Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng qua, thương mại 2 chiều Việt Nam-Trung Quốc đạt con số cao kỷ lục với 185,4 tỷ USD; mức này còn vượt cả kim ngạch năm ngoái gần 15 tỷ USD.
Đóng góp cho kim ngạch này, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 55,2 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này đạt 130,2 tỷ USD, tăng 29,7%, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam nhập siêu khoảng 75 tỷ USD, tăng 67,7%. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng kim ngạch thương mại 2 nước đạt 16,8 tỷ USD/tháng.
Hiện nay, nông sản vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gồm: Sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây. Trong đó, một số sản phẩm như sầu riêng, thanh long... của Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản nhập khẩu từ ASEAN, theo VTCNews.
Trong 11 tháng qua, kim ngạch một số mặt hàng như rau quả đạt xấp xỉ 4,1 tỷ USD, tăng 28,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,7 tỷ USD tăng 22,3%; thủy sản đạt 1,4 tỷ USD tăng 23,2%...
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu hàng công nghiệp chế biến chế tạo có trị giá lớn như điện thoại, máy tính, linh kiện, sắt thép, xơ sợi và giày dép…Riêng giá trị những mặt hàng này đã chiếm gần 70% kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc.
TS.Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương - đánh giá, hiện kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tương đối lớn. Tuy nhiên, hàng hoá nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu nên không quá đáng ngại. Hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là nguyên phụ liệu sản xuất có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Việc vận chuyển hai chiều lại gặp nhiều thuận lợi, do vị trí địa lý gần gũi nên doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên nhập khẩu từ thị trường này. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, giá trị tuyệt đối không thể cao như nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Bộ Công Thương đánh giá, thương mại song phương 2 nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Tới đây, khi ACFTA được nâng cấp sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư, thương mại. Hiện, đàm phán nâng cấp Hiệp định này đã trải qua 8 phiên.
Nâng cấp FTA góp phần làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế ASEAN - Trung Quốc. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa và đầu tư, Hiệp định ACFTA nâng cấp dự kiến bao gồm các lĩnh vực mới như kết nối chuỗi cung ứng, kinh tế xanh, kinh tế số...
Theo Bộ Công Thương, dù cuối năm, nguồn cung một số loại trái cây chủ lực giảm, nhưng nhu cầu trên thế giới tăng cao (đặc biệt là tại Trung Quốc) sẽ là động lực hỗ trợ xuất khẩu.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Bộ Công Thương đánh giá, hoạt động trao đổi thương mại hàng hóa 2 chiều vẫn sôi động trong tháng cuối cùng, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của cả 2 nước. Dự kiến, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc có thể đạt 200 tỷ USD, là con số kỷ lục từ trước đến nay, tương đương với gần 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, theo Tiền Phong.
Để thúc đẩy thương mại hai chiều, mới đây, Hội chợ thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2024) đã được tổ chức, không những là "cầu nối" để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, thúc đẩy giao thương, mà còn góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Lạng Sơn với Quảng Tây nói riêng, Việt Nam với Trung Quốc nói chung trong các lĩnh vực thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hội chợ là một nỗ lực tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội hợp tác, đầu tư, cùng phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.
Khánh Linh (t/h)