Thương hiệu ngoại đổ bộ, thời trang Việt nguy cơ thua trên sân nhà

Thương hiệu ngoại đổ bộ, thời trang Việt nguy cơ thua trên sân nhà

Trương Thị Thanh Hương

Trương Thị Thanh Hương

Thứ 3, 24/10/2017 05:00

Người tiêu dùng không khỏi băn khoăn doanh nghiệp thời trang Việt ở đâu khi các thương hiệu nước ngoài đang đổ bộ, ngày càng chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Cám cảnh "xem thôi chứ không mua"

Toạ lạc tại một vị trí đắc địa trong trung tâm thương mại lớn, các nhân viên của cửa hàng thời trang Blue Exchange vẫn ngồi "ngáp dài" nhìn nhau. Một nhân viên cửa hàng cho biết, lượng khách không phải ít nhưng phần lớn là vào xem. Tình trạng này cũng phổ biến với các cửa hàng thời trang khác bên cạnh. "Người mua hàng, đặc biệt là giới trẻ bây giờ chỉ thích quần áo hàng hiệu. Nhớ đến thời oanh liệt, nườm nượp người thanh toán, nhân viên bận rộn cả ngày mà buồn chị ạ!", một nhân viên nói.    

Trên con phố được coi là phố thời trang - chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội), chủ một cửa hàng quần áo chia sẻ lượng khách đến xem hàng nhìn chung rất khá, tuy nhiên phần lớn hàng ở đây không phải của các hãng thời trang trong nước. Người này cho biết: "Mình thường đi Quảng Châu, Trung Quốc đánh hàng. Các sản phẩm này hợp mốt, giá cả lại phù hợp với người trẻ - đối tượng chủ yếu ở đây. Bây giờ qua cái thời "ăn chắc mặc bền" rồi. Kiểu dáng bắt mắt, giá cả phải chăng là hàng cứ chạy ào ào thôi". 

Nhiều năm trước, người tiêu dùng chứng kiến sự thống lĩnh thị trường của các thương hiệu thời trang nội địa như Việt Tiến của công ty cổ phần May Việt Tiến, Foci của công ty Thời trang Nguyên Tâm, Blue Exchange của công ty Thời trang Xanh Cơ Bản, PT2000 của công ty TNHH may Phạm Tường 2000 hay Ninomaxx của công ty Thời trang Việt...

Tuy nhiên, cùng với sự chuyển dịch kinh tế, thói quen tiêu dùng của người Việt cũng thay đổi. Thay vì tâm lý "ăn no mặc ấm" như trước kia, người tiêu dùng nói chung và giới trẻ nói riêng với xu hướng "ăn ngon mặc đẹp", ngày càng "chịu chi" cho các món đồ thời trang. Đó cũng là nguyên do lý giải vì sao thời trang thương hiệu Việt đang ngày càng đìu hiu.

Chị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Trước đây, mình thường mua quần áo của các hãng thời trang trong nước như Foci, Ninomaxx vì chất lượng khá mà giá cả cũng vừa tầm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mình hay đặt qua mạng mua đồ của các thương hiệu tầm trung từ nước ngoài. Loại hàng này kiểu dáng thời thượng, giá cả không cao hơn hàng thiết kế trong nước là mấy mà lại được tiếng mặc đồ hiệu!".

Theo nhiều nhà phân tích, Việt Nam luôn được đánh giá cao về sức tiêu thụ hàng ngoại nhập, bất kể nền kinh tế đang ở trạng thái cộng hay trừ. Diễn biến trên thị trường thời trang cũng dễ hiểu khi ngày càng xuất hiện nhiều các thương hiệu quốc tế tham gia thị trường nội địa.

Thương hiệu quốc tế đổ bộ hàng loạt

Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ đang chờ đợi sự kiện 2 thương hiệu thời trang đình đám Zara và H&M sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 11 tới. Đây chỉ là 2 trong số nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài đang ngày càng mở rộng quy mô tại thị trường Việt Nam.

Còn nhớ cửa hàng đầu tiên của Zara được mở tại TP. HCM vào năm ngoái đã tạo nên cơn sốt khi hàng trăm người háo hức xếp hàng chờ mở cửa, đi ra với gương mặt rạng rỡ cùng hoá đơn dài như tờ sớ trên tay - điều chưa từng xảy ra với các cửa hàng thời trang trong nước. Chưa hết, con số hơn 5,5 tỷ đồng doanh thu chỉ trong ngày đầu mở cửa đã phá kỷ lục doanh thu trên cả 2.000 điểm bán toàn cầu tại 88 quốc gia của thương hiệu này hẳn khiến nhiều doanh nghiệp nội phải giật mình.

Tiêu dùng & Dư luận - Thương hiệu ngoại đổ bộ, thời trang Việt nguy cơ thua trên sân nhà

Cảnh tượng khách xếp hàng dài chờ thanh toán trong ngày đầu Zara mở chi nhánh tại Việt Nam.

Có lẽ, cung nhỏ giọt từ các nguồn hàng xách tay chưa đáp ứng nổi cầu nên sự xuất hiện chi nhánh của các thương hiệu ngoại tại Việt Nam như một cơn mưa thoả mãn cơn khát hàng ngoại nhập giá bình dân của người tiêu dùng nói chung và giới trẻ nói riêng. Theo một con số thống kê, cho tới nay đã có khoảng 200 thương hiệu thời trang  nước ngoài xuất hiện tại thị trường Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường với đủ các phân khúc từ cao cấp đến tầm trung, bình dân. Tại các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Lotte, Icon68 (tại toà tháp Bitexco), độ phủ sóng của các nhãn hiệu thời trang ngoại ngày càng dày đặc.

Các thương hiệu này tham gia thị trường Việt thông qua nhiều hình thức từ việc mở chi nhánh như Zara, H&M hay thông qua các nhà phân phối như công ty Cổ phần Maison đã đưa 21 nhãn hàng Christian Louboutin, Karen Millen, Max&Co, Max Mara... đến Việt Nam.

Vì đâu nên nỗi?

Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thời trang Việt hẳn sẽ thêm một tiếng thở dài khi con đường phía trước ngày càng khó khăn. Cám cảnh là khi các thương hiệu ngoại đang ngày càng chú ý đến thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam thì chúng ta lại hầu như chỉ đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo thông tin từ bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 14,58 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc đạt 11,84 tỷ USD, tăng 9,1%, cao hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm 2016. Nếu so sánh với những nước xuất khẩu dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam đã đạt được kết quả vượt trội. Những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong top đầu các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL về những vấn đề trên, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, sự xuất hiện của các thương hiệu nước ngoài tham gia vào thị trường may mặc trong nước là điều đáng mừng, tuy nhiên cũng ẩn chứa nhiều câu chuyện cần suy nghĩ. Thời gian qua, các doanh nghiệp may mặc trong nước vẫn quá chú trọng vào việc xuất khẩu mà quên mất thị trường nội địa đầy tiềm năng. Bản thân việc xuất khẩu của các doanh nghiệp lại phần lớn là gia công.

"Đây là nghịch cảnh đã xảy ra được nhiều năm, tuy nhiên các doanh nghiệp may mặc nội địa vẫn chưa có bước chuyển mình rõ rệt. Mỗi năm chúng ta xuất hàng chục tỷ USD hàng may mặc ra nước ngoài, nhưng đa phần là dưới thương hiệu của các quốc gia khác. Đây là điều đáng lo trong bối cảnh ngành may mặc đã hội nhập tương đối sâu.

“Nếu các doanh nghiệp may mặc Việt không khẳng định được thương hiệu riêng, chủ động được các thiết kế riêng, cứ mãi tiếp tục con đường từ trước đến nay thì chúng ta sẽ mãi chỉ là những người đi gia công cho các nước khác. Thực tế đang diễn ra tình trạng giá trị tăng thêm thì ít, phụ thuộc vào các khách hàng quốc tế thì nhiều”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Băn khoăn lớn nhất cho ngành thời trang Việt lúc này là làm sao để tồn tại và giành thế cân bằng trong cuộc đổ bộ của thời trang ngoại. Đây là chuyện không dễ, nhất là khi hoạt động phát triển công nghiệp thời trang của Việt Nam vẫn khá chậm, còn việc định vị thương hiệu chưa thật sự rõ ràng. 

Điều đáng tiếc với dệt may Việt Nam

Theo hiệp hội Dệt may Việt Nam, thị trường tiêu thụ nội địa có rất nhiều tiềm năng với hơn 90 triệu dân và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 15 - 20%/năm, nhưng phần lớn doanh nghiệp trong nước chỉ chú trọng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp được xem là có chỗ đứng trên thị trường nội địa như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10… cũng chỉ tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở trung bình dành cho nam giới. Điều đáng tiếc, ngành dệt may của Việt Nam luôn dẫn đầu thế giới, tuy nhiên, hầu hết sản phẩm xuất khẩu lại là hàng gia công.

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.