Vừa qua, tại buổi gặp gỡ báo chí, đại diện Mumuso Việt Nam khẳng định công ty mẹ có đầy đủ giấy tờ chứng minh thương hiệu Mumuso Hàn Quốc. Sau đó, Mumuso Hàn Quốc đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ cho Mumuso Thượng Hải tại Trung Quốc để sản xuất.
Từ đó, công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam mới tiến hành nhập khẩu và phân phối các sản phẩm của thương hiệu Mumuso tại thị trường Việt Nam.
Ông Nhâm Phi Khanh, Giám đốc Mumuso Việt Nam cho biết thương hiệu Mumuso đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu do cục Sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc cấp từ năm 2014 và có giấy phép đăng ký kinh doanh được thành lập ở Hàn Quốc. Điều này khẳng định Mumuso hợp pháp tại đất nước này.
Ông Khanh lý giải việc thương hiệu Mumuso không bán hàng ở Hàn Quốc là do sức cạnh tranh tại thị trường này rất cao nên trong giai đoạn đầu xây dựng thương hiệu, Mumuso muốn tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại các quốc gia đang phát triển. "Điều này lý giải việc người tiêu dùng Hàn Quốc không hề biết đến Mumuso”, ông Khanh cho hay.
Chính vì hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa của Mumuso diễn ra hoàn toàn tại ngoài lãnh thổ Hàn Quốc nên giới truyền thông đã nghi ngờ thương hiệu này cố tình đánh tráo khái niệm, khiến người tiêu dùng ngộ nhận rằng sản phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc.
Đại diện pháp lý của Mumuso Việt Nam cho biết công ty hoàn toàn tuân thủ các quy định dán nhãn trên sản phẩm bằng tiếng Việt, trong đó ghi rõ xuất xứ hàng hóa là Trung Quốc.
Cũng theo tài liệu mà PV có được, các sản phẩm của Mumuso Việt Nam nhập khẩu thông qua các chứng từ, giấy kiểm định chất lượng sản phẩm đều từ nhà sản xuất tại Trung Quốc.
“Chúng tôi không hề che giấu xuất xứ hàng hóa mà vẫn khẳng định Mumuso là thương hiệu Hàn Quốc, được sản xuất tại Trung Quốc. Mà điều này thì hoàn toàn hợp pháp, tương tự như nhiều thương hiệu lớn của thế giới đang gia công, sản xuất tại Trung Quốc để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh”, đại diện Mumuso Việt Nam trình bày.
Đồng thời, phía công ty cũng khẳng định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của Mumuso tuân thủ đúng hợp tác công nghệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Sau khi hoàn thành sản xuất, hàng hóa được cơ quan chức năng tại Trung Quốc cùng Mumuso Thượng Hải đảm bảo chất lượng.
“Khi hàng hóa được nhập về Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam như Quản lý thị trường, Hải quan, bộ Y tế,… đã kiểm tra và cấp phép lưu hành”, đại diện Mumuso Việt Nam nói thêm.
Tuy nhiên, khi PV hỏi về công nghệ Hàn Quốc là gì, nguyên vật liệu sản xuất cũng như nhà máy, phòng nghiên cứu sản phẩm như thế nào, quá trình giám sát từ phía Hàn Quốc ra sao,... thì đại diện công ty Mumuso Việt Nam chưa đưa ra câu trả lời vì “đó là bí mật thông tin của doanh nghiệp”. Đại diện công ty hứa sẽ trao đổi với công ty mẹ tại Hàn Quốc đề giải đáp đến giới truyền thông Việt Nam bằng văn bản sau.
Mumuso là chuỗi cửa hàng bán lẻ có thương hiệu Hàn Quốc với những sản phẩm chuyên dụng về làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, phụ kiện thời trang, văn phòng, đồ gia dụng… Có mặt ở Việt Nam được hơn 1 năm nhưng đã có 27 cửa hàng và khoảng 200.000 khách hàng thành viên.
Sự việc ồn ào bắt nguồn khi một số đài truyền hình của Hàn Quốc phát sóng phóng sự, trong đó đặt nghi vấn Mumuso là thương hiệu bán hàng mạo danh Hàn Quốc và liệt kê những điểm bất thường từ phương thức vận hành đến sản phẩm được bày bán tại chuỗi cửa hàng này.
Cụ thể, Mumuso không có hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc, không có bất kỳ cửa hàng bán lẻ nào tại nước này. Thương hiệu Hàn nhưng lại sản xuất tại Trung Quốc khi trên các sản phẩm của thương hiệu này đều giới thiệu "Mumuso – Korea” khiến khách hàng lầm tưởng đây là sản phẩm của Hàn Quốc.
Trong diễn biến khác, phòng Chống hàng giả thuộc cục Quản lý thị trường đã nhận được văn bản của hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm kiến nghị kiểm tra hoạt động của Mumuso Việt Nam. Sau khi tiếp nhận văn bản, cục Quản lý thị trường vẫn đang kiểm tra hồ sơ, giấy tờ pháp lý của thương hiệu này.
Trước câu chuyện một số thương hiệu nước ngoài nhưng bán hàng Trung Quốc lừa dối người tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng thư ký và Phó chủ tịch của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Trên thực tế, một số chuỗi cửa hàng có thể phân phối hàng hóa của các nước khác nhau chứ không bắt buộc một loại hàng hóa của một quốc gia cụ thể nào, miễn các mặt hàng này có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Tại những chuỗi cửa hàng, người bán thường xen kẽ các loại hàng hóa có nguồn gốc khác nhau. Người tiêu dùng cần đọc kỹ hướng dẫn, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm này trước khi mua”.