Theo báo cáo từ Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) năm 2012, do tác động của suy giảm kinh tế nên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều khó khăn nhưng nhìn chung tiền lương năm 2012 và tiền thưởng Tết của người lao động năm 2013 tiếp tục ổn định và có chiều hướng tăng so với năm trước. Thống kê từ hơn 11 nghìn DN ở 63 tỉnh thưởng Tết năm 2013, tiền lương bình quân của người lao động năm 2012 là 4,3 triệu đồng, tăng 12% so với năm 2011 (với khoảng 3,8 triệu).
Cụ thể, mức tiền thưởng Tết dương 2013 có mức trung bình 1,1 triệu đồng mỗi người, tăng 18% so với năm 2012. Người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở TP Hồ Chí Minh đạt 624,2 triệu đồng. Tuy nhiên có một một số doanh nghiệp khó khăn không thưởng Tết.
Tuy nhiên, mức thưởng bình quân trong các loại hình doanh nghiệp có sự chênh lệch. Công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu thưởng trung bình 1,3 triệu đồng mỗi người, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước 1,9 triệu, doanh nghiệp dân doanh 622.000 đồng, doanh nghiệp FDI 1,2 triệu đồng.
Về thưởng Tết âm lịch Quý Tỵ, báo cáo chung cho biết các DN báo cáo trong kế hoạch đều có thưởng Tết âm lịch, mức thưởng cho mỗi người lao động là 3,5 triệu đồng (năm 2012 là 3,2 triệu đồng), tăng khoảng 8,7%. Đặc biệt một doanh nghiệp FDI Đồng Nai chi trả cao nhất, lên tới 650 triệu đồng.
Mức thưởng Tết âm lịch ở các khối DN cũng có sự khác biệt. Cụ thể, ở công ty TNHH một thành viên là 4,6 triệu một người, doanh nghiệp cổ phần 4,7 triệu, doanh nghiệp dân doanh 2,5 triệu và doanh nghiệp FDI 3,3 triệu.
Mức thưởng Tết Quý Tỵ cao nhất đạt 650 triệu đồng
Nhìn nhận về tình hình chung, bà Tống Thị Minh, vụ trưởng Vụ Lao động và Tiền Lương (Bộ LĐTB&XH) cho rằng: Báo cáo lương, thưởng Tết hiện nay mới là thống kế từ hơn 11.000 doanh nghiệp, chỉ tương đương 3% số đang hoạt động, với hơn 2 triệu lao động (chiếm 16%). Lãnh đạo Bộ LĐ- TB&XH cũng nhìn nhận thực tế, tiền lương và tiền thưởng Tết của người lao động năm 2012 có xu hướng tăng so với năm trước, nhưng chỉ đủ bù đắp trượt giá.
Trên thực tế, tình hình nợ lương vẫn còn diễn ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp. Vụ Tiền lương cũng đã nhận được báo cáo của 27 tỉnh, thành, trong đó một số tỉnh nợ lương, bảo hiểm xã hội lớn như Hà Nội, TPHCM chưa có báo cáo. Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Trần Văn Luận cũng cho hay, tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội đã diễn ra nhiều năm, mỗi năm khoảng 3.000 tỷ đồng. Điều này do nhiều nguyên nhân, do khó khăn một phần, nhưng phần lớn là trốn tránh trách nhiệm và đóng không đủ định mức.
Trước tình hình đó, ngoài việc đề nghị chủ doanh nghiệp tìm nguồn trả lương cho người lao động, cải tiến năng suất, tăng thu nhập cho người lao động, Bộ Lao động đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng đề xuất, đối với những doanh nghiệp không liên lạc được với chủ thì chủ tịch UBND tỉnh tạm ứng ngân sách trả lương cho những người có tên trong bảng lương mà doanh nghiệp còn nợ. Sau đó, xử lý tài sản của những doanh nghiệp này hoàn trả ngân sách nhà nước. Trường hợp tài sản không đủ thì báo cáo về Bộ Tài chính để trình Thủ tướng.
Theo Dantri