Gần đây, người dân các tỉnh Tây Nguyên thi nhau săn lùng loại dịch hại là bọ 3 sọc (còn gọi là sâu ban miêu hay sâu đậu) để bán cho thương lái Trung Quốc với mức giá “trên trời” lên tới 1-2 triệu đồng/kg.
Trao đổi với Zing.vn xung quanh câu chuyện bất thường này, ông Nguyễn Quý Dương - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Việc thương lái Trung Quốc thu mua loài sâu ban miêu là buôn bán, kinh doanh mang tính chất tiểu ngạch, thu mua gom theo kiểu vài cân một. Thực chất phía Trung Quốc thu mua về làm thuốc hay mục đích nào đó khó nắm rõ.
Trước đây, trường hợp thương lái Trung Quốc thu mua các mặt hàng như giun đất, đỉa hay đuôi trâu… cũng tương tự vậy.
Ông Dương phân tích, sâu ban miêu là loài dịch hại phát triển ngoài đồng ruộng, không có ích với cây trồng nên việc người dân đổ xô bắt bán cho thương lái Trung Quốc không gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
“Thông thường, chúng ta sẽ quản lý các loài sâu bọ được nhập từ nước ngoài về Việt Nam. Còn với trường hợp sâu ban miêu được mua bán đem qua biên giới thì không có vấn đề gì”, ông Dương nói.
Ông Dương nhấn mạnh: “Sâu ban miêu là loài dịch hại nên nhân nuôi loài này là vi phạm quy định. Nếu phát hiện người dân nhân nuôi thì phải cảnh báo việc đó”.
Bọ cánh cứng hay còn gọi là sâu đậu, bọ ban miêu. Theo người dân địa phương khu vực Tây Nguyên, loại sâu này thường phá hoại đậu, bí, lúa nhưng số lượng không nhiều. Tuy nhiên, chúng cũng có công dụng làm thuốc rộp da để gây mụn dẫn độc hoặc làm thuốc tụ bệnh.
Trước đó, ngày 24/8, trao đổi với Tiền phong, bà Nguyễn Thị Thương, một chủ cửa hàng tạp hoá ở xã Đăk K’roong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết thời gian gần đây có người phụ nữ nói giọng Bắc thường xuyên vào quán của bà mua loài bọ ba sọc với giá 1,5 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, bà Thương lại không biết thương lái thu mua loài bọ này với mục đích gì: “Bà ta nói là bán sang Trung Quốc chứ mình không biết họ mua làm gì. Tôi đặt mua của người dân còn thương lái đến buổi tối tới gom loài bọ này”.
Cũng theo bà Thương, mỗi ngày bà thu gom được khoảng 4-5kg bọ ba sọc để bán cho thương lái.
Tại 3 huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi và Đăk Hà, thương lái cũng đang thu mua loại bọ cánh cứng này với giá từ 1-2 triệu đồng/kg.
Bà Hoàng Thị Thủy- Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei cho biết, đã nghe người dân báo có thương lái đến mua côn trùng là loại bọ ba sọc với giá cao, chúng tôi đã khuyến cáo người dân không nên bắt vì loại bọ này có độc, gây bỏng.
Ông Võ Văn Út - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cho hay trước đây chưa từng xảy ra tình trạng thu mua này, đơn vị đang cho kiểm tra và đã báo cáo cấp trên. Dù giá cao, bà con cũng không nên bỏ công, bỏ việc khác để lùng bắt loại côn trùng này. Bản thân bọ cánh cứng có chất tự vệ, nếu chất đó xịt vào người gây rộp da, gây bỏng.
Ngày 20/8, em A Ngãi (10 tuổi, trú làng Đăk Môn, xã Đăk K’roong, huyện Đắk Glei) cùng 2 em khác đi vào rẫy lúa trong làng đi săn bắt bọ ba sọc, đã bán được 10 nghìn đồng để chia nhau. Sau đó A Ngãi bị nóng, rát, lở loét quanh cổ và miệng, gia đình phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa khu vực Ngọc Hồi.
Đình Văn (Tổng hợp)