Suy thoái kinh tế tiếp diễn và các biện pháp của chính quyền nhằm hạn chế tình trạng phô trương giàu có tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới.
Công bố của hãng LVMH của Pháp cho thấy, doanh số bán hàng tại châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) đã sụt giảm tới 14% trong quý II/2024, tồi tệ hơn nhiều mức giảm 6% trong quý đầu năm.
Đây không phải là trường hợp duy nhất, vì nhiều đối thủ cạnh tranh của họ cũng đang chứng kiến doanh số bán hàng chậm lại tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Điều này diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ, đắt tiền và cơ quan kiểm duyệt của chính phủ đẩy mạnh việc khóa hàng loạt tài khoản của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội có thói quen khoe khoang trực tuyến về các đồ dùng xa xỉ của mình.
Cổ phiếu của LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, vốn sở hữu tới 75 thương hiệu cao cấp như Louis Vuitton, Dior và Tiffany & Co, đã giảm gần 20% trong năm qua.
LVMH không phải là tên tuổi lớn duy nhất có doanh số bán hàng xa xỉ tại Trung Quốc chững lại một cách rõ rệt.
Trong số liệu tài chính mới nhất, nhãn hiệu thời trang cao cấp của Anh Burberry cho hay doanh số bán hàng tại Trung Quốc đại lục đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Swatch Group - hãng sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ, sở hữu các thương hiệu Blancpain, Longines và Omega - đánh giá nhu cầu yếu ở Trung Quốc khiến doanh số bán hàng của hãng trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong nửa đầu năm 2024, Richemont, công ty sở hữu thương hiệu Cartier, cũng chứng kiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao (Trung Quốc) giảm tới 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gã khổng lồ thời trang Đức, Hugo Boss, đã buộc phải hạ dự báo doanh số bán hàng trong năm nay vì lo ngại nhu cầu tiêu dùng suy yếu ở các thị trường như Trung Quốc và Anh.
Dữ liệu gần đây từ Chính phủ Trung Quốc cho thấy mức tăng trưởng quý II/2024 và số liệu bán lẻ tháng 6/2024 đều thấp hơn kỳ vọng. Trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau sự suy thoái, việc phô trương, quảng bá trực tuyến cho các thương hiệu xa xỉ bị chính quyền Trung Quốc tăng cường giám sát.
Vào tháng 5/2024, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa tin rằng một tài khoản nổi tiếng trên mạng có tên Wanghongquanxing đã bị cấm sử dụng mạng xã hội do “liên quan đến việc phô trương trực tuyến về sự giàu có". Tài khoản Douyin của người này có hơn 4 triệu người theo dõi.
Một số cá nhân khác cũng tuyên bố tài khoản của họ bị khóa trong phạm vi một “chiến dịch giám sát Internet nhằm mục đích cấm nội dung thô tục và cố tình phô trương”.
Theo báo cáo của Reuters, 10 doanh nghiệp hàng xa xỉ hàng đầu của châu Âu đã mất 250 tỷ USD giá trị thị trường kể từ tháng Ba.
Tập đoàn Richemont - chủ sở hữu hãng trang sức Cartier và thương hiệu xe sang Porsche - cũng gặp phải tình trạng tương tự với LVMH, hay thậm chí là còn tồi tệ hơn.
Richemont chứng kiến doanh số bán hàng lao dốc 27% tại Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao trong quý 2/2024 so với một năm trước, viện dẫn lý do nhu cầu tiêu dùng thấp và tâm lý thận trọng của các khách hàng Trung Quốc. Đại diện từ Porsche cũng đưa ra công bố tương tự.
Một "đối thủ" xe sang khác, Mercedes-Benz, cũng tiết lộ mức giảm doanh số 4% ở bộ phận xe hơi của mình trong quý 2. "Thị trường Trung Quốc đang thu hẹp một chút; đặc biệt là ở phân khúc cao cấp", công ty cho biết.
Trong khi đó, Kering - chủ sở hữu thương hiệu Gucci - thừa nhận rằng có sự giảm tốc đáng kể trong doanh thu ở Trung Quốc vào 6 tháng đầu năm 2024 và xu hướng cũng không được cải thiện nhiều ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, ngoại lệ duy nhất được nhìn thấy là Hermes. Tập đoàn đã báo cáo tăng trưởng doanh số ở tất cả các quốc gia trong khu vực châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, trong nửa đầu năm 2024.
Nhìn chung, các báo cáo kết quả kinh doanh mới được công bố phản ánh tình hình thay đổi đáng chú ý trong chi tiêu của người Trung Quốc - vốn là tập khách hàng quan trọng của ngành công nghiệp xa xỉ trong nhiều thập kỷ qua.
Có vẻ như nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc cuối cùng cũng tác động đến cả những người tiêu dùng giàu có nhất. Quốc gia tỷ dân đang đối mặt với một loạt thách thức nặng nề, từ chi tiêu tiêu dùng trì trệ và sự suy thoái bất động sản kéo dài đến khủng hoảng nợ ngày càng tăng ở các chính quyền địa phương.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4,7% trong quý hai, theo dữ liệu chính thức được công bố tuần trước, không đạt kỳ vọng của các nhà kinh tế và đánh dấu mức tăng trưởng yếu nhất kể từ quý 1/2023.
Mặc dù thực trạng kinh tế có thể không ảnh hưởng đến tất cả người tiêu dùng như nhau, nhưng rõ ràng là đang kiềm chế thói quen mua sắm hàng xa xỉ. Diễn biến này từng được Bain & Company nhắc đến với thuật ngữ "sự xấu hổ xa xỉ" - miêu tả cảm giác không thoải mái, ngại ngùng khi chi tiêu nhiều tiền vào hàng hóa cao cấp và thể hiện sự giàu có trong khi người khác đang gặp khó khăn về tài chính - tương tự như những gì đã xảy ra ở Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu.
KHÁNH LINH (t/h)