Brand Finance, một đơn vị tư vấn định giá thương hiệu và chiến lược kinh doanh độc lập hàng đầu thế giới, đã định giá thương hiệu Vietnam Airlines của tổng công ty Hàng không Việt Nam đạt 310 triệu USD.
So với đánh giá của đơn vị này vào năm 1996, thương hiệu Vietnam Airlines trị giá 196 triệu USD thì sau 2 năm, giá trị thương hiệu này đã gia tăng trên 60% .
Trong bảng xếp hạng 50 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam năm 2017 do đơn vị này công bố thì Vietnam Airlines đứng thứ 9, xếp sau Viettel, Vinamilk, Vinhomes, Sabeco, Petrolimex, VNPT, Mobifone, Vinaphone.
Việc giá trị thương hiệu Vietnam Airlines tăng 60% sau 2 năm là một tín hiệu tốt đối với bộ Giao thông Vận tải, bởi vì ngày 22/5 tới đây Bộ sẽ tổ chức đấu giá quyền mua đối với hơn 371 triệu quyền mua cổ phiếu Vietnam Airlines đối với khoảng 15.000 cổ phiếu phát hành thêm của hãng hàng không này.
Tại Đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines diễn ra sáng ngày 10/5, hãng này đã công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2017 đạt trên 3.100 tỷ đồng, vượt 92,6% kế hoạch, trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt trên 1.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 52%.
Năm 2017, Vietnam Airlines thực hiện chi trả cổ tức cho các cổ đông với mức 8%, cao hơn 2% so với năm 2016.
Năm 2018, hãng dự kiến đạt tổng sản lượng vận chuyển khách là hơn 24,3 triệu lượt, doanh thu hợp nhất là hơn 97.000 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt gần 73.500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tổng công ty đạt hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt hơn 1.950 tỷ đồng.
Các cổ đông cũng thông qua chủ trương chuyển sàn giao dịch cổ phiếu của Vietnam Airlines sang niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2018 thay vì sàn HNX như hiện nay.
Quý I/2018, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietnam Airlines đạt trên 1.136 tỷ đồng, tăng 52,38% so với quý I/2017, trong đó riêng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 771 tỷ đồng, tăng 26,74% so cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện hãng này lý giải nguyên nhân là do trong kỳ, doanh thu cung cấp dịch vụ cho khách nội địa tăng hơn 9%, khách quốc tế hơn 13%, đặc biệt doanh thu dịch vụ cho thuê chuyến tăng tới gần 40%. Ngoài ra doanh thu của các công ty con như NASCO, TCS, JPA... cũng tăng mạnh, kéo theo doanh thu và lợi nhuận hợp nhất tăng.