Thời gian gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nhiều Nghị định thư quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến và thông báo nhập khẩu thí điểm chanh leo từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Nhằm kịp thời cung cấp thông tin và hướng dẫn cho doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân nắm vững các quy định của thị trường Trung Quốc về ATTP, yêu cầu về mã vùng trồng, vùng nuôi, sáng 10/12, Diễn đàn kết nối nông sản 970 đã được diễn ra với chủ đề: “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc”.
Yêu cầu về ATTP ngày càng khắt khe
Trao đổi về yêu cầu của Trung Quốc về ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, đại diện Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh các yêu cầu về ATTP của Trung Quốc đối với các sản phẩm nhập khẩu ngày càng khắt khe và liên tục cập nhật, bổ sung mới.
"Doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm vào Trung Quốc cần đáp ứng điều 5, Lệnh 248 gồm: Thuộc Quốc gia có hệ thống quản lý ATTP được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) đánh giá tương đương; được thành lập và chịu sự giám sát hiệu quả của cơ quan có thẩm quyền quốc gia đó;
Thiết lập hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, xuất khẩu hiệu quả, hợp pháp tại quốc gia đó và đảm bảo thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các luật và quy định liên quan và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc", bà Hoa chia sẻ.
TS. Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bà Hiền tiết lộ: "Hiện nay Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với quả chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi, chanh và một số các loại nông sản khác".
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Trung Quốc đưa ra 5 yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu sang nước bạn. Từ những yêu cầu đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm, đảm bảo không có các đối tượng kiểm dịch thực vật. Đồng thời theo dõi và giám sát sinh vật gây hại bởi cán bộ kỹ thuật; lưu trữ hồ sơ giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại.
Đối với các cơ sở đóng gói, bà Hiền nhấn mạnh cần phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt không để chung với hàng xuất khẩu sang các thị trường khác.
Đồng thời, phải được áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại. Trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký.
Bà Hiền cũng đặc biệt lưu ý về các biện pháp xử lý của Trung Quốc đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể, lô hàng không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Lô hàng của các cơ sở chế biến chưa đăng ký hay không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch nhập khẩu khác của Trung Quốc sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.
Nâng cao hiểu biêt về thị trường Trung Quốc
Trong bài phát biểu tại sự kiện, ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc có đề cập đến việc Việt Nam và Thái Lan đều là 2 thị trường lớn tại Đông Nam Á xuất khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam hàng năm vào Trung Quốc khoảng 3,2 tỷ USD thì con số đó của của Thái Lan là 8,5 tỷ USD.
Từ đó, ông Wang khuyến nghị các cơ quan chức năm của Việt Nam, người dân trồng trái cây ở Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây, xây dựng các quy tắc thống nhất để đảm bảo trong quá trình thu hoạch không bị sâu hại, dịch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về ATTP.
Quy trình đóng gói, bao bì cũng phải đảm bảo các quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng, đúng quy trình khi áp dụng truy xuất nguồn gốc, đặc biệt liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Ông Wang chỉ ra rằng, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp sản xuất trái cây tại Việt Nam còn chưa có đầy đủ hiểu biết về thị trường Trung Quốc dẫn đến việc bán hàng một cách thụ động, không tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường. Khi các chợ đầu mối Trung Quốc mở cửa vào các thương nhân Thái Lan thường chủ động sang tận nơi để nắm bắt giá cả, nhu cầu của thị trường trong khi điều đó với thương nhân Việt Nam còn chậm hơn.
Do đó Việt Nam cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, đồng thời có thể nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc mới nhất.
Cuối cùng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh đề nghị Việt Nam thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để giúp xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt Nam tại Trung Quốc giúp cung cấp cho người mua Trung Quốc các kênh mua sắm thuận tiện hơn với ít người trung gian hơn.