Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua
Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD, tăng 34,7%. Nửa đầu năm, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 39,2 tỷ USD, tăng 67,9%.
Theo Bộ Công Thương, bất chấp những diễn biến khó khăn của kinh tế, thương mại toàn cầu, xung đột địa chính trị, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc đang phục hồi ấn tượng.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Đáng chú ý, thương mại song phương 2 nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hiện, Trung Quốc đang thúc đẩy việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Báo Công Thương dẫn nguồn Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực. Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách về quản lý xuất nhập khẩu, trong đó nếu hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn sẽ tạo các điều kiện thuận lợi xuất khẩu vào thị trường này.
Đặc biệt, hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc được duy trì ổn định, dự báo đạt kết quả tốt so với mặt bằng chung quan hệ thương mại của Trung Quốc với đa số các đối tác thương mại lớn trên thế giới.
Thời gian vừa qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường tỷ dân, bởi, trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu.
Điểm đáng nói, các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm nhiều thời gian qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông thủy sản, đặc biệt Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu các loại nông sản nhiệt đới, trong đó có các sản phẩm nông sản trái cây chất lượng của Việt Nam như sầu riêng, dưa hấu, chuối...
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua. Cụ thể, kể từ năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc luôn duy trì trên 100 tỷ USD. Năm 2023, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 171,85 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 61,21 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022.
Đến nay, có 12 mặt hàng rau quả; tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giúp giá trị xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng tốt.
Hiện nay, các cơ quan chức năng 2 bên đã và đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi mở cửa cho hai mặt hàng này xuất khẩu chính ngạch, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao.
Việt Nam xuất siêu 11,63 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính chung sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỷ USD, tăng 14,1%.
Đáng chú ý về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa nửa đầu năm nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD.
Tổng cục Thống kê cho biết, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD.
Đặc biệt riêng tháng 6, cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 ước tính xuất siêu 2,94 tỷ USD. Còn trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 4,6% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 20,1% và tăng 6,5%.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo điện tử Chính Phủ, bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, thời gian tới chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa; xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách kinh tế, thương mại cần thực hiện đồng bộ và thường xuyên; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và minh bạch. Ngoài ra, cần phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác.
Đồng thời, cơ quan chức năng liên quan tăng cường đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra; giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững; thực hiện các giải pháp chứng minh hàng hóa Việt Nam không bán phá giá; đa dạng giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng; đảm bảo tăng trưởng các chỉ tiêu công nghiệp, thương mại; tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA mang lại.
"Các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức cần nắm rõ thông tin thị trường, nhu cầu thị hiếu tiêu dùng, cơ chế chính sách nhập khẩu tại các thị trường, đặc biệt là các thị trường có FTA. Từ đó, xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của các thị trường, lựa chọn thị trường phù hợp với lợi thế của địa phương, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bền vững", bà Đinh Thị Thúy Phương nhấn mạnh.
Theo số liệu trên Vietnam+ năm 2023, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Bảy mặt hàng xuất khẩu này gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; phương tiện vận tải, phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ.
Trúc Chi (t/h)