đồng ý với quan điểm của Berlin về thương mại tự do và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, đối tác quyền lực mới nhất ông Tập vừa giao hảo là Tổng thống Putin sẽ khiến Mỹ phải kiêng nể trong những đòi hỏi dồn dập với Bắc Kinh về vấn đề kiềm chế Triều Tiên. Chia sẻ những mối quan tâm chung về lợi ích chiến lược trong khu vực với Moscow, nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng ông sẽ không lép vế trước bất kỳ yêu cầu khó chiều nào đến từ Tổng thống Donald Trump.
Đọc thêm>>> Rò rỉ thông tin sốc: Mỹ sẽ để Nga quyết định số phận lãnh đạo Syria?
Quốc Vinh