Xung quanh việc khen thưởng cho ba cá nhân dũng cảm, đứng lên đấu tranh chống tiêu cực ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức có nhiều ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.
Không được để tiêu cực dạng này tiếp diễn
Thưa ông, sự việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm bệnh viện đa khoa Hoài Đức khiến cho dư luận xã hội vô cùng bức xúc. Và, mới đây sở Y tế Hà Nội đã có giấy khen và tặng quà đối với ba cá nhân có hành động dũng cảm, tố cáo những sai phạm "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại bệnh viện này. Theo ông việc làm như vậy đã kịp thời và hợp lý chưa?
Tôi cho rằng sai phạm ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức là một khối u to, bị bục ra của ngành y tế cũng như nhiều lĩnh vực khác. Sự kiện này thực sự gây cho dư luận những cảm xúc rất lớn về bệnh vô tâm của những người vốn được mệnh danh là "từ mẫu". Những bác sỹ này hoàn toàn có thể hiểu hành vi của họ có thể gây chết người. Bởi, nhiều người dùng chung một kết quả xét nghiệm nên có thể sẽ bị kê nhầm thuốc gây ra những hậu quả rất khó lường trước được.
Ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Việc khen thưởng đối với những cá nhân phát hiện ra sai phạm của lãnh đạo sở Y tế Hà Nội là một việc làm kịp thời, mang tính động viên đối với họ. Tuy nhiên dưới góc độ quản lý, tôi cho rằng, sự việc này cần phải được xử lý trong phạm vi toàn ngành. Tức là sau sự việc này bộ Y tế cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra tất cả các đơn vị trực thuộc để chắc chắn không để tình trạng này tái diễn một lần nữa. Thực sự đến nay, Bộ vẫn chưa làm được vấn đề này. Vì thế việc khen thưởng chỉ là bề nổi của vấn đề, điều quan trọng là hành động của bộ Y tế sau vấn đề này ra sao mới là điều quan trọng.
Số tiền mà mỗi cá nhân đấu tranh chống tham nhũng được thưởng là 320.000 đồng. Ông có cho rằng số tiền này là quá ít so với những gì họ đã làm được?
Tôi cho rằng hành động của những cá nhân phát hiện ra sai phạm ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức là hành động đấu tranh chống tội phạm, chống tham nhũng. Đối với những ngành khác như giao thông, chống buôn lậu... thì những người phát hiện ra sai phạm sẽ được hưởng phần trăm (tôi nhớ không nhầm là 20%) trên tổng số tiền sai phạm (nếu quy được ra tiền). Điều quan trọng là phải "thưởng nóng" nhằm động viên kịp thời những người này. Đây là việc mà ngành công an vẫn thường xuyên làm mỗi khi phá được chuyên án quan trọng.
Như vậy số tiền 320.000 đồng này là không hợp lý, bởi đây không phải là hành động khen thưởng bình thường. Xét theo luật Thi đua khen thưởng thì đã được ghi rất cụ thể rồi. Thế nhưng sự việc ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức có hai vấn đề. Thứ nhất, đây là cuộc đấu tranh chống tội phạm chứ không giống như khen thưởng cuối năm. Thứ hai, đây là cuộc đấu tranh chống tham nhũng nên tính chất của nó hoàn toàn khác. Tôi cho rằng cần phải sửa luật, phải vận dụng quy định của một số ngành như tôi nêu trên để áp dụng vào trường hợp này. Chính vì thế, việc khen thưởng này là sự vận dụng một cách máy móc, không biết làm để động viên người ta tham gia chống tiêu cực của sở Y tế Hà Nội.
Chưa khuyến khích được việc tố giác tiêu cực?
Ở nước ngoài, họ có những chính sách rất cụ thể nhằm khuyến khích người dân tham gia chống tiêu cực. Vậy ở nước ta có nên học theo mô hình của họ?
Đây là điều chúng ta cần học tập và nhất thiết phải làm được như vậy. Thực ra, việc trích phần trăm trên tổng số tiền thiệt hại mà họ phát hiện ra đã được người ta áp dụng từ lâu. Tôi lấy ví du,å bên nước Úc, khi một cảnh sát phát hiện ra được ai đưa hối lộ thì họ sẽ được lĩnh lương gấp hai lần. Thậm chí số tiền đưa hối lộ chỉ vài trăm đô la thôi nhưng hành vi phát hiện sai phạm sẽ được nhân đôi lương (lương cảnh sát khoảng 2.000 đô la). Có như vậy mới khuyến khích người dân tham gia mạnh hơn nữa vào công cuộc chống tiêu cực.
Có ý kiến cho rằng, nhiều khi người tố cáo sai phạm luôn là những người chịu thiệt thòi. Từ những vụ việc trước đây đến vụ ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đây là thực tế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận bởi người tố cáo tội phạm cuối cùng đều phải nhận những thiệt thòi ở nhiều khía cạnh như công việc, đời sống... Tôi cho rằng, do cơ chế khiến cho tình trạng này diễn ra như vậy. Hiện nay, chúng ta có những chính sách không khuyến khích được việc tố giác tiêu cực. Chẳng hạn như việc quy trách nhiệm cho các lãnh đạo ở một số lĩnh vực cụ thể. Ý tưởng này mới nghe rất hay nhưng thực tế lại không như vậy. Nó chỉ làm cho những lãnh đạo đó che giấu sai phạm của cấp dưới mà thôi.
Từ trước tới nay, bản thân những người đấu tranh chống tiêu cực phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm. Trong khi chính sách đối với họ lại rất "khiêm tốn", như vậy sẽ không khuyến khích mọi người tham gia chống tiêu cực. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Điều này xuất phát từ cách làm của mình, do phương pháp làm máy móc, làm cho có lệ chứ không thực sự xuất phát từ tinh thần chống tiêu cực. Cơ chế của chúng ta là chống tiêu cực rất quyết liệt nhưng cách làm lại không thể hiện được điều đó.
Chuyện đến tặng bằng khen và một chút tiền thể hiện tính trách nhiệm của người đứng đầu không cao. Người ta phủi tay và không hành động gì cả trong khi chính họ phải chịu trách nhiệm. Ở nước ngoài, những vụ sai phạm lớn mà bị phát hiện thì lãnh đạo ngành phải từ chức để chịu trách nhiệm. Nhưng ở Việt Nam thì không có điều đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, công cuộc chống tiêu cực của ta vẫn còn rất gian nan nếu cứ hành động như kiểu này. Vụ bệnh viện đa khoa Hoài Đức là một ví dụ cụ thể cho những điều tôi nói ở trên.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Thiệu - Thành Huế (thực hiện)