Dư luận đang rộ lên nhiều đồn đoán sau khi báo cáo của Ban điều hành chuẩn bị cho ĐHĐCĐ thường niên Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) dự kiến diễn ra vào ngày 26/4 tới đây bỏ ngỏ tên Tổng giám đốc.
Cụ thể, trong tờ trình Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Eximbank không có chữ ký của Tổng Giám đốc ngân hàng.
Các tờ trình còn lại như Báo cáo của Ban kiểm soát (BKS), Kinh phí hoạt động và thù lao của BKS do ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng BKS, ký. Trong khi đó, các tờ trình thù lao và ngân sách hoạt động HĐQT, phân phối lợi nhuận 2018 của Eximbank, dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ đề tên Chủ tịch là ông Lê Minh Quốc.
Một nguồn tin từ Eximbank xác nhận, Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết đã hết hạn hợp đồng lao động vào ngày 5/4. Song song với đó, cuộc tranh chấp quyền lực trong HĐQT Eximbank, cụ thể là "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT giữa ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú vẫn khiến cổ đông đặt nhiều dấu hỏi.
Được biết, trước khi nguyên Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết hết hạn hợp đồng lao động 01 ngày, ngày 4/4, Chủ tịch HĐQT Eximbank là ông Lê Minh Quốc đã triệu tập họp HĐQT, trên cơ sở đề nghị bổ sung nội dung bầu mới Chủ tịch HĐQT và gia hạn hợp đồng với Tổng giám đốc Lê Văn Quyết của các Thành viên HĐQT ngân hàng này.
Tuy nhiên, cuộc họp đã không thể diễn ra theo kế hoạch do không đủ thành viên tham dự và từ đó đến nay không có cuộc họp HĐQT nào được tổ chức, dẫn tới việc hợp đồng với ông Lê Văn Quyết tự động hết hạn trước khi được gia hạn.
Ông Lê Văn Quyết sinh năm 1961, được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT Eximbank vào ngày 15/12/2015 và làm Tổng Giám đốc nhà băng này từ ngày 5/4/2016 với hợp đồng 02 năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, trước làn sóng cổ đông phản đối ông Quyết sau hàng loạt lùm xùm tại ngân hàng này, ông Quyết phát biểu rằng ông sẵn sàng nhường ghế cho Tổng Giám đốc mới xứng đáng hơn. Tuy nhiên HĐQT Eximbank sau đó vẫn gia hạn hợp đồng thêm 01 năm với ông này.
Trao đổi với báo chí, một Thành viên HĐQT ngân hàng cho biết: "Eximbank đang như "rắn mất đầu", các vấn đề lớn không có ai xử lý, như hai vụ kiện của khách hàng ở TP.HCM và Nghệ An khiến Eximbank đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại rất lớn, rồi ảnh hưởng uy tín, đánh giá tín nhiệm nữa…".
Nhận định của vị lãnh đạo nói trên tỏ ra có cơ sở, dặc biệt trong bối cảnh Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc không nhận được sự ủng hộ của đa số Thành viên HĐQT (7/10 phiếu chống).
Được biết, hiện nay hoạt động điều hành của Eximbank đang do Phó TGĐ Thường trực Nguyễn Cảnh Vinh phụ trách.
Ông Vinh trước đó là Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), chuyển sang công tác tại Eximbank từ trung tuần tháng 4/2018.
Ông Vinh đã từng được HĐQT Eximbank ban hành Nghị quyết bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước đã không phê chuẩn do Nghị quyết bầu và hồ sơ trình lên không hợp lệ.
Ngoài việc khuyết ghế nóng Tổng Giám đốc nói trên, thời gian qua tại Eximbank còn diễn ra nhiều “lùm xùm” xoay quanh cuộc chiến giành chiếc ghế Chủ tịch HĐQT.
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, chiều 22/3, HĐQT ngân hàng Eximbank ban hành nghị quyết bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên HĐQT (nguyên TGĐ Nam A Bank, được bầu làm Thành viên HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018) giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – Thành viên HĐQT độc lập.
Ngày 27/3, trên cơ sở tố cáo của ông Lê Minh Quốc, TAND TP.HCM ra Quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại điều 127 của Bộ luật Tố tụng Dân sự để buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT cho đến khi giải quyết xong vụ án.
Ngày 28/3, phía ngân hàng Eximbank phát đi thông cáo khẳng định "sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp".
Ngày 29/3, Eximbank đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng về việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92 của Tòa án nhân dân TP.HCM.
Đơn khiếu nại do Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết ký gửi Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Chánh án TAND và các cơ quan liên quan. Trong văn bản, nhà băng này cho rằng quyết định của Tòa án TP.HCM là trái luật.
Ngày 2/4, trao đổi với báo chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết Đoàn kiểm tra đã tới Eximbank và sẽ tập hợp tài liệu, kiểm tra toàn bộ quá trình biến động lãnh đạo ngân hàng này.
Trong khi câu chuyện về nhân sự cấp cao tại Eximbank đang “rối như canh hẹ” thì một diễn biến khác tại ngân hàng cũng thu hút sự chú ý không nhỏ của dư luận. Đó là vụ việc TAND cấp cao tại TP.HCM, tại buổi xét xử ngày 19/4, đã chấp nhận kháng cáo của bà Chu Thị Bình, tuyên buộc Eximbank TP.HCM trả cho bà Bình tiền lãi phát sinh, tính tới thời điểm hiện tại là hơn 115,4 tỷ đồng.
Đây là phiên xử nhằm tuyên sửa án sơ thẩm về phần dân sự vụ án Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xảy ra tại ngân hàng Thương mại CP Xuất nhập khẩu Việt Nam - chi nhánh TP.HCM (Eximbank TP.HCM), liên quan đến vụ ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó Giám đốc Eximbank TP.HCM) lừa đảo chiếm đoạt của bà Chu Thị Bình 245 tỷ đồng gây chấn động giới ngân hàng hồi đầu năm 2018.
Có thể thấy nếu bài toán nhân sự không được nhanh chóng giải quyết thì hàng loạt khó khăn sẽ còn bủa vây nhà băng này không biết đến bao giờ mới có giải pháp khắc phục.