Thương nhớ nhà thơ Thanh Tùng của "Thời hoa đỏ"

Thương nhớ nhà thơ Thanh Tùng của "Thời hoa đỏ"

Hoàng Anh Tú

Hoàng Anh Tú

Thứ 4, 13/09/2017 09:00

Thông tin nhà thơ Thanh Tùng, tác giả của bài thơ nổi tiếng "Thời hoa đỏ" qua đời khiến giới văn nghệ sĩ và những người yêu thích thơ ông bàng hoàng...

Theo tin của các nhà thơ Phan Hoàng, Lê Thiếu Nhơn từ Hội Nhà văn TP. HCM cho biết, vì tuổi cao sức yếu lại lâm trọng bệnh, nhà thơ Thanh Tùng đã qua đời vào lúc 21h50 ngày 12/9/2017 (nhằm 21/7 năm Đinh Dậu) tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.

Linh cữu nhà thơ Thanh Tùng được quàn tại Nhà tang lễ Thành phố Hồ Chí Minh (25 Lê Quý Đôn, quận 3), lễ viếng bắt đầu từ lúc 10g sáng ngày 13/9, lễ động quan vào lúc 12h ngày 15/9 (nhằm 24/7 âm lịch), sau đó thi hài ông sẽ được an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và các bạn hữu văn chương của nhà thơ Thanh Tùng.

Đời sống - Thương nhớ nhà thơ Thanh Tùng của 'Thời hoa đỏ'

Nhà thơ Thanh Tùng qua đời ở tuổi 83.

Dưới đây, báo Điện tử Người Đưa Tin xin trân trọng đăng tải chùm thơ của nhà thơ Thanh Tùng:

 

THỜI HOA ĐỎ

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao 

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng 

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh 

Chẳng chịu cho lòng ta yên 

Anh mải mê về một màu mây xa 

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ 

Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa 

Em hát một câu thơ cũ 

Cái say mê một thời thiếu nữ 

Mỗi mùa hoa đỏ về 

Hoa như mưa rơi rơi 

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi 

Như máu ứa một thời trai trẻ 

Hoa như mưa rơi rơi 

Như tháng ngày xưa ta dại khờ 

Ta nhìn sâu vào mắt nhau 

Mà thấy lòng đau xót 

Trong câu thơ của em 

Anh không có mặt 

Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết 

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc 

Em không đi hết những ngày đắm say 

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ 

Không cho ai có thể lạnh tanh 

Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ 

Như vết xước của trái tim 

Sau bài hát rồi em lặng im 

Cái lặng im rực màu hoa đỏ 

Anh biết mình vô nghĩa đi bên em 

Sau bài hát rồi em như thể 

Em của thời hoa đỏ ngày xưa 

Sau bài hát rồi anh cũng thế 

Anh của thời trai trẻ ngày xưa.

(Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành bài hát cùng tên)

 

NGƯỜI VỀ

Nắng nghẹn mình đầu ngõ

Quả đeo buồn lưng cây

Người về như khách lạ

Ngỡ ngàng đầy hai tay

 

Một năm nắng chưa úa

Một năm gió chưa già

Lá vẫn đầy sân hẹp

Sao ta chẳng còn ta?

 

Chân leo dốc Trường Sơn

Giờ mỏi giữa sân nhà

Muốn lăn vào lòng mẹ

Như những ngày còn thơ

 

Tiếng mẹ run như sóng

Tiếng mẹ mềm như tơ

Mẹ cười hay mẹ khóc

Chỉ thấy mắt ta mờ

 

THẤT TÌNH

Em để lại trong tim tôi một mũi dao

Thi thoảng lại nhấn sâu thêm một chút

Tôi mang nó suốt đời,

Còn em thì không biết

 

Những mùa thu ướt máu vẫn đi về

Bây giờ mọi thứ thuốc đều vô hiệu

Tôi chữa bằng rượu thôi

Hết rượu,

Tôi uống cả mùa thu

Cả những chiều đông lướt thướt

Xong, lại tự nhấn sâu thêm chút nữa

Mũi dao ngày xưa

Nhưng có sao,

Khi trái tim tôi cũng thành bình rượu

Cả mũi dao ngày xưa

Cũng phải say mềm.

Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh ngày 7/11/1935 tại làng Cầu Gia, xã Gia Hoà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, lớn lên làm công nhân ở Hải Phòng, có thời gian gắn bó với Hà Nội. Cuối đời ông hành phương Nam, sống và sáng tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Thanh Tùng là nhà thơ tiêu biểu xuất thân từ công nhân, tác giả những bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc, đặc biệt là "Thời hoa đỏ". Năm 1997, ông được Hội Nhà văn Việt Nam cử sang Hy Lạp đại diện giao lưu, đọc thơ với đại biểu các nước khác. Sau khi in chung một số tập thơ, mãi đến năm 2001 nhà thơ Thanh Tùng mới có tập thơ in riêng đầu tiên là "Thời hoa đỏ", được tái bản năm 2016. Tập thơ này cũng đã được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002.

Việt Chiến

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.