Hơn một nửa thế kỷ, tôi mới có lại cảm giác này. Khi chiều nay, lúc trời nhập nhoạng tối một mình đứng bên bến sông thời tuổi thơ tôi ngụp lặn, nhìn vầng trăng 14 đang nhợt nhạt buồn. Trong buổi chiều tháng Chạp, bến sông xưa hiu hắt vắng. Không có bóng ai ngoài một mình tôi.
Đâu rồi bến sông ngày xưa, những chiều cuối năm rộn tiếng cười của những người đàn bà ra sông gánh nước, rửa lá dong hoặc đơn giản chỉ là lấy nước tưới rau.
Ngày ấy, nước sông đầy và sạch. Mặt sông chiều cuối năm lờ mờ sương dâng. Không có khói sóng, cũng chưa đi đâu xa nhà để có tâm trạng nhớ quê, không có nỗi buồn lữ thứ, tha hương nào, chỉ có niềm vui và những háo hức chờ năm mới đang đến gần.
Bến sông quê chiều cuối năm nói lên khá đầy đủ mức sống, sự bình yên của người dân quê tôi. Nghèo, giản đơn mà đầy thương mến của những quan hệ hàng xóm, họ mạc đầy thân thiện. Chiều nay, đứng bên bờ sông xưa không định đi tìm một bóng hình xưa đã mất mà cảm giác lạc loài cứ ám ảnh. Mọi thứ xung quanh xa lạ. Bến sông không một bóng người. Ngay bên cạnh là bãi tha ma chiều đông cũng lặng lẽ buồn. Dòng sông đang chết dần. Bến xưa không còn chút bóng dáng nào của thời đã qua. Tôi cũng thành xa lạ với chính mình.
"Bến xưa vẫn đợi, người không thấy về", câu thơ tôi viết năm nào về quê dường như bây giờ không phải vậy. Chả đợi chờ ai, chả mong ngóng gì. Giá như không phải thấy cảnh này.
Tôi yêu bến sông làng không chỉ vì nơi ấy hầu như chiều nào tôi cũng cùng lũ bạn chăn trâu ngụp lặn, nhất là những ngày hè không bận chuyện bài vở, học hành. Bến sông nằm ngay bên cái vực nhỏ sau khúc lượn vòng, rồi lững lờ chảy xuôi, không xa làng đã trở thành bến tắm, là nơi gặp gỡ của cả làng.
Ngày ấy còn là một đứa trẻ, tôi không biết có bao nhiêu đôi nam nữ thanh niên làng tôi đã nên vợ nên chồng bên bến sông này nhưng tôi vẫn nhớ, ngày đi học xa nhà, mỗi khi có dịp về quê, tôi thường tìm một chỗ vắng gần bến sông, ngồi nghỉ chân sau chặng đường đi bộ gần chục km từ phố huyện về hoặc nhao xuống dòng sông mà ngụp lặn thoả thích, giũ hết những mệt nhọc, bụi bặm đường trường rồi mới lững thững theo con đường nhỏ về nhà, không phải gặp ai, không muốn ai nhìn thấy mình như vừa tắm sông về.
Giờ, bến không còn, dòng sông hẹp lại, nước lờ đờ trôi. Mấy năm trước, thấy nước ngập bờ, tôi đã lội xuống sông nhưng không dám lặn xuống, người cứ gai lên vì nỗi sợ mơ hồ: Nước bẩn. Mà ngứa thật. Không còn con thuyền nào. Không còn cánh buồm nào. Không còn sự sống nữa thì chỉ còn là dòng sông chết. Đứa em họ cười cười bảo dạo này chả ai dại gì tắm sông nữa vì nước bẩn, vì "tắm sông nó cứ làm sao ấy". Chả trách làng tôi có sông mà trẻ trong làng chả đứa nào biết bơi. Lũ chúng tôi ngày xưa, suốt ngày gắn với dòng sông nên đứa nào cũng bơi lội như rái cá.
Hỏi đứa cháu có biết con rái cá thế nào không, nó ngơ ngác chả biết bác nói gì.
Thuở thiếu thời cho đến lúc thanh xuân, dòng sông và bến sông in vào trong tôi những gì trong trẻo, hồn nhiên về một dòng sông quê và một cuộc sống gắn với sông nước đầy ắp kỷ niệm. Chả biết có phải vì tình yêu ấy làm cho nỗi nhớ đong đầy những năm tháng xa quê và thi vị nó lên không nhưng giờ tóc đã pha sương, tìm về bến xưa chỉ thấy man mác buồn, thấy thương một dòng sông đã chỉ còn trong kỷ niệm, tiếc một bến xưa đã không còn dấu vết gì của một thời. Hàng cây bên bờ sông không biết trồng tự bao giờ cũng đã mang dáng dấp cổ thụ càng làm tăng thêm vẻ thâm u, xa lạ, nó như một phần của nghĩa địa làng và làm cho bến sông xưa như xa cách hơn.
Lâu lắm rồi tôi mới lại có một buổi chiều ở bên dòng sông quê lâu như thế. Nhưng lại càng cảm nhận được rõ hơn về một dòng sông xưa, một bến sông xưa không còn nữa. Càng thấy rõ hơn mình đang thành người xa lạ ngay tại quê mình.
Bằng chứng là một người độ 40 chăn trâu ở đó nhìn tôi như một người khách lạ, vô công rồi nghề vẩn vơ bên bờ sông vắng, bên bãi tha ma như kẻ mộng du. Mà mộng du thật rồi. Dòng sông xưa của tôi đâu, bến sông xưa của tôi đâu?
Tôi men theo lối đê xưa để về nhà mà không được. Đất đai giờ có chủ, thành của riêng nên bờ sông xưa đã bị chia vụn thành những khoảnh riêng, đầy ngăn cách. Dòng sông xưa ơi, bến sông quê ơi, chẳng lẽ giờ chỉ còn trong ký ức? Và còn được mấy người lẩn thẩn như tôi bòn mót từng nỗi nhớ quê, nỗi nhớ một thời hoa niên vui vẻ và thanh bình. Các cháu tôi sinh ra bên một dòng sông bây giờ không đứa nào có một ấn tượng gì về dòng sông quê, nơi một thời đã có những cánh buồm như trôi đi trên mặt nước.
PGS. TS Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.